Vì sao cần điều tra nguyên nhân tai biến sau tiêm vaccine AstraZeneca?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh không ngạc nhiên khi Bộ Y tế yêu cầu điều tra nguyên nhân gây tai biến sau khi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia quy định phải điều tra nguyên nhân gây phản ứng phụ không mong muốn khi tiêm vaccine.
Các đơn vị báo cáo về sở y tế, sau đó gửi lên cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế để phân tích. "Đây là điều bình thường được quy định trong hoạt động tiêm chủng", ông nhấn mạnh.
Nhận định của chuyên gia này được đưa ra sau khi Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) gửi công điện khẩn yêu cầu Hải Phòng, TP.HCM, Gia Lai điều tra nguyên nhân gây tai biến liên quan việc tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Đây là những địa phương ghi nhận người có biểu hiện phản vệ sau khi tiêm vaccine.
Chia sẻ với Zing, lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng cho biết cơ quan này không khẳng định có ghi nhận các trường hợp gặp tai biến nặng như một số đơn vị thông tin mà chỉ yêu cầu địa phương điều tra, xác minh nguyên nhân (nếu có) và báo cáo vụ việc.
Nguyên tắc chung trong tiêm chủng
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ: "Tôi không ngạc nhiên khi thấy văn bản yêu cầu điều tra nguyên nhân gây phản ứng phụ sau tiêm vaccine Covid-19 của Bộ Y tế. Đây là nguyên tắc chung trong Tiêm chủng mở rộng từ trước đến nay chứ không phải vaccine Covid-19 mới làm".
Cụ thể, Thông tư số 34 của Bộ Y tế, điều 16 quy định việc đánh giá nguyên nhân thực hiện đối với các trường hợp gồm: Tai biến nặng sau tiêm chủng; Tỷ lệ phản ứng thông thường thực tế vượt quá tỷ lệ thống kê thường gặp; Một trường hợp hay một cụm phản ứng có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng.
Sở y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm thành lập, tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân gây tai biến nặng sau tiêm chủng trên địa bàn và thông báo nguyên nhân.
Sức khỏe người được tiêm vaccine ổn định
Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận định vaccine là phương pháp hy vọng về cuộc sống bình thường của toàn thế giới. Do vaccine Covid-19 mới, thời gian nghiên cứu và sản xuất ngắn, cần có thời gian nghiên cứu và theo dõi sát.
"Loại vaccine gần đây nhất được phê duyệt đưa vào tiêm chủng cũng có thời gian nghiên cứu và sản xuất, chứng minh hiệu quả và an toàn trong vòng 5 năm (vaccine ngừa quai bị). Chính vì vậy, với vaccine ngừa Covid-19, chúng ta có những bước đi thận trọng là điều dễ hiểu", vị chuyên gia cho biết.
Theo chuyên gia này, bất cứ vaccine nào cũng có phản ứng phụ vì đó là dạng thuốc đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, việc xác định độ an toàn của vaccine phải căn cứ vào tỷ lệ người có phản ứng phụ so với tổng số trường hợp được tiêm.
Để xem xét việc dừng tiêm một loại vaccine, trước hết, Hội đồng chuyên môn phải đánh giá mức độ gây phản ứng phụ. Với vaccine nói chung, trường hợp ghi nhận người tiêm có phản ứng sốc phản vệ độ II trở lên là nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chưa có loại vaccine nào tại Việt Nam phải ngừng tiêm vì ghi nhận phản ứng phụ nguy hiểm. Chúng ta chỉ dừng một số điểm tiêm chủng để theo dõi.
Trong từng trường hợp cụ thể, sau khi xem xét, đánh giá dựa trên kết luận nguyên nhân gây tai biến, Hội đồng chuyên môn sẽ quyết định tỷ lệ người gặp phản ứng phụ bao nhiêu để đưa ra quyết định dừng tiêm vaccine.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, một số người được tiêm vaccine Covid-19 tại Việt Nam có phản ứng phản vệ, chưa ghi nhận trường hợp có phản ứng nặng. Hiện tại, sức khỏe của tất cả người được tiêm ổn định.
Báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 hôm 12/3, Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội), cho biết trong số gần 1.600 người được tiêm, 410 trường hợp gặp phản ứng thông thường (chiếm 26%).
11 trường hợp có phản ứng sau tiêm ở mức độ II-III như nổi mày đay, ngứa, phù mạch tại chỗ tiêm, khó thở (có tiền sử hen phế quản) (chiếm 0,7%), trong đó, tại điểm tiêm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM (6 người), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Phòng (4 người), Bệnh viện dã chiến Gia Lai (1 người)…
Sáng nay, Bộ Y tế báo cáo thêm một trường hợp có biểu hiện phản ứng phản vệ độ II ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 (Hải Phòng). Như vậy, sau 5 ngày triển khai tiêm vaccine, Việt Nam ghi nhận 7 trường hợp có phản ứng phản vệ, đều ổn định sức khỏe trong vòng một ngày.
Về thông tin xảy ra một số phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca ở một số nước châu Âu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết lãnh đạo Bộ Y tế đã nghe báo cáo và phân tích của đơn vị triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, các chuyên gia, nhà khoa học.
Các nhà khoa học chưa tìm ra sự liên quan giữa những sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca, một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu.
Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, khẳng định hiện Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Vì vậy, chương trình tiêm chủng của Việt Nam vẫn diễn ra theo kế hoạch.
Trước đó, ngày 15/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vaccine của AstraZeneca vào danh sách sử dụng khẩn cấp để chống đại dịch Covid-19. Vaccine này được đánh giá cao vì giá thành rẻ và điều kiện phân phối dễ dàng hơn các loại khác trên thị trường.
Theo Bộ Y tế, đây là vaccine mới, phản ứng phổ biến là đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau và nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh... Trường hợp phản ứng nghiêm trọng (có thể xảy ra) theo khuyến cáo là sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn.
Đến cuối giờ chiều 12/3, Việt Nam có tổng cộng 5.248 người được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Họ là cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.
Vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca hiện được phê duyệt tiêm chủng tại 25 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi triển khai những mũi tiêm đầu tiên, một số quốc gia châu Âu như Đan Mạch, Na Uy và Iceland đã hủy bỏ kế hoạch tiêm chủng vaccine AstraZeneca. Họ nghi ngờ vaccine này gây ra phản ứng phụ đông máu.