Vì sao bom tấn của Lưu Diệc Phi, Chân Tử Đan nguy cơ thất bại?

Việc phải quay lại ngay sát lịch công chiếu khiến nhiều người tin rằng dự án 'Hoa Mộc Lan' của Disney có nguy cơ biến thành bom xịt.

Mới đây, bộ phim Hoa Mộc Lan bản live-action do Disney sản xuất với ngân sách 300 triệu USD được cho là đang chuẩn bị có đợt quay lại do những phản hồi tiêu cực từ các khán giả của buổi chiếu thử. Cụ thể, bộ phim sẽ có đợt quay lại kéo dài 4 tháng, bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 2 năm sau.

Thông tin về những nội dung phải quay lại vẫn chưa được tiết lộ dù có nguồn tin cho rằng đó là những cảnh đánh trận quan trọng. Việc phải quay lại ngay sát lịch công chiếu (tháng 3/2020) khiến nhiều người tin rằng dự án bom tấn của Disney có nguy cơ biến thành bom xịt. Dự đoán này càng được củng cố với hàng loạt phản ứng không hay về bộ phim diễn ra trong một năm vừa qua.

Mất lòng cả khán giả Trung Quốc lẫn phương Tây

Ngay từ quá trình quảng bá, Hoa Mộc Lan đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của khán giả cả phương Đông lẫn phương Tây. Bộ phim lấy cảm hứng từ nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc – nữ tướng Hoa Mộc Lan.

Do thương người cha già cả vẫn phải nhập ngũ đánh giặc, Hoa Mộc Lan đã tình nguyện giả trai, tòng quân thay cha. Bằng sự thông minh và lòng dũng cảm, nàng lập được nhiều chiến công trên chiến trường, đi vào giai thoại Trung Hoa như một biểu tượng về tình yêu nước và lòng hiếu thảo.

Khi ra mắt khán giả vào năm 1998, Hoa Mộc Lan bản hoạt hình ngay lập tức tạo được tiếng vang lớn, thu được 304 triệu USD toàn cầu. Thành công này khiến cho Disney quyết tâm thực hiện bản live-action cho bộ phim, nhất là sau khi Lion kingAladdin phiên bản người đóng đều có thành tích tốt tại rạp chiếu.

Lưu Diệc Phi được Disney chọn làm nữ chính trong Hoa Mộc Lan bản điện ảnh.

Lưu Diệc Phi được Disney chọn làm nữ chính trong Hoa Mộc Lan bản điện ảnh.

Tuy nhiên, việc đưa một bộ phim quá đỗi quen thuộc trong ký ức của thế hệ khán giả trưởng thành quay trở lại màn ảnh rộng khiến cho không gian sáng tạo của Disney bị ảnh hưởng.

Những khán giả của buổi chiếu thử phàn nàn về việc nhà sản xuất không tôn trọng nguyên tác khi thay thế nhân vật được nhiều người yêu quý là rồng thần Mushu bằng một linh thú khác là phượng hoàng.

Bởi vì phượng hoàng trong phim không biết nói, trái ngược hoàn toàn với vẻ lắm mồm, vui nhộn của rồng Mushu trong bản gốc nên Hoa Mộc Lan bản live-action đã mất đi một điểm cộng rất lớn trong mắt khán giả.

Ngoài ra, một trong các “đặc sản” của phim Disney là những ca khúc đi vào lòng người, do chính các nhân vật thể hiện theo thể loại nhạc kịch. Tuy nhiên, đạo diễn Niki Caro đã xác nhận với báo chí rằng Hoa Mộc Lan bản điện ảnh sẽ là phim hành động – võ thuật thay vì phim nhạc kịch như nhiều bộ phim trước đó mà Disney đã làm.

“Sẽ không có các cảnh hát hò trong phiên bản Mulan mới”, Niki Caro khẳng định, “Các con tôi đã sợ những bài hát đó lắm rồi. Đây là một bộ phim võ thuật, cực kỳ ly kỳ và giải trí”.

Sau buổi chiếu thử, các khán giả cũng xác nhận rằng tuy có vài bài hát trong bản gốc xuất hiện nhưng chỉ là nhạc nền chứ không phải do chính các diễn viên hát. Điều này khiến cho nhiều fan của bản cũ cảm thấy hụt hẫng.

Ở phía bên kia đại dương, bộ phim cũng vấp phải chỉ trích của khán giả Trung Quốc liên quan đến văn hóa của quốc gia này. Chẳng hạn như sự xuất hiện của Thổ Lâu trong trailer mà nhà phát hành đưa ra hồi tháng 7. Đây là kiến trúc vùng Phúc Kiến thuộc phía Nam Trung Quốc, được xây dựng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 20 trong khi quê của Hoa Mộc Lan ở phía Bắc nước này và niên đại cũng khác nhau.

Kiến trúc Thổ Lâu xuất hiện trong phim bị tố là vô lý, sai lịch sử.

Kiến trúc Thổ Lâu xuất hiện trong phim bị tố là vô lý, sai lịch sử.

