Vì sao các cầu thủ dù có bị cận cũng không đeo kính khi thi đấu?

Thay vì đeo kính, các cầu thủ hiện nay chọn cách sử dụng kính áp tròng để cải thiện thị lực khi thi đấu.

Khi theo dõi các trận bóng chuyên nghiệp vào thời điểm hiện tại, chúng ta gần như không thấy bất kỳ cầu thủ nào đeo kính trong lúc thi đấu. Thực tế, một số cầu thủ vẫn gặp vấn đề về mắt như cận thị hay loạn thị.

Vậy tại sao họ không đeo kính khi vào sân? Nếu gặp vấn đề về mắt, họ làm cách nào để cải thiện thị lực khi thi đấu? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi trên.

Nguyên nhân cầu thủ không đeo kính khi thi đấu

Luật bóng đá do FIFA ban hành không cấm việc cầu thủ đeo kính khi vào sân. Tuy nhiên, điều 4 trong luật này có quy định: "Một cầu thủ không được mang thiết bị hoặc mặc lên người bất kỳ thứ gì gây nguy hiểm".

Trước khi ra sân, các cầu thủ sẽ được kiểm tra và nếu xác định một đồ vật là "nguy hiểm", trọng tài sẽ yêu cầu tháo ra. Chiếc kính bình thường sẽ không được phép mang vào sân vì khi thi đấu có thể gây tổn thương cho cầu thủ đeo cũng như những người xung quanh.

Để được cho phép, chiếc kính phải có thiết kế đặc biệt. Hiệp hội bóng đá Anh (FA) khuyến nghị chiếc kính thi đấu nên có phần mắt được làm từ Polycacbonat, dùng dây đeo thay vì gọng kính. Polycacbonat là một loại vật liệu dẻo, chịu lực tốt và gần như không thể bị vỡ.

Chiếc kính được cầu thủ Alex Song đeo khi còn thi đấu cho West Ham

Chiếc kính được cầu thủ Alex Song đeo khi còn thi đấu cho West Ham

Tuy nhiên ngay cả khi có trong tay chiếc kính này, các VĐV cũng hiếm khi sử dụng trong lúc thi đấu. Hiệp hội nhãn khoa thể thao quốc tế (ISVA) liệt kê một số bất lợi nếu VĐV vừa đeo kính vừa chơi thể thao.

- Ảnh hường tầm nhìn. Phần mắt kính và dây đeo kính sẽ khiến tầm nhìn của VĐV bị hạn chế. Nếu thời tiết bất lợi như có mưa hay sương mù, mắt kính có thể bị mờ.

- Sự mất tập trung. Sự phản chiếu ánh sáng của mắt kính có thể khiến VĐV gặp khó trong việc xác định điểm rơi trái bóng, đôi khi gây mất tập trung.

- Độ an toàn. Bất chấp là những chiếc kính chuyên dụng, chúng vẫn có thể bị bung hoặc tuột trong lúc cầu thủ thi đấu. Điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ra chấn thương cho các VĐV.

Giải pháp cho các cầu thủ

Nếu muốn cải thiện thị lực trong lúc thi đấu, các cầu thủ có thể tiến hành phẫu thuật mắt. Bên cạnh đó, còn một cách khác được các VĐV ưa chuộng - sử dụng kính áp tròng.

"Với các VĐV, việc dùng kính áp tròng có thể giúp cải thiện màn trình diễn bởi họ sẽ nhìn rõ hơn, tầm nhìn rộng hơn so với đeo kính", bác sĩ Joe Wende - người đang làm việc tại Trung tâm EyeMed - cho hay. Theo ISVA, việc đeo kính áp tròng mang đến tầm nhìn rộng hơn 15% so với việc đeo kính. Ông Wende cũng tiết lộ loại kính áp tròng mềm là phù hợp nhất.

Ronaldo được cho cũng từng đeo kính áp tròng trong lúc thi đấu

Ronaldo được cho cũng từng đeo kính áp tròng trong lúc thi đấu

Hiện tại, nhiều cầu thủ đang sử dụng kính áp tròng khi thi đấu. Ngôi sao Cristiano Ronaldo được cho cũng từng dùng đến loại kính này trong các trận chính thức.

Tuy nhiên, đôi khi việc sử dụng kính áp tròng cũng gây ra trở ngại cho các cầu thủ. Trong trận gặp PSG tại Champions League vào năm 2020, tiền vệ Scott McTominay của MU đã bị rơi một bên kính áp tròng và được HLV Ole Gunnar Solskjaer mô tả là chỉ chơi với "một bên mắt".

Trường hợp của Edgar Davids

Davids từng chơi bóng chuyên nghiệp trong giai đoạn từ 1991-2014, đã khoác áo nhiều đội bóng lớn như AC Milan, Inter, Juventus, Barca. Ông cũng là cầu thủ nổi tiếng hiếm hoi đeo kính trong quá trình thi đấu.

Thực tế, việc đeo kính với Davids là bắt buộc. Được biết, Davids vốn mắc căn bệnh tăng nhãn áp và buộc phải phẫu thuật. Oh My Football cho biết sau phẫu thuật mắt phải của Davids bị yếu nên ông buộc phải đeo kính để bảo vệ.

Một số cầu thủ khác cũng từng đeo kính khi thi đấu là Alex Song, Joop van Daele, Armand Jurion.

Cầu thủ Edgar Davids

Cầu thủ Edgar Davids

AB

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/vi-sao-cac-cau-thu-du-co-bi-can-cung-khong-deo-kinh-khi-thi-dau-20230823163639434.htm