Vì sao cần bổ sung nhiệm vụ cho lực lượng công an xã?
Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 25/10, Quốc thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Hai nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là việc bổ sung trách nhiệm cho công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và bổ sung quy định vì lý do bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh) có thể tạm đình chỉ giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tạm đình chỉ truy tố, đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án…
Công an xã làm tốt sẽ giảm áp lực cho công an huyện hiện đang quá tải
Từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ quan điểm nhất trí với sự cần thiết bổ sung thẩm quyền của công an xã trong hoạt động điều tra, tố tụng hình sự và quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp vì lý do bất khả kháng, do thiên tai, dịch bệnh được quy định trong dự thảo.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, công an xã càng có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý ngay các vụ việc tại địa bàn cơ sở. Thực tiễn 2 năm triển khai hoạt động công an xã chính quy tham gia vào công tác điều tra hình sự đã góp phần kéo giảm tội phạm trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tình hình an toàn trật tự cơ sở.
Phát biểu thảo luận, Đại tá Nguyễn Tiến Nam (Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình) cho rằng, việc bổ sung nhiệm vụ cho công an xã trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là hết sức cần thiết, phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng công an nhân dân và đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Dẫn Luật Công an nhân dân năm 2018, Đại tá Nguyễn Tiến Nam cho biết, công an xã là một cấp trong bộ máy của công an nhân dân, có vị trí vai trò rất quan trọng trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm.
“Đây là lực lượng thường trực gần dân nhất để nắm, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ nhân dân, luôn có mặt nhanh nhất, kịp thời nhất khi có vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cũng như hậu quả của tội phạm, tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền để bảo vệ hiện trường, tài liệu, vật chứng, phối hợp truy bắt tội phạm”, Đại biểu phân tích.
Hơn nữa, hiện nay, 100% xã được bố trí công an chính quy với khoảng 45.000 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó có trên 50% có trình độ đại học, gần 22% từng công tác tại các đội điều tra công an cấp huyện, trên 71% từng làm công tác điều tra hoặc liên quan đến công tác điều tra hình sự.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam khẳng định nhân lực của công an xã rất lớn, đủ khả năng đáp ứng cho việc bổ sung nhiệm vụ về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tương đương với công an phường, thị trấn. Thực tế thời gian qua dù có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, công an xã đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở cơ sở. Vì vậy, việc bổ sung nhiệm vụ này là cần thiết, đúng đắn, hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này cho công an xã.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) bày tỏ đồng tình chủ trương giao thêm nhiệm vụ cho Công an xã nhưng đề nghị Bộ Công an giải trình, tính toán thêm về số lượng con người, khả năng chuyên môn của Công an xã và các điều kiện cần thiết khác. Vì theo Luật CAND, số lượng Công an xã chỉ khoảng 3-5 người, trong khi Công an phường có hàng trăm nhân lực mới có thể đảm nhận được nhiệm vụ này trong thời gian qua. “Chúng ta có hàng chục nghìn xã, nhưng chỉ cần vài nơi, vài người thực hiện không tốt thì dư luận sẽ quan tâm ngay và có thể gây ảnh hưởng rất lớn”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí khẳng định, công an xã tăng cường lực lượng chính quy và năng lực chuyên môn có thể đáp ứng yêu cầu. Việc bổ sung nhiệm vụ nhằm phát huy năng lực và nguồn lực ở cơ sở, công an xã làm tốt thì giảm áp lực cho công an huyện hiện đang quá tải.
“Dịch bệnh tác động đời sống xã hội phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có tình hình tội phạm. Việc tăng cường ở cơ sở bảo đảm giải quyết ngay vấn đề phát sinh, bảo đảm an ninh trật tự cả trước mắt và lâu dài”, ông Lê Minh Trí nói.
Trước băn khoăn của đại biểu về năng lực của lực lượng công an xã, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng so với trước kia đã có chuyển biến nhiều, song cần quan tâm hơn, nhất là về đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, công an huyện sẽ có biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát chặt chẽ lực lượng công an xã, bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật.
Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án
Liên quan đến việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố vì lý do thiên tai, dịch bệnh, đại biểu Nguyễn Thanh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, cho biết, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn quốc, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh phải thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly, dẫn đến việc kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc trong giai đoạn tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tiến hành các hoạt động điều tra... bị trì hoãn, kéo dài.
Đại biểu cho biết, từ tháng 6/2021 đến ngày 30/9/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hồ sơ vụ án không có cách nào giải quyết, hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, do hồ sơ do dịch bệnh điều tra viên thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ và Viện kiểm sát không thể truy tố được do thiếu tài liệu, chứng cứ.
Mặt khác, phải thực hiện các quy định của tố tụng và quy chế của ngành nên Viện kiểm sát cũng không thể trực tiếp phúc cung, hỏi cung để ban hành cáo trạng. Hồ sơ có chuyển tòa thì tòa cũng không thể xét xử, do đó không có cách giải quyết.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình diễn biến của dịch vẫn còn hết sức phức tạp, do đó, nguy cơ các vụ án, vụ việc bị đình trệ do thiên tai, dịch bệnh sẽ gia tăng nếu không có biện pháp tháo gỡ, giải quyết.
Do đó, đại biểu bày tỏ tán thành bổ sung quy định cho phép tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh trong cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử theo Khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, Khoản 1 Điều 247 và Khoản 1 Điều 281 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc bổ sung quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để có cơ chế kiểm soát đối với những người bị buộc tội do vụ án, vụ việc vẫn trong vòng tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền tố tụng vẫn tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Việc bổ sung quy định này cũng góp phần thực hiện hiệu quả yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng nhìn nhận thực tế tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội như vừa qua, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.
Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra.
Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong nhân dân. Trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-sao-can-bo-sung-nhiem-vu-cho-luc-luong-cong-an-xa-438941.html