Cây dược liệu trên đất đồi Chí Linh

Dưới những tán rừng ở TP Chí Linh (Hải Dương) có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Tranh thủ điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, về nguồn giống quý, UBND TP Chí Linh đã định hướng phát triển vùng trồng dược liệu.

Toàn thành phố Chí Linh hiện có hơn 64 ha trồng cây dược liệu. Ảnh: Thành Chung

Toàn thành phố Chí Linh hiện có hơn 64 ha trồng cây dược liệu. Ảnh: Thành Chung

Cây trồng mới

Ông Đường Quang Chiến ở thôn Đá Bạc là một trong những hộ đi đầu ở xã Hoàng Hoa Thám trồng cây dược liệu. Đã học về y học cổ truyền, ông Chiến thấy rừng ở Chí Linh có rất nhiều loại dược liệu quý cần được bảo tồn nên năm 2014, ông cùng vợ chuyển đổi 1 ha đất rừng sản xuất để trồng cây dược liệu. Ngày đầu chưa có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc, ông Chiến tự tìm hiểu đặc tính của từng loại cây để điều chỉnh cách chăm sóc, rồi tự nhân giống ra trồng.

Sau gần 10 năm, riêng khu vườn này của ông Chiến đã có hàng nghìn gốc cây thuốc ở tầng cao. Ở tầng thấp, ông Chiến cũng tranh thủ trồng thêm các loại cây ưa bóng mát như ngũ gia bì, hoàng liên đắng… Khu ruộng của gia đình ông Chiến cũng chuyển sang trồng các loại cây thuốc như kim ngân hoa, kim tiền thảo, diệp hạ châu, xạ đen…

Ngoài tự tiêu thụ, ông Chiến cũng xuất bán thảo dược đã thành phẩm cho các đơn vị sản xuất dược trong và ngoài tỉnh. “Gia đình tôi tự lên rừng tìm cây thuốc về trồng. Bà con có nhu cầu trồng cây dược liệu này có thể đến, tôi sẵn sàng chia sẻ giống và hướng dẫn cách chăm sóc để lưu giữ được các giống dược liệu quý”, ông Chiến cho biết. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Chiến thu lãi trên 200 triệu đồng từ cây dược liệu.

Xã Hoàng Hoa Thám hiện là địa phương có diện tích trồng cây dược liệu lớn nhất TP Chí Linh với hơn 25 ha, chiếm khoảng 40% diện tích trồng dược liệu của thành phố. Toàn xã hiện có 70 hộ trồng các loại cây dược liệu, thu nhập trung bình đạt trên 200 triệu đồng/ha… “Từ hiệu quả cây dược liệu mang lại, xã Hoàng Hòa Thám khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích canh tác theo quy hoạch”, bà Trần Thị Bích Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám cho biết.

Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng, Chí Linh cũng là địa phương được nhiều đơn vị lựa chọn để triển khai các đề tài nghiên cứu trồng cây thảo dược. Ảnh: Thành Chung

Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng, Chí Linh cũng là địa phương được nhiều đơn vị lựa chọn để triển khai các đề tài nghiên cứu trồng cây thảo dược. Ảnh: Thành Chung

Chí Linh cũng là địa phương được nhiều đơn vị lựa chọn để triển khai các đề tài nghiên cứu trồng cây thảo dược. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các xã, phường của Chí Linh như Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Bến Tắm, Hoàng Tiến, Cộng Hòa… được lựa chọn là nơi thử nghiệm trồng các loại dược liệu quý. Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (Viện Dược liệu) chọn các phường Sao Đỏ, Cộng Hòa để trồng thử nghiệm cây thiên môn đông, chọn phường Đồng Lạc để trồng cây nghệ vàng, đinh lăng; 2 xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám được chọn để sản xuất cây dược liệu kim ngân hoa theo hướng GACP-WHO… Khi tham gia các dự án này, người trồng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về chất lượng cây trồng… Cũng chính các dự án này đã góp phần đưa những giống cây dược liệu mới về đất đồi Chí Linh.

Hình thành vùng dược liệu an toàn

Các hộ trồng cây dược liệu mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn đề đầu tư kho chứa hoặc hệ thống sấy dược liệu để bảo đảm chất lượng và giá thành sản phẩm. Ảnh: Thành Chung

Các hộ trồng cây dược liệu mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn đề đầu tư kho chứa hoặc hệ thống sấy dược liệu để bảo đảm chất lượng và giá thành sản phẩm. Ảnh: Thành Chung

Theo thống kê, toàn TP Chí Linh hiện có 64 ha trồng cây dược liệu với nhiều giống cây cho giá trị kinh tế cao như kim ngân hoa, diệp hạ châu, xạ đen, mắt nai… Theo đánh giá sơ bộ, hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu mang lại cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa, lạc như trước đây. Điều đặc biệt khi trồng cây dược liệu đòi hỏi việc trồng và chăm sóc phải tuân thủ nghiêm chế độ chăm bón, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, nhất là tài nguyên đất…

Phát triển cây dược liệu hiện được xem là hướng đi mới của TP Chí Linh. Các địa phương có đồng đất phù hợp cũng khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng cây dược liệu vừa cho giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, người trồng cây dược liệu đang gặp khó khăn trong bảo quản, sơ chế thành dược liệu khô nên khi đến vụ thu hoạch dễ bị hỏng, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, giá bán…

Để cây dược liệu mang lại giá trị cao, TP Chí Linh cũng đang hướng đến việc quy hoạch vùng trồng dược liệu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tận dụng hệ sinh thái rừng hình thành khu vườn thuốc dưới tán rừng tại địa phương có đủ điều kiện.

TP Chí Linh có nhiều lợi thế du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, cộng đồng… Nếu vùng cây dược liệu được gắn với phát triển du lịch trải nghiệm sẽ giúp bổ sung thêm sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

THANH HOA - THÀNH CHUNG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cay-duoc-lieu-tren-dat-doi-chi-linh-392159.html