Vì sao càng đấu thầu, giá vàng càng tăng chóng mặt?

Với mục tiêu hạ nhiệt thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp tổ chức đấu thầu để tăng nguồn cung. Tuy nhiên, ngược với mục đích này, càng đấu thầu vàng thì giá vàng càng tăng mạnh.

Trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục tăng phi mã, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã nhấn mạnh cần có giải pháp khắc phục hiệu quả cả về ngắn hạn và dài hạn, bảo đảm quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, liên thông với các thị trường liên quan, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường, kinh doanh vàng trái quy định của pháp luật để trục lợi.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đấu thầu vàng với kỳ vọng tăng cung ra thị trường, qua đó giảm chênh lệch giá vàng miếng với thế giới được mong chờ và kỳ vọng nhất trong thời gian qua.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng liên tục neo ở mức giá cao, thậm chí không ngừng phá đỉnh khi Ngân hàng Nhà nước đã 5 lần tổ chức đấu thầu vàng miếng nhưng có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu dự thầu. Lần đầu tổ chức thành công là hôm 23.4, song chỉ bán được 20% số lượng vàng chào thầu cho 2 đơn vị là ACB và SJC, phiên đấu thầu bị ế 13.400 lượng vàng.

Sau 4 lần thông báo gọi thầu, lần 5, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm khối lượng đặt thầu tối thiểu còn một nửa so với các phiên đấu thầu tổ chức trước đó (7 lô). Tuy nhiên, mức giá tham chiếu lần này lại lên tới 85,3 triệu đồng/lượng.

Các phiên gọi thầu liên tục ế, giá sàn chào thầu bị chê cao. Ngân hàng Nhà nước chỉ bán được số ít vàng so với lượng chào thầu. Sau mỗi phiên đấu thầu thất bại, giá ngay trong phiên đều quay đầu đi lên bất chấp diễn biến thế giới. Thay vì giúp hạ nhiệt, các phiên đấu thầu theo giá như hiện nay lại khiến thực tế đi ngược lại với lý thuyết. Đỉnh điểm ngày 10.5, giá vàng miếng SJC tăng vọt lên tới hơn 3 triệu đồng/lượng, đưa giá vàng niêm yết ở mức 92,4 triệu đồng/lượng dù thế giới đi ngang và lại nới rộng chênh lệch với giá thế giới gần 20 triệu đồng một lượng.

Hiện giá vàng miếng SJC đang được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 88,8 triệu đồng/lượng mua vào và 91,3 triệu đồng/lượng bán ra. So với đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng thiết lập ngày trước đó giá vàng SJC đã giảm 1,1 triệu đồng/lượng.

Bình luận về nghịch lý càng đấu thầu, giá vàng miếng SJC càng tăng cao với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng mức giá khởi điểm đưa ra để đấu thầu chưa hấp dẫn, còn quá cao. Trong khi các tổ chức tham gia đấu thầu còn nghe ngóng nhu cầu thị trường thế nào, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng tăng nhanh và mạnh thì đương nhiên các tổ chức sẽ có những câu chuyện về giao dịch.

TS Lực cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần cải thiện quy trình cũng và giải quyết vấn đề về giá trong đấu thầu, tức là bắt buộc phải giảm giá tham chiếu xuống tiệm cận với thế giới.

Theo vị chuyên gia này, đấu thầu vàng hiện nay có nhiều điểm khác với bối cảnh năm 2013. Lúc đó, tình hình vàng hóa nền kinh tế diễn ra khá cao do Ngân hàng Nhà nước cho phép vay mượn bằng vàng, tức là các ngân hàng có thể huy động, thanh toán và cho vay bằng vàng.

Sau đó, Nghị định 24 ra đời đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh chống vàng hóa. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một vấn đề chưa giải quyết được là quan hệ cung cầu chưa cân bằng. Chính vì vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần phải sớm lấy lại cân bằng giữa quan hệ cung cầu về vàng và thu hẹp chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.

Theo TS Lực, cơ quan quản lý vẫn phải cho phép nhập khẩu vàng để cân bằng được quan hệ cung cầu trong nước, nguồn cung vàng trong nước không còn nhiều. Lượng nhập khẩu bao nhiêu là phù hợp sẽ phải tùy thuộc vào tình hình kiểm soát cung cầu, vừa đảm bảo dự trữ ngoại hối của Việt Nam, qua đó góp vào ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô.

"Nghị định 24 cần được nhanh chóng sửa đổi theo hướng bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, trả vàng về cho thị trường vận hành. Bên cạnh đó, cần phải tăng khâu kết hợp giữa Ngân hàng Nhà nước với các bộ ngành khác để kiểm tra, giám sát thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn nữa, cần phải tăng cường hợp tác quốc tế để chống câu chuyện của buôn vàng, từ đó giúp thị trường vàng liên thông tốt hơn nữa thời gian tới", ông Lực cho hay.

Trước đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã có đề xuất, trước khi ban hành nghị định mới thay Nghị định 24, đề nghị Thủ tướng, Phó thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét cho cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp.

Theo kiến nghị của hiệp hội, trước mắt cho phép 3 doanh nghiệp (PNJ, SJC, DOJI) được nhập 1,5 tấn vàng/năm (mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm). Các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc tất cả 1,5 tấn vàng mà sẽ chia làm nhiều lần nhập, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-sao-cang-dau-thau-gia-vang-cang-tang-chong-mat-217136.html