“Disney không nên đưa kiến trúc Thổ Lâu vào phim chỉ vì nó đẹp. Mộc Lan không phải người Phúc Kiến. Hẳn là cô ấy đã phải đi tàu điện ngầm lên phía Bắc để tòng quân”, một khán giả hài hước bình luận.

Một tiến sĩ văn hóa cũng nhận định: “Bộ phim này phục vụ khán giả phương Tây. Họ cảm thấy yếu tố nào có vẻ phương Đông thì sẽ đưa vào phim để mọi người cảm thấy đây là một bộ phim về Trung Quốc”.

Ông cho rằng: “Nhà sản xuất đang lợi dụng văn hóa của một quốc gia để làm thỏa mãn nhóm khán giả phương Tây”.

Vết xe đổ của những dự án tương tự trong quá khứ

Thực ra, phản ứng trái chiều về văn hóa là điều không xa lạ với các phim Hollywood sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong bối cảnh ở những vùng đất khác. Những bộ phim như 300, Hoàng tử Ba Tư hay chính Aladdin từng bị chỉ trích vì làm méo mó lịch sử, văn hóa, sắc tộc bản địa nhưng vẫn thu về thành tích tốt tại rạp chiếu. Tuy nhiên, đối với những phim lấy bối cảnh ở các nước Đông Á, câu chuyện lại diễn ra hoàn toàn khác.

Trong 10 năm trở lại đây, trước Hoa Mộc Lan từng có hai bộ phim tương tự ra rạp và thất bại thảm hại. Bộ phim đầu tiên là 47 Ronin năm 2013 của hãng Universal, tác phẩm từng khiến cho Keanu Reeves rơi vào điểm đáy của sự nghiệp trước khi được thương hiệu John Wick vực lại.

47 Ronin lấy cảm hứng từ giai thoại nổi tiếng về tinh thần samurai của Nhật Bản. Song, bộ phim bị giới phê bình chê bai là “nửa nạc nửa mỡ” khi cố gắng lồng ghép các yếu tố Hollywood vào trong một câu chuyện nổi tiếng của nước Nhật.

47 Ronin thất bại thảm hại khi lấy cảm hứng từ một câu chuyện mang đậm tính văn hóa bản địa.

47 Ronin thất bại thảm hại khi lấy cảm hứng từ một câu chuyện mang đậm tính văn hóa bản địa.

Bộ phim bị cả khán giả Mỹ lẫn Nhật Bản thờ ơ, lọt vào danh sách các dự án điện ảnh thất bại nghiêm trọng nhất lịch sử với khoản lỗ 151 triệu USD. Đáng chú ý, 47 Ronin cũng gặp trục trặc và phải thực hiện đợt quay lại trước khi có phiên bản cuối cùng ra rạp.

Cái tên còn lại là Ngọa hổ tàng long: Thanh minh bảo kiếm, dự án ra mắt năm 2016 do Netflix đầu tư sản xuất. Bộ phim là sự tiếp nối sau thành công lớn của Ngọa hổ tàng long cách đây 15 năm của đạo diễn Lý An. Tuy nhiên, Thanh minh bảo kiếm bị giới phê bình đánh giá là “yếu kém về cả mặt nội dung lẫn hình ảnh”.

Ngoài ra, trong phim các nhân vật đều là người Trung Quốc nhưng lại nói tiếng Anh, trong khi ở phần phim gốc, các nhân vật vẫn nói tiếng Trung. Bộ phim bị khán giả phương Tây ghẻ lạnh còn khán giả Trung Quốc thì coi đây là một sự xúc phạm.

Hoa Mộc Lan quy tụ dàn sao hạng A màn ảnh Trung Quốc. Bên cạnh Lưu Diệc Phi còn có Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt, Củng Lợi.

Hoa Mộc Lan quy tụ dàn sao hạng A màn ảnh Trung Quốc. Bên cạnh Lưu Diệc Phi còn có Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt, Củng Lợi.

“Thật khó chịu khi phải xem một nhóm diễn viên gốc Hoa nói tiếng Anh, rồi sau đó lại được lồng tiếng Quan Thoại. Sự thiếu hòa hợp đó cũng y hệt như toàn bộ tác phẩm. Bộ phim chẳng khác gì một mớ hổ lốn”, một thành viên trong Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải chia sẻ.

Bản thân bản hoạt hình của Hoa Mộc Lan năm 1998 cũng được đón nhận rất ảm đạm tại Trung Quốc. Bộ phim chỉ thu về vỏn vẹn 51.000 USD tại quốc gia này, chiếm một phần rất nhỏ trong tổng doanh thu. Lý do được cho là bởi thời điểm ra rạp không đúng lúc và "quá ngoại lai", có nhiều điểm khác biệt so với giai thoại được lưu truyền nghìn đời tại Trung Quốc.

Như vậy có thể thấy, khả năng Disney kéo dài thành công của mình trong việc thực hiện các dự án chuyển thể từ hoạt hình lên điện ảnh với Hoa Mộc Lan là rất thấp.

Minh Quân

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-bom-tan-cua-luu-diec-phi-chan-tu-dan-nguy-co-that-bai-post1003438.html