Vì sao các tỷ phú điên cuồng kiếm tiền đến kiệt sức dù có tất cả?
Những gì người giàu làm đều dựa trên nguyên tắc 'tiền đẻ ra tiền'. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người giàu có xu hướng làm việc nhiều giờ hơn so với phần còn lại của xã hội.
Các nghiên cứu trong những năm qua đã chỉ ra rằng người giàu có xu hướng làm việc nhiều giờ hơn và dành ít thời gian hơn cho việc giao tiếp xã hội.
Tim Cook - Giám đốc điều hành của Apple, người có giá trị tài sản ước tính lên đến hàng trăm triệu USD, đã nói rằng ông thường thức dậy lúc 3h45 phút sáng để xử lý những công việc đầu tiên trong ngày trước khi gặp gỡ đối tác.
Elon Musk, người đứng sau Tesla và SpaceX (trị giá khoảng 23 tỷ USD), vẫn chưa thực sự hài lòng với những gì ông đã đạt được. Tuy vậy, gần đây ông đã thiết lập “đồng hồ sinh học” của mình một cách “dễ thở” hơn, với số giờ làm việc giảm từ 120 giờ/tuần xuống còn 80 - 90 giờ/tuần.
Lady Gaga kiếm được 1 triệu USD mỗi chương trình cho cư dân của mình tại Park MGM ở Las Vegas. Cô cũng đã phát triển sự nghiệp bằng cách đá trái sân sang lĩnh vực phim ảnh nhưng không dừng lại ở đó, mới đây Lady Gaga còn khai trương một hãng mỹ phẩm kết hợp với Amazon.
Những gì người giàu làm đều dựa trên nguyên tắc “tiền đẻ ra tiền”. Trong khi đó có 50% dân số Mỹ là những người có thu nhập thấp với tài sản giảm hơn 32% so với năm 2003.
Lương hưu không phải mục tiêu cuối cùng
Từ những năm 1990 đến nay, câu hỏi xã giao người ta thường gặp là về số tiền lương hưu của đối phương. Một số làm việc quần quật và cống hiến hết mình để đến khi nghỉ hưu đạt được số tiền họ mong muốn. Một số người khác đối mặt với việc phá sản.
Ngày nay, tiềm năng ở Thung lũng Silicon đã lớn hơn nhiều. Nó không chỉ là một mô hình đại diện cho chủ nghĩa tư bản bền vững như xưa mà đã mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền hơn trong năm 2019.
Ông Antonio García Martínez - người đã bán một công ty khởi nghiệp cho Twitter - giờ đây làm quản lý sản phẩm của Facebook và xuất bản sách. Martinez cho rằng thời nay người ta không quá quan tâm đến mức lương hưu nữa.
Người đàn ông 43 tuổi cho rằng sở dĩ người giàu ham công tiếc việc vì đó đơn giản là đam mê của họ. Họ không thể ngừng làm việc. “Người giàu rút ra ý nghĩa siêu việt từ chủ nghĩa tư bản: Tiền là mục tiêu quan trọng nhất”, ông chia sẻ.
Thoát khỏi quy luật đào thải tự nhiên
Một khi người giàu mất đi động lực tài chính để làm việc, họ sẽ bị tụt hạng xuống tầng lớp thấp hơn trong xã hội. Đó là quy luật đào thải tự nhiên. Ngày nay, tính cạnh tranh trong công việc ở bất cứ môi trường nào đều gia tăng. Ai cũng sợ mình sẽ trượt khỏi “bánh răng” và bị đào thải.
Margaret O'Mara – giáo sư Lịch sử tại Đại học Washington, cố vấn của tờ New York Times – nhận định: “Chúng tôi là một quốc gia được thành lập dựa trên sự lật đổ lẫn nhau của các triều đại và những người giàu có nhàn rỗi. Vì vậy, nhịp độ làm việc hối hả bị ăn sâu vào tiềm thức của người Mỹ”.
Maria Bartiromo từ tờ Fox Business nói: “Nếu bạn muốn giành chiến thắng, bạn cần phải lăn xả. Kẻ chiến thắng có thể thu được nhiều tiền nhất và thế là họ phải ra sức nhấn bàn đạp điên cuồng, giống như những con chuột kiệt sức trong cái lồng chung”.
Tính cạnh tranh lẫn nhau
Theo Sở Thuế vụ, số lượng người Mỹ kiếm được từ 1 triệu USD trở lên tăng 40% trong giai đoạn 2010 - 2016. Phải chăng người giàu cuối cùng cũng cảm thấy họ có thể thư giãn và tận hưởng mọi thứ khi sở hữu con số lớn trong tài khoản? Không hẳn như vậy.
Một cuộc khảo sát gần đây của Harvard với 4.000 triệu phú cho thấy những người sở hữu tài sản trị giá 8 triệu USD trở lên hiếm khi hạnh phúc như những người có tài sản 1 triệu USD.
