Vì sao cả loạt đồng minh không theo Mỹ không kích Houthi?
Cả loạt đồng minh châu Âu của Mỹ là Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Đức đều không tham gia cuộc không kích vào các mục tiêu của nhóm Houthi ở Yemen.
Vào tối ngày 11/01/2024, Mỹ và Anh đã thực hiện 23 cuộc không kích vào các mục tiêu ở 4 tỉnh của Yemen, bao gồm thủ đô Sanaa, Hodeidah, Taiz và Saada.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi hoạt động này là phản ứng trước mối đe dọa đối với tự do hàng hải trên Biển Đỏ và hứa sẽ tiếp tục hành động không do dự.
Ông tuyên bố rằng, 27 cuộc tấn công của Houthi đã ảnh hưởng tới các tàu thương mại từ hơn 50 quốc gia và vào ngày 9/1, phong trào này đã phát động cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào tàu chiến Mỹ, trả đũa trước đó vào cuối tháng 12, người Mỹ tấn công 3 tàu chở lực lượng quân đội Houthi, khiến 10 người thiệt mạng.
Việc Houthi tấn công tàu thương mại trên Biển Đỏ và Mỹ khởi xướng thành lập “Liên minh bảo vệ an ninh hàng hải trên Biển Đỏ” (với tên gọi là “Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng - OPG), cũng cho Washington thấy được một vấn đề đáng chú ý trong các mối quan hệ đồng minh, đối tác của mình.
Mỹ một lần nữa tập hợp liên minh để nỗ lực khẳng định vị thế bá quyền của mình và như thường lệ, Anh đã nhanh chóng hưởng ứng, nhưng các nền quân chủ Trung Đông vốn là đồng minh thân cận của Mỹ như Saudi Arabia hay UAV, vốn đang củng cố và đang trải qua thời kỳ phát triển vị thế của mình, đã đã không mấy mặn mà đối với sáng kiến của Washington.
Ngoài ra, một số đồng minh thân cận của Hoa Kỳ ở châu Âu như Đức, Tây Ban Nha đã không tham gia liên minh này, số khác thì tham gia chiếu lệ dưới dạng quan sát viên, hoặc có cử tàu đến Biển Đỏ nhưng lại từ chối đặt dưới sự chỉ huy của Mỹ trong Đơn vị chuyên trách số 153 - lực lượng quân sự của OPG.
Ngoài ra, một số đồng minh của Washington đã từ chối tham gia hoạt động của Mỹ-Anh tấn công tên lửa vào lực lượng Houthi ở Yemen.
Theo hãng tin Reuters, cả loạt đồng minh lớn ở châu Âu của Mỹ như Italia, Tây Ban Nha và Pháp, đã từ chối tham gia đòn tấn công của Mỹ và Anh nhắm vào lực lượng Houthi, đồng thời cũng không liên kết vào tuyên bố của 10 nước khác ủng hộ cuộc tấn công.
Hãng thông tấn dẫn nguồn từ các quan chức Hoa Kỳ cho biết rằng Hà Lan, Australia, Canada và Bahrain dành hỗ trợ hậu cần và tình báo cho chiến dịch này.
Ngoài ra, Đức, Đan Mạch, New Zealand và Hàn Quốc chỉ ký tuyên bố chung với các nước nói trên, ủng hộ cuộc tấn công chống Yemen, nhưng hỗ trợ và tham gia vào cuộc không kích.
Bài viết của Reuters lưu ý, Tổng thống Emmanuel Macron đã thẳng thừng tuyên bố rằng, Pháp sẽ không thực hiện tấn công phủ đầu vào các vị trí của lực lượng Houthi để tránh leo thang trong khu vực.
Ông Macron nói trong cuộc họp báo được phát trên tài khoản chính thức trên mạng xã hội X của Điện Elysee rằng, các tàu của Hải quân Pháp vẫn tiếp tục tham gia hiện diện ở Biển Đỏ để nỗ lực “bảo vệ quyền tự do hàng hải”, đây là vấn đề ngoại giao, không phải vấn đề quân sự.
Một quan chức Pháp giấu tên nói với hãng thông tấn Reuters rằng, Paris không tham gia chiến dịch vì lo ngại có thể mất đòn bẩy trong các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Hezbollah và Israel.
Ngoài ra, chính phủ Italia thông báo rằng, Rome được yêu cầu tham gia các cuộc đột kích nhưng quyết định từ chối với lý do những hành động thái như vậy cần đưa ra Quốc hội phê chuẩn và nước này cũng hướng tới chính sách “ngoại giao hòa bình” ở Biển Đỏ.
Còn về phần Madrid, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ nước này quyết định không tham gia cuộc tập kích tên lửa ở Biển Đỏ vì muốn góp phần giảm căng thẳng trong khu vực.