Vì sao cần dùng thuốc giãn phế quản trong điều trị viêm phế quản?
Viêm phế quản là một bệnh đường hô hấp rất dễ gặp lúc giao mùa, hoặc thay đổi thời tiết đột ngột. Việc dùng đúng thuốc, đặc biệt là thuốc giãn phế quản, sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm…
1. Vì sao cần dùng thuốc giãn phế quản trị viêm phế quản?
Viêm phế quản mạn tính là viêm tăng tiết nhầy mạn tính của niêm mạc phế quản, gây ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát từng đợt từ 3 tháng trở lên trong một năm và ít nhất là hai năm liền, trừ các bệnh gây ho khạc mạn tính khác là giãn phế quản, lao phổi...
Tổn thương trong viêm phế quản mạn tính chủ yếu khu trú ở niêm mạc đường thở. Bệnh thường khởi phát do các đợt nhiễm trùng đường hô hấp, gây viêm, phù nề, tăng tiết và thắt hẹp đường thở. Khi không được điều trị phù hợp, hoặc các đợt nhiễm trùng đường hô hấp tái đi, tái lại nhiều lần, khi đó bệnh phát triển thành viêm phế quản mạn tính.
Thở khò khè là khi thở nghe có tiếng rít mạnh từ phổi. Đây là triệu chứng viêm phế quản mạn tính thường gặp nhất hiện nay. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do hẹp đường thở trong phổi, khiến quá trình trao đổi không khí giữa phổi ra bên ngoài khó khăn hơn.
Người bệnh bị viêm phế quản mạn tính rất dễ gặp triệu chứng này. Do đó, thuốc điều trị giãn phế quản có tác dụng làm giãn cơ trơn bọc các phế quản, tăng khẩu kính đường thở, nhờ đó không khí di chuyển qua đường thở để đến các phế nang dễ dàng hơn. Hay nói cách khác thuốc giãn phế quản là một loại thuốc hiệu quả giúp người bệnh hô hấp dễ dàng hơn và tăng cường chất lượng cuộc sống.
2. Các thuốc giãn phế quản thường dùng
Hiện nay, có 3 nhóm thuốc được dùng gồm:
Nhóm đồng vận beta-2 (tác dụng ngắn và tác dụng dài).
Nhóm kháng cholinergic (tác dụng ngắn).
Nhóm Methylxanthines (tác dụng dài).
2.1.Các thuốc nhóm đồng vận beta-2
- Nhóm đồng vận beta-2 tác dụng ngắn (fenoterol, salbutamol, terbutaline): Các thuốc nhóm này giúp làm giảm triệu chứng bệnh nhanh chóng, nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Thuốc thường phát huy khoảng 20 phút sau khi uống, kéo dài trong khoảng 4-6 giờ. Thuốc dạng hít có hiệu quả cao đối với những trường hợp triệu chứng bệnh đến nhanh và nặng.
- Nhóm đồng vận beta-2 tác dụng dài (salmeterol, bambuterol, formoterol): Các thuốc nhóm này mất hơn 1 giờ đồng hồ mới phát huy tác dụng, nhưng hiệu quả kéo dài lên đến hơn 12 giờ. Do đó, thuốc có thể được sử dụng hằng ngày với mục đích ngăn chặn các cơn co thắt phế quản. Không khuyến cáo sử dụng thuốc này cho trường hợp khẩn cấp. Cần thận trọng dùng cho các trường hợp như mắc các bệnh cường giáp; tuyến giáp phải hoạt động quá mức; các vấn đề về tim mạch như tăng huyết áp, loạn nhịp tim, các bệnh lý ở tim, mạch máu và bệnh đái tháo đường.
2.2. Thuốc kháng cholinergic
Các thuốc kháng cholinergic có tác dụng ngăn ngừa hoạt động của acetylcholine (là hóa chất có ở hệ thần kinh ngoại biên và hệ thần kinh trung ương gây co thắt phế quản), làm giãn đường thở.
Thông thường, nhóm kháng cholinergic được sử dụng ở dạng hít (thuốc hít giãn phế quản), tuy nhiên một số trường hợp khẩn cấp sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng dạng phun khí dung.
Cần thận trọng khi dùng nhóm thuốc kháng cholinergic ở những bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, tăng sản tuyến tiền liệt lành tính và các bệnh tắc nghẽn dòng chảy bàng quang như sỏi bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt.
2.3. Nhóm methylxanthines (theophylline và aminophylline)
Cơ chế tác dụng của nhóm này hiện nay vẫn chưa được biết chính xác, nhưng có giả thiết cho rằng chúng tác dụng bằng cách ức chế một chất trong cơ thể có tên là phosphodiesterase, từ đó làm giãn cơ ở đường dẫn khí, giúp quá trình hô hấp dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý khi phosphodiesterase bị ức chế thì có thể dẫn đến một số tác dụng khác như hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đau đầu và buồn nôn.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc giãn phế quản
Để sử dụng thuốc giãn phế quản an toàn, hiệu quả, cần thực hiện:
- Tuân thủ đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng khi chưa được chỉ định.
- Sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất vì cùng một loại thuốc dạng xịt, hít, khí dung nhưng mỗi nhà sản xuất khác nhau có thể sẽ có hướng dẫn sử dụng khác nhau.
- Dừng và báo ngay cho bác sĩ khi có những dấu hiệu lạ sau dùng thuốc.
- Các bệnh nhân mắc bệnh lý như cường giáp, tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… cần tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng các loại thuốc điều trị giãn phế quản vì có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng, gây nguy hiểm cho chính mình.