Vì sao cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây có nguy cơ chậm tiến độ?
Sau hơn 5 tháng khởi công, hai dư án thành phần cao tốc Bắc – Nam là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây đang đứng trước nguy cơ bị chậm tiến độ do vướng mắc về vấn đề vật liệu.
Còn thiếu hàng triệu mét khối đất đắp
Theo báo cáo của địa phương, tính đến thời điểm hiện tại, công tác GPMB cho dự án chỉ còn vướng khoảng 900m. Trong đó, huyện Xuân Lộc còn vướng 2 hộ, huyện Cẩm Mỹ còn khoảng 500m của các hộ dân và huyện đang tiếp tục vận động để sớm bàn giao mặt bằng. Công tác di dời hệ thống điện, nước, viễn thông, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 3/2021.
Trong khi công tác GPMB đang tiến triển khá tốt thì dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây lại đang mắc phải một vấn đề khá nan giải, đó là thiếu vật liệu thi công.
Tổng nhu cầu đất đắp nền của dự án Phan Thiết – Dầu Giây là 1,75 triệu m3. Tuy nhiên, các mỏ đất tại Đồng Nai hiện không đủ năng lực để đáp ứng đủ nhu cầu này. UBND tỉnh Đồng Nai đã Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu gấp cho UBND tỉnh về việc tăng công suất, trữ lượng để xử lý kịp thời ngay trong tháng 3, đảm bảo đủ khối lượng cần cho dự án.
Trong khi đó, đối với cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, tổng nhu cầu đất đắp nền của dự án này là 9 triệu m3. Thế nhưng, cũng giống như tỉnh Đồng Nai, các mỏ đất hiện tại của tỉnh Bình Thuận cũng khó lòng đáp ứng được nhu cầu đất nền này.
Đại diện chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý Dự án (QLDA) 7, thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, hiện dự án mới được đáp ứng khoảng 3,5 triệu m3 vật liệu đắp nền (đây là khối lượng vật liệu đắp nền đủ điều kiện cung cấp).
Điều đó có nghĩa là dự án vẫn còn thiếu hơn 5,5 triệu m3. Kể cả trong trường hợp tính luôn rữ lượng của 6 mỏ đang làm thủ tục cấp phép (khoảng 4,1 triệu m3), thì cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn còn thiếu 1,4 triệu m3 đất đắp nền.
Được biết, mục tiêu về tiến độ của dự án đề ra là hoàn thiện nền đường vào tháng 10/2021 nhưng các nhà thầu cho rằng, với thực trạng vật tư khan hiếm vật liệu như hiện nay, không thể đáp ứng khi dự án triển khai đồng loạt.
Để giải quyết vấn đề trên, các nhà thầu đã đề nghị tận dụng đá đổ thải để nghiền, xay làm vật liệu đắp nền. Trong khi đó, phía Ban QLDA 7 cũng đưa ra đề xuất sử dụng nguồn vật liệu đất đắp cho dự án từ tận thu đất, đá dôi dư trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp.
Về phía địa phương, Ban QLDA 7 đề nghị tỉnh Bình Thuận xem xét thông qua việc bổ sung các mỏ đất vào quy hoạch vật liệu xây dựng sử dụng cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn phải chở UBND tỉnh Bình Thuận trình để HĐND tỉnh này thông qua trước.
Địa phương cần hỗ trợ để tháo gỡ vướng mắc
Trong các ngày 3, 4 và 5/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã đi kiểm tra công trường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây, đồng thời đã làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai.
Ghi nhận công tác GPMB tại 2 dự án đang được đảm bảo tiến độ nhưng Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định vấn đề vật liệu phục vụ hai dự án cần có sự quan tâm hơn nữa.
Ông Nguyễn Ngọc Đông đề nghị hai tỉnh và các nhà thầu chủ động lên phương án sử dụng các mỏ cung ứng vật liệu phục vụ thi công cao tốc. cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành sớm hoàn thiện các thủ tục để đẩy nhanh thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu; đề nghị tỉnh hỗ trợ sớm hoàn thiện thủ tục nâng công suất khai thác tại các mỏ đang khai thác để đáp ứng nguồn cung ứng phục vụ thi công.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GTVT thống nhất lập tổ công tác giúp việc liên ngành, thành phần gồm các ban quản lý dự án thuộc Bộ và các sở ngành, địa phương của tỉnh để kịp thời tháo gỡ các khó khăn. “Nếu nguồn cung vật liệu được tháo gỡ, công trường dự án cao tốc sẽ rất sôi động" – ông Đông nói.
Đại diện Liên danh Nhà thầu Vinaconex - Trung Chính tại dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây nhận định, sắp tới khu vực công trường dự án sẽ bước vào mùa khô, đây chính là giai đoạn vàng để thi công. Do vậy, vấn đề khan hiếm vật liệu cầm sớm được giải quyết để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Một trong những nguyên nhân khiến nguồn cung cấp vật liệu đang thiếu là công tác cấp phép tại một số mỏ đất đang chậm. Đơn cử như tại gói thầu số 4 của cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây hiện có tới 4 mỏ đất đắp chưa được cấp phép.
Để sớm tháo gỡ vướng mắc này, nhà thầu đã chủ động làm việc với địa phương tìm kiếm các mỏ đất, làm việc và đã được các hộ dân, doanh nghiệp đồng ý cho phép khai thác để tận đụng đất phục vụ thi công gói thầu.
Tuy nhiên, các nhà thầu kiến nghị phía địa phương, đặc biệt là UBND tỉnh tạo điều kiện hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác theo hình thức tận dụng cải tạo đất nông nghiệp để thi công trong thời gian nhất định. Sau khi khai thác sẽ hoàn trả các lô đất cho chủ sở hữu.