Vì sao Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng được quyền lựa chọn số con để sinh?

Cả nước hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, tập trung ở vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh ven biển miền Trung. Đặc biệt, vùng Đông Nam bộ là khu vực có tỷ lệ mức sinh giảm rất sâu, nếu năm 1999 mức sinh ở khu vực này là 2,9 con/phụ nữ thì hiện còn 1,56 con.

Hôm nay 11-7 là Ngày Dân số Thế giới, cũng là dịp Việt Nam kỷ niệm 30 năm thực hiện chương trình hành động về dân số và phát triển với nhiều thành tựu quan trọng như: khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số; nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007; tuổi thọ trung bình tăng nhanh, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện.

 Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng có quyền lựa chọn số con được sinh

Bộ Y tế đề xuất các cặp vợ chồng có quyền lựa chọn số con được sinh

Tuy nhiên, công tác dân số nước ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; tốc độ già hóa nhanh; chênh lệnh lớn về mức sinh giữa các vùng miền. Đáng lo ngại hơn khi mức sinh thay thế ở Việt Nam đang giảm mạnh nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển.

Thống kê mới nhất của Cục Dân số (Bộ Y tế), tổng tỷ suất sinh năm 2022 ở nước ta là 2,01 con/phụ nữ thì sang năm 2023 chỉ còn 1,96 con/phụ nữ và con số này tiếp tục có chiều hướng giảm sâu. Trong khi đó, để duy trì vững chắc mức sinh thay thế và duy trì nòi giống thì bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần có 2,1 con.

Cả nước hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, tập trung ở vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh ven biển miền Trung. Đặc biệt, vùng Đông Nam bộ là khu vực có tỷ lệ mức sinh giảm rất sâu, nếu năm 1999 mức sinh ở khu vực này là 2,9 con/phụ nữ thì hiện còn 1,56 con.

Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn như Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực.

 Mức sinh thấp tại nhiều địa phương đang ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội

Mức sinh thấp tại nhiều địa phương đang ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội

Các tỉnh thành có mức sinh thấp đang có quy mô dân số khoảng 38 triệu người, chiếm khoảng 39% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước. Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cảnh báo, với mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy rất lớn cho xã hội, như: già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Đặc biệt, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế, cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn.

Để đáp ứng công tác dân số trong tình hình mới, trong dự thảo Luật Dân số đang được xây dựng thay thế cho Pháp lệnh Dân số năm 2003, Bộ Y tế đề xuất quy định về việc các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con và số con. Đây là thay đổi căn bản rất lớn khi Pháp lệnh Dân số đang quy định “mỗi cặp vợ chồng, cá nhân sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.

Đề xuất trên nhằm khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, khó vực lên như kinh nghiệm của một số quốc gia, gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên để thực hiện thành công giải pháp này, đòi hỏi Nhà nước và các địa phương cần bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động, khuyến khích, thực hiện hỗ trợ cả vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng nhằm duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn.

NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vi-sao-bo-y-te-de-xuat-cac-cap-vo-chong-duoc-quyen-lua-chon-so-con-de-sinh-post748799.html