Vì sao cách khoảng thời gian, Covid-19 lại 'dậy sóng'?
Covid-19 đã âm thầm 'tái xuất' ở một số khu vực tại châu Á, đặc biệt là Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc và Thái Lan, với số ca nhiễm và ca nhập viện gia tăng đáng kể.

Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng đột biến ca mắc Covid-19, đang đạt đến mức đỉnh điểm của mùa hè năm ngoái. Ảnh: AA News.
Thời gian gần đây, một số quốc gia ở châu Á ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng đột biến. Dù chưa có dấu hiệu gây ra bùng phát nghiêm trọng, nhiều nước vẫn cảnh giác.
Đây không phải lần đầu Covid-19 gây ra làn sóng lây nhiễm mới sau khi dịch được kiểm soát. Thực tế, SARS-CoV-2 từng nhiều lần “tái xuất” với biến thể mới, khiến hệ thống y tế một số quốc gia phải nhanh chóng kích hoạt lại các phương án ứng phó.
Làn sóng Covid-19 gia tăng ở nhiều nước
Tại Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh nước này ghi nhận tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 đến khám và cấp cứu đã tăng hơn 16% trong vòng một tháng. Số ca bệnh đã tăng gấp đôi trong những tuần gần đây và đang đạt đến mức đỉnh điểm của mùa hè năm ngoái, theo The Nation Thailand.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), tình hình Covid-19 một lần nữa được giám sát chặt chẽ. Tỷ lệ kết quả xét nghiệm dương tính trong các mẫu hô hấp đã đạt mức cao nhất trong hơn một năm.
Trong tuần từ ngày 27/4 đến 3/5, có 31 trường hợp nghiêm trọng được báo cáo - mức cao nhất trong 12 tháng. Ngoài ra, giám sát nước thải đã phát hiện ra sự gia tăng đáng kể nồng độ virus, cho thấy sự lây truyền trong cộng đồng đang mở rộng.
Tại Singapore, Bộ Y tế tiết lộ các ca mắc Covid-19 trong một tuần tăng 28%, tương đương khoảng 14.200 ca. Số ca nhập viện do virus cũng tăng khoảng 30%, theo Straits Times.
Chính phủ Singapore khuyến cáo các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là người cao tuổi và những người có bệnh lý nền, tiêm mũi tăng cường càng sớm càng tốt để tăng cường miễn dịch.
Tại Thái Lan, Covid-19 gia tăng trở lại sau lễ hội Songkran vào tháng 4, lễ hội này có sự tụ tập đông người và được cho là đã đẩy nhanh quá trình lây lan. Thái Lan trải qua 2 đợt bùng phát đáng kể chỉ trong vài tháng từ đầu năm tới nay, với tổng cộng 71.067 ca nhiễm được báo cáo từ ngày 1/1 đến ngày 14/5.
Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu bùng phát mới, theo News18. Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình chỉ báo cáo 93 ca trên toàn quốc, không có dấu hiệu cảnh báo tái bùng phát. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cộng đồng Ấn Độ vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình, lưu ý sự gia tăng ở các nước châu Á lân cận là lời nhắc nhở việc nới lỏng biện pháp quá mức có thể làm thay đổi tình hình nhanh chóng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố, không có ca không qua khỏi. TP.HCM nhiều nhất với 34 ca mắc. Việt Nam không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần.
Để phòng ngừa, Bộ Y tế đề nghị các sở y tế, bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị, vật tư y tế để tổ chức tiếp nhận, cách ly, chẩn đoán, điều trị ca bệnh Covid-19.
Bộ cũng lưu ý người dân đến hoặc trở về từ những quốc gia có số ca mắc cao cần theo dõi sức khỏe chặt chẽ để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa đầy đủ.

Nhiều quốc gia ở châu Á đang chứng kiến sự tăng các ca mắc Covid-19 từ đầu năm đến nay. Ảnh: Bloomberg.
Biến thể Covid-19 ngày càng lây lan mạnh hơn?
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Phó Trưởng phòng Cấp cứu truyền nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, phân tích các bệnh do virus, đặc biệt là bệnh lây qua đường hô hấp, thường diễn tiến theo chu kỳ, tạo thành những “làn sóng” tăng - giảm ca bệnh theo thời gian.
Khi virus lây lan mạnh trong cộng đồng, số ca mắc sẽ tăng vọt. Sau đó, khi một phần lớn người dân đã nhiễm bệnh và hình thành miễn dịch, số ca mắc có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nếu miễn dịch cộng đồng suy yếu theo thời gian hoặc virus biến đổi, thì một “làn sóng” mới hoàn toàn có thể xuất hiện trở lại.
Dữ liệu từ Bộ Khoa học Y tế Thái Lan cho thấy sự hiện diện ngày càng tăng của biến thể Omicron XEC ở nước này.
XEC là chủng tái tổ hợp mới xuất hiện của Omicron, giống lai của hai biến thể phụ KS.1.1 (FLiRT) và KP.3.3 (FLuQE). XEC mang nhiều đột biến được đánh giá có khả năng lây lan nhanh và né tránh miễn dịch hiệu quả.
Trong khi đó, tại Singapre, cơ quan y tế nước này cho biết sự gia tăng các ca bệnh là do khả năng miễn dịch trong cộng đồng suy yếu và sự lây lan của các biến thể mới, LF.7 và NB.1.8, hậu duệ của biến thể JN.1 xuất hiện vào năm 2024.
Điều này có nghĩa là khả năng bảo vệ khỏi các lần nhiễm trùng hoặc tiêm vaccine trước đó sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, virus có thể lây lan dễ dàng hơn, đặc biệt là trong nhóm có nguy cơ cao như những người trên 65 tuổi. Các biến thể mới không nhất thiết gây bệnh nặng hơn, nhưng số ca mắc vẫn tăng do khả năng lây lan cao.
Bên cạnh đó, các yếu tố theo mùa, gia tăng tụ tập xã hội và du lịch cũng có thể góp phần làm tăng dịch bệnh.
Các cơ quan y tế tại Hồng Kông cho biết Covid-19 đã phát triển thành một căn bệnh lưu hành với "mô hình định kỳ".
Theo tiến sĩ Edwin Tsui, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông (CHP), sau khi cuộc sống trở lại bình thường, Hồng Kông đã trải qua các chu kỳ bùng phát dịch Covid-19 trong mỗi 6-9 tháng.
"Xét đến dữ liệu dịch tễ học trong nước và toàn cầu trong những năm gần đây, chúng tôi cho rằng Covid-19 đã phát triển thành một căn bệnh lưu hành theo chu kỳ. Theo phân tích của CHP, các chu kỳ bùng phát liên quan đến sự thay đổi của biến thể virus và sự suy giảm miễn dịch cộng đồng", tiến sĩ Tsui cho biết.