Vì sao các nước dư cả tỉ liều vaccine nhưng khó chia cho nước khác?

Chuyện chia sẻ vaccine giữa các nước dư và các nước thiếu không hề dễ với các vướng mắc về thủ tục và hậu cần, trong khi đó hạn sử dụng của vaccine lại ngắn.

Sự bất bình đẳng về nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 giữa các nước giàu và nước nghèo đang gây ra tình trạng “người thừa, kẻ thiếu” nghiêm trọng. Tuy nhiên, do nhiều lý do về kỹ thuật, hậu cần, thủ tục…, việc giải quyết lượng vaccine dư thừa trên là một bài toán khó.

Ghana là nước nhận lô vaccine của AstraZeneca (sản xuất tại Ấn Độ) đầu tiên được phân phối theo chương trình COVAX hôm 24-2. Ảnh: WHO

Ghana là nước nhận lô vaccine của AstraZeneca (sản xuất tại Ấn Độ) đầu tiên được phân phối theo chương trình COVAX hôm 24-2. Ảnh: WHO

Nước “tiêm liều rưỡi”, nước đỏ mắt “tiêm nửa liều”

Tình trạng dư thừa vaccine ở các nước giàu đã xảy ra trong nhiều tháng qua. Trong tháng 9, các nước giàu sẽ dư thừa 500 triệu liều vaccine và đến cuối năm nay, con số này khả năng sẽ lên tới 1,2 tỉ liều, theo Công ty phân tích và khoa học dữ liệu Airfinity (Anh). Dự báo trên dựa vào giả định rằng các nước sẽ tiêm chủng đầy đủ và tiêm nhắc lại cho toàn bộ dân số từ 12 tuổi trở lên. Có nghĩa là nếu các nước không triển khai triệt để việc tiêm mũi tăng cường, số vaccine dư thừa có thể còn cao hơn.

Trong khi đó, các nước thu nhập thấp vẫn đối mặt với tình trạng khan hiếm vaccine nghiêm trọng. Tỉ lệ bao phủ vaccine trên toàn thế giới trung bình hơn 40% nhưng chỉ khoảng 2% người dân tại các nước nghèo được tiếp cận vaccine, theo trang web Our World in Data. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều diễn đàn quốc tế khác đã nhiều lần kêu gọi các nước giàu chia sẻ vaccine cho các nước nghèo.

Một ví dụ cho thấy sự mất cân bằng về vaccine là việc mũi tăng cường (tổng cộng ba mũi hay “một liều rưỡi”) dần phổ biến ở nhiều nước phát triển, trong khi các nước nghèo hơn phải xem xét chiến lược “tiêm nửa liều” (một mũi), theo tờ Politico. Phương án “tiêm nửa liều” đã được áp dụng trong một số dịch bệnh trước đây và một số thử nghiệm cho thấy tín hiệu khả quan, song chưa có kết luận khoa học chắc chắn về hiệu quả của việc giảm liều vaccine.

Sự dư thừa cũng đặt ra cho các nước câu hỏi cần làm gì trước khi vaccine quá hạn sử dụng. Mỹ, Israel và một số nước châu Âu đã phải tiêu hủy hàng ngàn hoặc hàng triệu liều vaccine quá hạn. Điều này là do vaccine ngừa COVID-19 - vốn được nghiên cứu gấp rút và được cấp phép sử dụng khẩn cấp thường có hạn sử dụng chỉ sáu tháng, ngắn hơn các sản phẩm y tế khác, theo GS Jesse Goodman, thuộc ĐH Georgetown (Mỹ).

Theo trưởng nhóm khoa học của Hiệp hội Dược phẩm Hoàng gia Anh - GS Gino Martini, các chính phủ và hãng dược đang thảo luận để kéo dài hạn sử dụng của vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, dù điều này có xảy ra trong tương lai thì cũng không giúp ích gì cho các lô vaccine đã xuất xưởng. Việc Mỹ chấp nhận kéo dài hạn sử dụng cho vaccine của Johnson & Johnson từ ba tháng lên bốn tháng rưỡi chỉ là trường hợp hiếm hoi mà nhà sản xuất thuyết phục thành công giới chức y tế quốc gia vì thủ tục gia hạn này rất phức tạp.

