Cá nóc Nhật Bản (hay còn gọi là Fugu) được giới đại gia sành ăn coi là sơn hào hải vị, có mức giá cao ngất trời nhưng cũng là thực phẩm tiềm ẩn sự độc hại có thể đoạt mạng người nếu không chế biến cẩn trọng.
Lượng độc tố có trong gan, buồng trứng, trứng và thận cá nóc có thể "hạ thủ" 5 người đàn ông khỏe mạnh cùng một lúc. Chất độc Tetrodotoxin của cá nóc chỉ cần lượng 1 miligram cũng đủ khiến người ăn phải thiệt mạng trong vòng 4-6 tiếng.
Các đầu bếp được cấp phép mới được chế biến món ăn này. Họ phải biết từng loại cá nóc sẽ có chất độc trong bộ phận nào của cá để loại bỏ. Các bộ phận có độc của cá phải được đốt ngay sau khi chế biến cá.
Dù có thể đoạt mạng người nếu không được chế biến đúng cách, song thực khách cá nóc Nhật Bản vẫn được coi là cao lương mĩ vị. Khách sẵn sàng chi từ 250 -300 USD (khoảng 5,5 - 6,5 triệu đồng) cho món ăn chế biến từ loại hải sản cực độc này tại nhà hàng cao cấp.
Các đĩa cá nóc thường được đầu bếp các nhà hàng xếp rất cầu kỳ. Ngon nhất là món làm từ cá nóc hổ (tiger fugu). Chúng sống ở vùng nước gần bờ, thỉnh thoảng vào khu vực nước lợ, giá cá nóc hổ tới 40.000 Yen (tương đương khoảng 7 triệu đồng).
Các trải nghiệm "hấp hối cùng cá nóc" không hề rẻ. Cảm giác ngưa ngứa, kích thích mà thịt cá nóc để lại trên lưỡi, vốn do chất độc thần kinh có trong người loại cá này gây ra, là một phần trong sự quyến rũ mà món ăn này mang tới.
Cá nóc khi mới bắt lên thường căng tròn bụng. Đó là do chúng nuốt không khí vào bụng để tự vệ, tránh bị kẻ địch nuốt chửng hay cắn nát.
Tại Nhật, chợ cá Hae-domari của thành phố Shimono-seki được xem là kinh đô cá nóc. Việc mặc cả, đấu giá cá nóc tại chợ không diễn ra bằng lời mà ra dấu bằng tay. Người mua và người bán cùng luồn tay vào trong chiếc ống bằng vải màu đen để thỏa thuận giá cả.
Ngoài liên quan đến thói quen từ xa xưa (do trang phục thời xưa của người Nhật mặc áo ống tay rộng), cách trả giá trong ống vải màu đen là cách tránh phá giá tại phiên chợ độc đáo này.
Ngày nay, vì cá nóc có lợi nhuận cao nên ngư dân nhiều vùng biển ở Nhật đã bỏ nuôi ngọc trai để chuyển qua nuôi cá nóc.
Tuy nhiên, do chứa chất độc, nên việc mua bán cá nóc Nhật Bản được quy định rất khắt khe tại xứ sở mặt trời mọc, tại Mỹ và hoàn toàn bị cấm tại các nước châu Âu.
Hình ảnh đặc sản cá nóc cực độc "hái ra tiền" ở Nhật Bản.
Ngọc Linh (tổng hợp)