Vì sao chậm giải ngân đầu tư công?

Đến hết tháng 11/2023, giải ngân vốn đạt khoảng 65,1% kế hoạch. Đây là nội dung được nêu tại Thông báo số 511/TB-VPCP (kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các Bộ, cơ quan trung ương (TƯ) và địa phương về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023).

Ảnh minh họa (Nguồn: Vneconomy).

Ảnh minh họa (Nguồn: Vneconomy).

Lưu ý, thông báo ban hành ngày 08/12/2023, có nghĩa là năm kế hoạch chỉ còn 22 ngày. Liệu những ngày còn lại có hoàn thành 34,9%?

Tại thông báo trên, Thường trực Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan TƯ, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao.

Thời điểm hiện nay, như vậy việc “giải ngân” quả là khó khăn. Từng có những thời kỳ, nhiều địa phương khát khao được đầu tư. Nay thì một số vấn đề đã thay đổi.

Về mặt chỉ đạo, cho đến thời điểm có Thông báo 511, Chính phủ đã ban hành khoảng 8 nghị quyết, 1 chỉ thị, 6 công điện và nhiều văn bản điều hành; trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm yêu cầu các Bộ, cơ quan TƯ và địa phương phải tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Thế nhưng, đến nay còn 21 Bộ, cơ quan TƯ và 33 địa phương (gọi tắt là đầu mối) chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao; 41 đầu mối giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước, trong đó có 15 đầu mối chỉ giải ngân dưới 15% và 8 đầu mối giải ngân dưới 50%; còn nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ.

Nguyên nhân vì sao? Thông báo 511 nêu rõ, việc chậm giải ngân có nhiều nguyên nhân, trong đó: công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần; việc lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng thực hiện, bố trí vốn còn dài trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa quyết liệt, sâu sát, kịp thời; năng lực nhà thầu, ban quản lý dự án một số trường hợp còn hạn chế; kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công chưa nghiêm; công tác phối hợp giữa các Bộ, cơ quan, địa phương nhiều trường hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả; giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; một số cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật còn chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất, chậm được sửa đổi, bổ sung; vẫn còn tình trạng thiếu nguyên vật liệu thi công, nhất là với các dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Trong bối cảnh khó khăn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống của Nhân dân. Chỉ còn ít ngày nữa là hết niên độ ngân sách năm 2023, trong khi khối lượng vốn chưa giải ngân còn khá lớn. Mục tiêu 95% có đạt được hay không, thực tế sẽ trả lời. Và để những năm sau tình trạng này không còn xảy ra; cần phải phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn nữa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư công; hoàn thiện chế tài xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vi-sao-cham-giai-ngan-dau-tu-cong-post498857.html