Vì sao cần phải tiêm các mũi 3, mũi 4 vaccine phòng Covid-19?

Hiệu quả miễn dịch sau tiêm vaccine phòng Covid-19 giảm đi sau 1 thời gian, nên cần tiêm mũi 3, mũi 4 nhằm kích thích lại hệ thống miễn dịch...

Covid-19 vẫn chưa thể coi là bệnh lưu hành, vì sao?

Chiều 27/6, trao đổi với báo chí, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.

Hiện nay nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là hoàn toàn có thể.

Tại Việt Nam đã phát hiện ca nhiễm biến thể phụ của dòng Omicron BA.5 có tính lây lan mạnh hơn so với các biến thể phụ trước đó BA.1, BA.2.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 (ảnh minh họa)

Tiêm vaccine phòng Covid-19 (ảnh minh họa)

Ông Lân cho biết: “Bình thường đại dịch đi theo xu hướng tăng dần miễn dịch nếu có của vaccine và miễn dịch từ người mắc phải, sẽ giảm dần xu thế của dịch và cuối cùng hoặc là biến mất hoặc thành bệnh lưu hành. Nhưng SAR-CoV-2 biến hóa khôn lường.

Qua 5 đợt dịch tại Việt Nam, thậm chí trong Omicron có 5 biến thể phụ, cho thấy biến đổi đấy gần như cơ bản không lường được. Từ tháng 9/2021 khi có Delta lây lan nhanh người ta nghĩ đến kịch bản lưu hành, tháng 11 xuất hiện Omicron lây lan hơn hẳn, và hiện nay là sự xuất hiện của BA.5 thậm chí còn lây lan nhanh hơn các biến chủng trước đó là BA.1, BA.2”.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về tiêm vaccine phòng Covid-19, đối tượng cần tiêm mũi 4 gồm: những người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng;

Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

Loại vaccine dùng cho mũi 4 là vaccine mRNA (vaccine Pfizer hoặc Moderna); vaccine AstraZeneca; vaccine cùng loại với mũi (mũi nhắc lần 1);

Khoảng cách tiêm ít nhất là 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1).

Bộ Y tế lưu ý, với người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3, sẽ tiêm sau khi mắc Covid-19 là 3 tháng và đảm bảo khoảng cách ít nhất 4 tháng sau mũi 3.

Với mũi 3 tiêm nhắc lại, được khuyến cáo cho nhóm người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (đủ 1 hoặc 2 hoặc 3 tùy theo loại vaccine và mũi bổ sung nếu có).

Khoảng cách tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

Người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định.

“Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khả năng gia tăng trở lại. Sau mỗi 3 tháng WHO sẽ có đánh giá dịch 1 lần, và gần đây nhất vào tháng 4, dịch Covid -19 vẫn được WHO đánh giá đang tình trạng khẩn cấp. Và Omicron hiện dù là biến thể chủ yếu nhưng chưa phải là cuối cùng. Đồng thời, khuyến cáo các quốc gia cần duy trì, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm nguy cơ cao và tiêm phòng vaccine”, ông Lân nói.

Cùng quan điểm, PGS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 dù tại Việt Nam đã được kiểm soát được dịch bệnh với nới lỏng các hoạt động kinh tế, xã hội… tuy nhiên, vẫn chưa thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành.

Cần tiêm bổ sung, nhắc lại vaccine nhằm kích thích lại hệ thống miễn dịch

Theo ông Trần Đắc Phu, tình hình dịch hiện nay có những thay đổi, số mắc nặng, nhập viện và tử vong không cao như trước. Hiện chúng ta không nên quá lo lắng, nhưng trong thời gian tới có thể tăng và hiện cũng đã tăng nhẹ…

Thực tế đang cảnh báo biến chủng BA.4, BA.5 lây nhanh, mạnh hơn nhưng độc lực không quá cao. Vaccine phòng Covid-19 hiện nay vẫn còn hiệu lực với biến chủng Omicron. Chúng ta so sánh 2 đợt dịch, năm trước tại TP.HCM số tử vong tăng cao do số mắc lớn gây quá tải bệnh viện, nhưng đợt dịch sau tại phía Bắc, dù ca mặt tăng nhưng giảm mạnh tử vong, trở nặng nhập viện. Điều này cho thấy dù vaccine phòng Covid-19 hiệu quả không thật cao như vaccine Sởi (chỉ tiêm 1 mũi duy nhất) nhưng có bảo vệ giảm mắc nặng, nhập viện và tử vong… Chính vì vậy, người dân cần tiêm vaccin vì tính cảm nhiễm mắc Covid-19 rất cao. Việc tiêm vaccine là cần thiết, nhất là với người gia, bệnh nền, từng hoãn chỉ định, người cần tiêm mũi bổ sung, nhắc lại (mũi 3, mũi 4)… theo quy định của bộ Y tế.

Ông Phu cũng nhấn mạnh, hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng Covid-19 chỉ đạt 60-80%, miễn dịch không bền vững, giảm đi sau 1 thời gian, nên sau tiêm liều cơ bản, cần tiêm bổ sung, nhắc lại nhằm kích thích lại hệ thống miễn dịch, đảm bảo đủ khả năng bảo vệ cơ thể…

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến chiều ngày 27/6, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 229.854.734 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 204.556.392 liều: Mũi 1 là 71.498.305 liều; Mũi 2 là 68.859.116 liều; Mũi 3 là 1.509.344 liều; Mũi bổ sung là 14.975.472 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 44.400.839 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 3.313.316 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.936.986 liều: Mũi 1 là 8.973.738 liều; Mũi 2 là 8.617.259 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 345.989 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 7.361.356 liều: Mũi 1 là 5.637.039 liều; Mũi 2 là 1.724.317 liều.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-can-phai-tiem-cac-mui-3-mui-4-vaccine-phong-covid-19-d557195.html