Hạn sử dụng của vaccine ngừa COVID-19 ngắn hơn hầu hết loại sản phẩm y tế khác là “hệ quả tất yếu của việc công bố vaccine nhanh nhất có thể”.

GS GINO MARTINI

Dư cũng không dễ chia sẻ

Hồi tháng 6, Zimbabwe đã hoãn nhận lô vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson từ chương trình hỗ trợ của Liên đoàn châu Phi (AU). Một trong những lý do là nước này không đủ điều kiện bảo quản vaccine ở độ lạnh đạt chuẩn, theo tờ Bloomberg.

Vaccine của Johnson & Johnson cần được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C - giống như vaccine của AstraZeneca. Nhưng chỉ 28% số cơ sở y tế ở khu vực châu Phi - Hạ Sahara đảm bảo nguồn điện và cơ sở vật chất đạt chuẩn để bảo quản vaccine của Johnson & Johnson hoặc AstraZeneca, theo tờ The Africa Report. Điều kiện bảo quản này đã là ít khắt khe hơn so với một số loại vaccine khác như sản phẩm của Pfizer-BioNTech hay Moderna - những vaccine cần được giữ đông ở mức nhiệt có thể xuống tới âm 80 độ C, lạnh hơn mùa đông ở Nam Cực.

Điều kiện hậu cần không được đảm bảo, cùng với hạn sử dụng ngắn của vaccine là nguyên nhân khiến Malawi phải đốt bỏ gần 20.000 liều trong số 102.000 liều được chuyển tới nước này hôm 26-3, chỉ hơn hai tuần trước khi vaccine hết hạn. Nhiều nước khác ở châu Phi cũng không thể sử dụng hết lượng vaccine được phân bổ trước khi chúng quá hạn sử dụng. Nam Phi hay Nigeria đã nhượng lại một phần vaccine cho các nước khác nghèo hơn khi hạn sử dụng chỉ còn vài tuần và hầu hết nước nhận vaccine sau đó không thể triển khai tiêm hết trong thời gian ngắn như vậy.

Còn ở Mỹ, thủ tục pháp lý là rào cản khiến nhiều bang dư thừa vaccine nhưng không thể chia sẻ cho các nước có nhu cầu như Ấn Độ (trong làn sóng dịch cách đây vài tháng) hay hai nước láng giềng là Canada và Mexico. Ngay cả khi ĐH Arizona chủ động đề xuất dùng phòng khám lưu động của trường để chuyển vaccine cho Mexico, việc đưa vaccine qua biên giới vẫn là không dễ dàng. Các bang không có quyền quyết định về vaccine, do sản phẩm này được phân phối theo ngân quỹ liên bang, trong khi đó giới chức tại Washington đã đề cập các lý do khó khăn về “hậu cần và pháp lý” để từ chối các đề xuất viện trợ, theo trang tin y tế Stat.•

Thỏa thuận đổi vaccine sắp quá hạn
giúp cân bằng nguồn cung?

Một số nước có nhu cầu vaccine cấp bách đã liên hệ với các nước dư thừa vaccine đàm phán “mượn” vaccine. Theo đó, nước có nhu cầu sẽ nhận số vaccine có sẵn từ nước đối tác và sau một thời gian theo thỏa thuận sẽ hoàn trả bằng vaccine mới.

Hàn Quốc và Israel là hai nước đi tiên phong trong việc đổi vaccine. Đầu tháng 7, hai nước đạt thỏa thuận chuyển 700.000 liều vaccine sắp hết hạn của Pfizer-BioNTech từ Israel sang Hàn Quốc, đổi lại Seoul sẽ chuyển trả đối tác lượng vaccine mới tương ứng vào tháng 9 và tháng 10.

Cuối tháng 8, Úc cũng đạt được các thỏa thuận “mượn” tổng cộng 4,5 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech từ Anh và Singapore và sẽ trả lại khi nhận các lô vaccine mới vào cuối năm nay.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/vi-sao-cac-nuoc-du-ca-ti-lieu-vaccine-nhung-kho-chia-cho-nuoc-khac-1014343.html