Vì sao cấp phúc thẩm 2 lần hủy bản án sơ thẩm?
Một vụ án 'Vô ý gây chết người' liên quan đến tai nạn giao thông qua nhiều phiên xét xử vẫn chưa có hồi kết. Bị cáo trong vụ án này thừa nhận tội nhưng vẫn kháng cáo nhiều lần về một phần của bản án, liên quan đến bỏ lọt tội phạm và trách nhiệm bồi thường. Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa phúc thẩm (lần 2), tiếp tục tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (lần 2) để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Sự bất cẩn dẫn đến tai nạn chết người
Vụ án xảy ra vào lúc 16 giờ ngày 30/7/2022. Trước đó, bị cáo Lê Phước Trị được các hộ dân tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, thuê đào các hố trồng tràm bằng máy đào bánh xích. Sau khi xong việc, Trị thuê xe tải cẩu chở máy đào bánh xích về. Người điều khiển ô tô biển kiểm sát (BKS) 29C578.xx là Phan Phước Tuyến. Anh Tuyến đã đỗ xe ngược chiều, sát lề đường tại Km1078 đường Hồ Chí Minh (địa phận xã Cam Tuyền), theo hướng Cam Lộ - Gio Linh để Trị điều khiển máy đào bánh xích từ đuôi xe lên thùng xe tải.
Thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Tám (sinh năm 1975), trú tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, điều khiển xe ô tô BKS 73L-36xx chở ông Nguyễn Văn Q. (sinh năm 1964) và cháu Nguyễn Văn Hải (sinh năm 2006), cùng trú tại xã Tân Thủy di chuyển theo hướng Cam Lộ - Quảng Bình.
Khi phát hiện ô tô tải cẩu đang dừng phía trước, ông Tám dừng xe lại khoảng 10 m, trong thời gian 2-3 phút để chờ Trị di chuyển xe máy bánh đào lên thùng xe tải. Lúc này, phần đối trọng của máy đào bánh xích nằm sát cabin xe tải, còn phần gàu múc nằm phía trên đuôi xe tải nhằm giữ thăng bằng cho xe máy đào.
Trị quan sát, thấy phần bánh xích bị nhô ra khỏi mép phải thùng xe tải khoảng 10 - 15 cm nên định co gàu múc để quay sang chỉnh lại cho xe máy đào vào đúng vị trí. Về phía ông Tám, khi thấy xe máy đào bánh xích đã di chuyển lên xe tải một cách gọn gàng, ông điều khiển ô tô chạy ra phía tâm đường để vượt qua ô tô tải. Nhưng đúng lúc này, Trị co gàu lên làm máy đào bánh xích mất thăng bằng nên phần đối trọng của máy đào bánh xích bị trượt nghiêng về bên phải, rơi xuống ngay trước đầu xe ô tô của ông Tám. Bất ngờ trước tình huống đó, ông Tám không kịp xử lý, dẫn đến phần bên phải đầu ô tô do ông điều khiển va chạm với phần phía sau bên trái máy đào bánh xích. Hậu quả của vụ tai nạn khiến ông Q. bị kẹt ở cabin, đa chấn thương và đến ngày 1/8/2022 thì tử vong.
Hai cấp xét xử có quan điểm khác nhau
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm (lần 1), bị cáo Trị không đồng ý với quyết định truy tố của VKSND huyện Cam Lộ vì cho rằng trong vụ án này có lỗi của ông Tám vì đã chạy quá nhanh; không chạy qua làn đường bên trái mà chạy sát xe tải dẫn đến va chạm. Tuy nhiên, hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội, cho rằng lỗi ở đây hoàn toàn thuộc về bị cáo nên tuyên 12 tháng tù giam.
Quá trình xét xử vụ án được tóm tắt như sau: Ngày 27/12/2022, TAND huyện Cam Lộ mở phiên tòa sơ thẩm (lần 1) xét xử bị cáo Lê Phước Trị (sinh năm 1983), trú tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, về tội: “Vô ý làm chết người”. Do có kháng cáo, ngày 8/5/2023, TAND tỉnh đã xét xử phúc thẩm (lần 1), chấp nhận 1 phần nội dung kháng cáo của bị cáo, tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ để điều tra, xét xử lại. Ngày 28/9/2023, TAND huyện Cam Lộ mở phiên xét xử sơ thẩm (lần 2). Bị cáo tiếp tục kháng cáo nên vào ngày 19/12/2023, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm (lần 2).
Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Trị kháng cáo lên TAND tỉnh xin được giảm nhẹ hình phạt vì là lao động chính, hoàn cảnh gia đình khó khăn; đồng thời đề nghị xem xét hành vi đối với ông Tám trong vụ án cũng như nội dung liên quan đến bồi thường trách nhiệm dân sự.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Quảng Trị chấp nhận 1 phần kháng cáo của bị cáo và đề nghị hủy bản án sơ thẩm. TAND tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng tòa cấp sơ thẩm tuyên Trị về tội “Vô ý làm chết người” là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, đối với hành vi của ông Tám, Tòa nhận định việc chuyển làn đường để vượt chướng ngại vật khi đoạn đường có biển báo cấm vượt của ông là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ va chạm, gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến chết người. HĐXX cho rằng cần điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự đối với ông Tám trong vụ án này nên tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án để điều tra, xét xử lại.
Vậy nhưng trong phiên tòa sơ thẩm lần 2, ngoài việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo sang 12 tháng tù treo, HĐXX vẫn giữ nguyên nhận định trước đó là Trị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án này. HĐXX cho rằng: Bị cáo Lê Phước Trị tuy thấy trước hành vi của mình là nguy hiểm, có thể gây hậu quả chết người nhưng quá tự tin vào khả năng tự cân chỉnh máy đào ngay trên thùng tải cẩu, thao tác cân chỉnh xe cẩu thả dẫn đến tai nạn chết người. Lẽ ra, khi phát hiện phần bánh xích máy đào bị lệch ra khỏi thành thùng tải cẩu (khoảng 10-15 cm) không đáng kể, bị cáo không cần đưa máy đào xuống mặt đường và lên lại, có thể cân chỉnh trên thùng xe tải cẩu thì công việc coi như đã hoàn thành.
Đối với hành vi của ông Tám, sau khi quan sát thấy đảm bảo an toàn ông mới bật xi nhan trái, điều khiển xe qua làn đường bên trái để tiếp tục di chuyển ra Quảng Bình. Sự việc diễn ra sau đó hoàn toàn bất ngờ đối với ông vì trước khi cân chỉnh lại máy đào trên thùng tải cẩu, Trị không bố trí người hoặc có bất cứ cảnh báo gì. Ông Tám không thể thấy trước hoặc buộc phải thấy trước hậu quả xảy ra, do vậy ông không có lỗi gây ra tai nạn.
Bên cạnh đó, việc bị cáo tại phiên tòa cho rằng do xe tải cẩu của anh Tuyến đỗ ngược chiều, không đủ tải trọng, không có thành thùng, mặt đường nghiêng nên khi mình nhấc gàu múc lên thì mất thăng bằng, trượt đỗ vừa không có căn cứ, vừa không hợp lý. Bởi lẽ bị cáo có quyền từ chối và yêu cầu anh Tuyến đỗ xe đúng chiều, đảm an toàn thì mới đưa máy đào lên. Do vậy, việc vi phạm đỗ xe ngược chiều của anh Tuyến không có quan hệ nhân quả với tai nạn và hậu quả xảy ra. Hành vi của anh Tuyến đã bị Công an huyện Cam Lộ xử phạt hành chính là đúng quy định pháp luật.
Bản án sơ thẩm lần 2 tiếp tục bị kháng cáo. Tại phiên tòa lần này, HĐXX cấp phúc thẩm đưa ra nhận định: Hành vi chuyển làn, vượt qua trái để tránh chướng ngại vật của ông Tám khi chưa đảm bảo an toàn là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn. Trong trường hợp này lỗi của ông Tám là vô ý vì quá tự tin, cũng là nguyên nhân trực tiếp và quan trọng gây ra va chạm giữa ô tô với xe máy đào bánh xích. Vì thế tòa cấp sơ thẩm xác định ông Tám là “người làm chứng” không chính xác.
Tòa phúc thẩm cũng nhấn mạnh quan điểm: đối với ông Tuyến, khi đỗ xe ông chỉ bật đèn ưu tiên cảnh báo trước sau, không đặt biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết. Hành vi của ông Tuyến chở hàng hóa, tài sản nhưng không đảm bảo an toàn, dừng đỗ xe ngược chiều, tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra việc va chạm nhưng là một nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn.
Tòa án cấp sơ thẩm xác định ông Tuyến chỉ có lỗi vi phạm hành chính, từ đó xác định ông cũng là người làm chứng không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX thấy rằng việc tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi hoàn toàn thuộc về Trị nên buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra chưa phản ánh đúng mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi vi phạm. Từ những phân tích nêu trên, HĐXX phúc thẩm nhận thấy tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đồng thời có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, nên tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại.
Một vụ án tưởng đơn giản nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, bài học rút ra ở đây là sự cẩn trọng trong quá trình tham gia giao thông không bao giờ thừa. Khi tham gia giao thông, bất cứ sự chủ quan nào, dù nhỏ nhất đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ở đây, nếu như người điều khiển xe tải đậu xe đúng vị trí, đặt biển cảnh báo nguy hiểm để người đi đường biết; người điều khiển máy đào bánh xích không quá tự tin và người điều khiển ô tô nán lại thêm ít phút thì hậu quả về tài sản, tính mạng và thủ tục pháp lý đã không kéo dài đến ngày hôm nay.