Vì sao cát tặc 'coi trời bằng vung'?

Một vụ việc sặc mùi mafia khiến dư luận phẫn nộ là việc ông Phạm Văn Mười, đại biểu HĐND, Thị ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã La Gi, khi đang chạy xe máy trên đường thì bị 2 thanh niên bịt mặt áp sát chém gây thương tích 12%.

Vì sao cát tặc

Vụ việc xảy ra ngày 12/12/2019, đến nay Công an La Gi đã điều tra, bắt giữ được kẻ chủ mưu là Ngô Đức Thọ (chủ doanh nghiệp san lấp mặt bằng). Do nghi ngờ ông Mười tố cáo hành vi khai thác cát trái phép để lực lượng chức năng bắt giữ xe ben vận chuyển cát của mình, Thọ đã 2 lần thuê giang hồ từ TP. Hồ Chí Minh ra La Gi để chém ông Mười, với giá mỗi lần 20 triệu đồng.

Trước đó, ngày 28/4/2019 khi ông Mười vào rẫy canh tác, đã bị 4 thanh niên bịt mặt lao vào tấn công, sau đó chúng lên xe tẩu thoát. Các đối tượng còn dùng sim rác gọi điện đến nhà ông Mười, đe dọa ông và người thân trong gia đình, nhằm làm ông hoảng sợ không dám tố cáo hành vi khai thác cát trái phép của chúng.

Đây không phải lần đầu tiên “cát tặc” đe dọa, hành hung người dân và người thi hành công vụ dám tố cáo, ngăn cản chuyện “làm ăn” của chúng. Ngày 26/4/2019, ông Ngô Minh Hoàng - Xã đội trưởng xã Sông Lũy (Bắc Bình) bị cát tặc đâm rách mặt và dùng kiếm truy sát, khi ông Hoàng dẫn đầu tổ truy quét gồm công an, dân quân, địa chính xã đi bắt các đối tượng khai thác đất - cát trái phép. Ở Hàm Tân cán bộ địa chính bị cát tặc nhắn tin đe dọa và ném đủ thứ dơ bẩn vào nhà lúc đêm tối. Ở Hàm Thuận Nam cát tặc chống đối bằng cách lao thẳng xe ben vào tổ công tác, cán nát xe máy của một chiến sĩ công an. Ở Tánh Linh cát tặc đánh Phó Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện và Phó Chủ tịch xã bị thương phải nhập viện, khi đến kiểm tra điểm khai thác cát lậu. Ngay cả các phóng viên báo - đài khi đi tác nghiệp quay phim, chụp ảnh phản ánh nạn khai thác cát trái phép ở các địa phương, cũng bị cát tặc chặn đường, đe dọa hành hung.

Đã có rất nhiều kỳ họp HĐND các cấp và cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH “nóng” lên vì vấn đề cát tặc lộng hành, thách thức pháp luật, coi thường kỷ cương phép nước, bất chấp dư luận xã hội. Trả lời chất vấn của ĐBQH về vấn đề quản lý khai thác cát, sỏi trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận: “Đang trong giai đoạn cao điểm trấn áp tội phạm, nhưng hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra tinh vi, có nơi công khai, có tính chất lộng hành, chống lại người thi hành công vụ, đe dọa người dân và cả lãnh đạo chính quyền địa phương”. (Vụ cát tặc nhắn tin đe dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh: “Để yên cho người khác làm ăn”, Bộ Công an phải vào cuộc xử lý - NV).

Vì sao cát tặc ngày càng “coi trời bằng vung”? Trước tiên vì nhu cầu thị trường quá lớn, mà nguồn cung hợp pháp không đủ, sinh ra khai thác cát trái phép. Tiếp đến là lợi nhuận quá cao, cát tặc chỉ việc đào xúc lên bán, không phải nộp tiền cấp quyền khai thác và các khoản thuế, phí, ký quỹ môi trường. Giá cát thị trường càng “sốt” nóng, cát tặc càng liều lĩnh manh động, sẵn sàng truy sát ai dám ngăn cản chúng. Trong khi ấy khai thác cát trái phép chỉ bị xử lý hành chính, các mức phạt không đủ răn đe. Thống kê từ năm 2013 - 2016 cả nước phát hiện hơn 2.700 vụ khai thác cát trái phép, nhưng chỉ truy tố hình sự được 1 vụ (ở Hà Nội) còn lại đều xử lý hành chính. Nguyên nhân các địa phương cho rằng vì việc xác định “gây hậu quả nghiêm trọng” rất khó.

Trở lại vụ án đe dọa, hành hung Chủ tịch Hội Nông dân thị xã La Gi, hiện công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can kẻ chủ mưu và các đối tượng liên can. Dư luận yêu cầu pháp luật trừng trị nghiêm minh những kẻ coi thường kỷ cương phép nước này. Dư luận xã hội cũng cho rằng cần sửa đổi Luật Khoáng sản, khắc phục những bất cập, lỗ hổng trong quản lý khoáng sản, mở đường cho việc khởi tố hàng loạt vụ khai thác cát trái phép quy mô lớn, để răn đe, phòng ngừa, chứ không thể chỉ xử phạt hành chính như lâu nay.

Đặng Dũng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-de-va-su-kien/vi-sao-cat-tac-coi-troi-bang-vung-129573.html