Vì sao Bộ Công an đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu?

Cục CSGT cho biết, sau khi tổ chức lấy ý kiến đóng góp, cơ quan tham mưu nhận được nhiều quan điểm đồng tình về đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu.

Những ngày gần đây, Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, trong dự thảo này, Bộ Công an đề xuất giảm mức phạt tiền về hành vi vi phạm về nồng độ cồn ở mức tối thiểu (chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở).

Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, nhiều quan điểm đồng tình với đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, nhiều quan điểm đồng tình với đề xuất giảm tiền phạt vi phạm nồng độ cồn mức tối thiểu.

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, dự thảo đưa ra xuất mức phạt tiền từ 0,8-1 triệu đồng (mức đang áp dụng là từ 6-8 triệu đồng). Còn với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, mức phạt được đề xuất giảm còn từ 400.000-600.000 đồng (mức đang áp dụng là từ 2-3 triệu đồng).

Ngoài ra, Bộ Công an còn đề xuất người vi phạm về nồng độ cồn ở mức trên ngoài bị phạt tiền còn bị trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe tương ứng với loại phương tiện vi phạm đó.

"Sau khi tổ chức lấy ý kiến đóng góp và tổng hợp từ các bộ, ban ngành cũng như tổ chức và cá nhân, cơ quan tham mưu dự thảo nhận được nhiều quan điểm đồng tình với đề xuất nêu trên", đại tá Nguyễn Quang Nhật nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng cần phải giữ nguyên quy định về hình phạt mà luật hiện hành đang áp dụng đối với các mức độ vi phạm nồng độ cồn.

Những nguồn đóng góp ý kiến này lý giải, trong suốt 2 năm qua, lực lượng chức năng đã duy trì được kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn một cách thường xuyên và mang lại hiệu quả, tạo được thói quen đã uống rượu, bia không lái xe.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng vẫn xử phạt hơn 500.000 tài xế vi phạm nồng độ cồn, trong đó trên 90% trường hợp là người điều khiển xe máy. Điều đó cho thấy, ý thức chấp hành quy định của một bộ phận người dân chưa thực sự đi vào nề nếp.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, hơn 500.000 tài xế bị xử lý do vi phạm nồng độ cồn (ảnh minh họa).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, hơn 500.000 tài xế bị xử lý do vi phạm nồng độ cồn (ảnh minh họa).

Cũng có ý kiến cho rằng, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người khỏe mạnh nếu uống một ly rượu rồi trong vòng một giờ sau đó, kết quả kiểm tra cho thấy người này có ngưỡng nồng độ cồn dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Qua tổng hợp các ý kiến đóng góp, Cục CSGT đã tiếp thu để đưa vào dự thảo của Bộ Công an để trình Chính phủ.

"Các nội dung đề xuất vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa sát với tình hình thực tiễn và tương xứng với hành vi vi phạm", đại diện Cục CSGT nhìn nhận.

Quá trình xây dựng hoàn thiện dự thảo, Cục CSGT sẽ tiếp tục tiếp thu quan điểm đóng góp, đồng thời tiếp nhận ý kiến từ các cơ quan nhà nước và người dân để nghiên cứu, bổ sung.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-bo-cong-an-de-xuat-giam-tien-phat-vi-pham-nong-do-con-muc-toi-thieu-192240808110957827.htm