Vì sao các thương nhân phân phối xăng dầu 'xin trả' giấy phép?

Từ đầu năm 2024 tới nay đã có 18 thương nhân phân phối xăng dầu xin trả giấy phép cho Bộ Công Thương.

Vì sao các thương nhân xăng dầu xin trả giấy phép?

Mới đây, Bộ Công Thương đã có quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đối với Công ty CP Thương mại nhiên liệu Cửu Long có trụ sở tại quận 1, TP HCM và Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật có trụ sở tại thành phố Ninh Bình.

Trong đơn “xin trả” giấy phép, 2 thương nhân phân phối xăng dầu này cho biết: Do thay đổi phương thức kinh doanh, khó khăn, doanh nghiệp xin dừng hoạt động, trả giấy phép cho Bộ Công Thương.

 Từ đầu năm 2024 tới nay đã có 18 thương nhân phân phối xăng dầu xin trả giấy phép cho Bộ Công Thương. (Ảnh: ST)

Từ đầu năm 2024 tới nay đã có 18 thương nhân phân phối xăng dầu xin trả giấy phép cho Bộ Công Thương. (Ảnh: ST)

Sau đơn xin của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đồng ý thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu của hai doanh nghiệp nói trên theo đúng trình tự thủ tục quy định.

Trước đó, trong 1 thông báo khác được công bố vào đầu tháng 6, Bộ Công Thương cho biết: Từ đầu năm 2024 tới thời điểm đầu tháng 6, có 16 thương nhân đề nghị trả lại giấy phép và bộ đã thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận theo đề nghị của doanh nghiệp.

Cũng vào thời điểm đó, trên thị trường còn 298 thương nhân phân phối tham gia kinh doanh xăng dầu, giảm so với thời điểm cao nhất lên tới 330 thương nhân.

Bộ Công Thương cho rằng việc tham gia và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên, nên lĩnh vực xăng dầu cũng không ngoại lệ.

Cũng theo Bộ Công Thương, các thương nhân phân phối xăng dầu không duy trì đủ điều kiện sẽ bị trả lại giấy chứng nhận. Trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh xăng dầu, có thể lựa chọn hình thức khác như làm đại lý bán lẻ xăng dầu và các cửa hàng vẫn hoạt động bình thường.

Trường hợp nếu không tiếp tục kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp có thể chuyển nhượng hoặc cho thuê cơ sở vật chất cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác để tiếp tục kinh doanh. Về cơ bản các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường.

Như vậy, với 2 báo cáo của Bộ Công Thương nêu trên, từ đầu năm tới nay đã có 18 thương nhân phân phối xăng dầu xin trả giấy phép cho Bộ Công Thương.

Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh

Trong cuộc họp với các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu vào chiều qua (23/7), lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và kế hoạch đăng ký theo từng quý. Theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối, nhất là những thương nhân thực hiện đạt thấp.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các thương nhân phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố điều tiết, đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn, trường hợp cần thiết điều chuyển tổng nguồn tối thiểu từ các thương nhân không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện cho các thương nhân đầu mối khác nhằm đảm bảo cung cầu trên thị trường.

Đồng thời, thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xăng dầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chỉ đạo.

Đối với các thương nhân đầu mối xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân thực hiện nghiêm túc các Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp; Chủ động sản xuất, nhập khẩu bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.

Các thương nhân cần thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, mua xăng dầu của các nhà máy lọc dầu, dự trữ lưu thông… trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ để kịp thời có giải pháp xử lý. Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên; Rà soát, đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định, tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-cac-thuong-nhan-phan-phoi-xang-dau-xin-tra-giay-phep-post304722.html