Robert Frank – biên tập viên giàu có của CNBC và là tác giả của cuốn sách “Rich Richistan: Hành trình xuyên qua sự giàu có của người Mỹ và cuộc sống của người giàu mới” – đã rút ra rằng có một số người luôn không ngừng cố gắng để chinh phục những thành tựu mới cho dù họ sở hữu tài sản lớn như thế nào đi nữa. Ông gọi họ là những “vua phá lưới” bởi họ luôn bị thúc đẩy bởi lòng cạnh tranh nhiệt thành.
“Larry Ellison, tỷ phú đồng sáng lập của Oracle luôn ganh đua với Bill Gates và Paul Allen của Microsoft. Vì vậy, khi Paul Allen chế tạo chiếc thuyền dài 400 feet của mình, Larry Ellison đã đợi cho đến khi hoàn thành và chế tạo một chiếc thuyền 450 feet. Larry Ellison sẽ không bao giờ hạnh phúc cho đến khi anh ấy là số 1”, ông Frank nói.
“Trong số ít những người cực kỳ giàu có, địa vị xã hội phụ thuộc vào giá trị ròng. Càng giàu có, họ càng đóng góp nhiều cho các tổ chức từ thiện, cho bảo tàng hay phòng hòa nhạc.
Điều đó nghĩa là sẽ có một tòa nhà hoặc tài sản tương tự được đặt theo tên của họ, như trường hợp của anh em nhà Koch và nhà hát thành phố New York”, tiến sĩ Wolff từng viết trong một ấn phẩm của mình.
Gần 20% các cá nhân có giá trị ròng cực cao trên thế giới - với tài sản từ 30 triệu USD trở lên - chỉ sống ở 10 thành phố trên toàn cầu, 6 trong số những thành phố này nằm ở Mỹ.
“Tiền cũng là một chất gây nghiện”
Steven Berglas - một nhà tâm lý học - cho biết, vì luôn ở trong trạng thái bất ổn, lo lắng giữ lấy vị thế, những người giàu cần chinh phục nhiều hơn để cảm thấy ngang hàng với những đối thủ của mình.
“Nếu bạn là một người nghiện rượu thì bạn sẽ uống 1 ly, 2 ly, 5 ly, 6 ly để cảm nhận sự phấn khích. Tương tự, khi bạn kiếm được 1 triệu USD, bạn cần 10 triệu USD để cảm thấy như một vị vua. Tiền cũng là một chất gây nghiện”, bác sĩ Berglas nói thêm.
“Ngay cả ở đỉnh cao danh vọng, những nghệ sĩ giải trí như Mark Wahlberg và Lady Gaga dường như cũng thấy mình ở cùng một thế giới với các tỷ phú và nhà tài phiệt.
Họ đã có thể làm mọi thứ họ muốn trong giới giải trí. Vì vậy, họ quan sát tình hình xung quanh và quyết định rằng họ cần phải đặt chân đến tầng lớp cao hơn mà họ gặp trong xã hội”, ông Frank nói.
“Đối với những người có nhiều tài sản, tiền là thước đo thành công duy nhất mà họ có được”, Jordan Belfort – nguồn cảm hứng trong đời thực cho “The Wolf of Wall Street” đã nói như vậy.
Cơ hội vô hạn, cô lập cực độ
Nó không giống như Jeff Bezos, người đàn ông sở hữu 110 tỷ USD, sẽ phải bán đấu giá chiếc máy bay phản lực trị giá 65 triệu USD của mình nếu đầu tư thua lỗ vào máy bay không người lái của Amazon.
“Sự cô lập thường đi kèm với sự giàu có cực độ. Nó có thể tạo ra động lực rất lớn để người giàu tiếp tục kiếm tiền, kể cả sau khi đã tự đáp ứng những tiện nghi vật chất”, T. Byram Karasu, giáo sư Tâm thần học tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở Bronx chia sẻ.
Giáo sư Karasu còn ví von các doanh nhân và nhà tài chính của Apex là những người có năng lực và “cuồng” công việc. Họ có xu hướng sở hữu một bộ não “kỹ thuật số” giúp họ luôn tập trung, luôn ở trong chế độ giao dịch. Và càng lớn, họ càng cô đơn vì cảm thấy mình lạc lõng khỏi thế giới này.
Tiến sĩ Berglas – một thành viên lâu năm của Khoa tâm lý học, Đại học Y Harvard, nói về việc cảm thấy “bị” cô lập của những người giàu: “Khi căn nhà của bạn to gấp 3 lần căn nhà của những người hàng xóm xung quanh, bạn không thể cảm thấy bình đẳng với mọi người”.
Cơ hội vô hạn, cô lập cực độ. Những người giàu có dường như đã sở hữu mọi thứ mà họ muốn. Đến một lúc nào đó, họ sẽ không còn cảm thấy thiếu thứ gì nữa.