Vì sao châu Phi cần coi khủng hoảng khí hậu là cơ hội?

Báo Arab News mới đây đăng bài bình luận cho rằng châu Phi cần coi cuộc khủng hoảng khí hậu là cơ hội để tạo dựng sự phát triển trong một số lĩnh vực liên quan tới khí hậu.

Người dân phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn do hạn hán kéo dài tại Dolo Ado, biên giới Ethiopia-Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn do hạn hán kéo dài tại Dolo Ado, biên giới Ethiopia-Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN

Có một câu chuyện nổi tiếng về hai thương nhân bán giày dép đã đến châu Phi vào đầu thế kỷ XX để tìm kiếm thị trường mới. Vài ngày sau khi đến, người bán hàng đầu tiên kết luận rằng thị trường châu Phi không có tiềm năng bán giày vì mọi người đều đi chân trần. Ngược lại, đồng nghiệp của anh ta đã nhận ra một thị trường khổng lồ chưa được khai thác tại châu Phi.

Câu chuyện đó gợi nhớ cách các nước giàu có, được cho là vì những lý do có chủ đích, đã luôn cường điệu hóa vấn đề biến đổi khí hậu tại châu lục này. Các tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ và chính phủ phương Tây đã coi biến đổi khí hậu như một câu chuyện duy nhất về thảm họa. Sự bi quan thể hiện rõ trong ngôn từ sử dụng, như “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, “khủng hoảng khí hậu” và “người tỵ nạn khí hậu”.

Cộng đồng quốc tế liên tục được nhắc nhở rằng châu Phi sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu. Câu chuyện đó, được củng cố bằng những hình ảnh về hạn hán, đói kém và lũ lụt, đã miêu tả một cách nhất quán hình ảnh những người nông dân, ngư dân và dân làng như những nạn nhân của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, câu chuyện về thảm họa này lại tạo ra rất ít chất xúc tác cho hành động khí hậu, vì vậy thế giới cần một kịch bản mới. Khủng hoảng cũng là thời điểm để thiết lập lại toàn cầu để có thể mang lại lợi ích to lớn cho châu Phi.

Việc thiết lập lại cơ hội sẽ tạo đà phát triển tập trung và mở rộng quy mô các thích ứng khí hậu và sáng kiến giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, từ đó giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của châu Phi. Lục địa này có mọi thứ cần thiết để xây dựng lĩnh vực năng lượng tái tạo - bắt đầu với phong điện, thủy điện, năng lượng Mặt Trời và địa nhiệt.

Châu Phi cũng có tài nguyên cobalt, than chì, lithium và mangan cần thiết để sản xuất pin điện và thép, kẽm và nhôm để chế tạo tua-bin gió và các công nghệ cácbon thấp khác. Các ngành công nghiệp xanh có thể tạo ra việc làm, nuôi dưỡng các doanh nghiệp và kích thích nền kinh tế ở châu Phi, trong khi vẫn đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường.

Ví dụ, hãng sản xuất ô tô Toyota của Nhật Bản gần đây đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư 624 triệu USD vào Ấn Độ để sản xuất các bộ phận xe điện, tạo ra 3.500 việc làm. Đây là loại dự án có thể và nên xuất hiện ở châu Phi. Trong hai thập kỷ qua, châu Phi chỉ thu hút được 2% trong số hàng tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo toàn cầu và chưa đến 3% số việc làm được tạo ra trong lĩnh vực đang phát triển này.

Việc gia tăng những con số nói trên sẽ đòi hỏi các chính phủ châu Phi phải tạo ra một môi trường thân thiện với đầu tư và đàm phán hiệu quả hơn để thu hút nhiều doanh nghiệp, cũng như cần thuyết phục rằng các công ty sẽ tạo ra việc làm tại địa phương và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng nguồn năng lượng sạch cho châu lục.

Tương tự, những người trẻ tuổi châu Phi mong muốn có sự thay đổi thì cần giương cao các biểu ngữ kêu gọi chính phủ cung cấp “việc làm về khí hậu” và “cơ hội về khí hậu”, thay vì mong đợi họ “cứu hành tinh”. Họ nên thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách thu hút khoản đầu tư quy mô lớn cần thiết để giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tạo điều kiện cho tinh thần kinh doanh vì môi trường phát triển mạnh mẽ.

Một lĩnh vực xanh phát triển sẽ có thể mang lại cho châu Phi những đòn bẩy kinh tế cần thiết để giúp nhiều người sống tốt hơn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn trên phương diện tiếp cận năng lượng. Châu Phi sẽ không cần phải dựa vào các hệ thống phân phối năng lượng lỗi thời thuộc sở hữu của các chính phủ thiếu tài chính hoặc không có động cơ đầu tư vào việc mở rộng lưới điện cho tất cả mọi người dân.

Năng lượng tái tạo mang đến cho châu lục này cơ hội đi tắt và nhảy qua các hệ thống cũ và nắm lấy những phương thức mới, phi tập trung để cung cấp năng lượng giá rẻ, đáng tin cậy cho tất cả mọi người.

Châu Phi đã có một bước tiến nhảy vọt tương tự trong lĩnh vực viễn thông di động. Cuộc gọi di động đầu tiên trên lục địa này được thực hiện tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1987. Ngày nay, châu Phi là thị trường viễn thông di động phát triển nhanh nhất thế giới và là thị trường di động lớn thứ hai sau châu Á.

Chỉ trong 35 năm, lĩnh vực này đã kết nối hơn nửa tỷ người, tạo ra hàng nghìn việc làm và giúp các công ty bản địa thành công. Nhờ công nghệ mới, cơ sở hạ tầng và thiết bị cầm tay rẻ hơn, thị trường cạnh tranh, môi trường pháp lý thuận lợi và các mô hình kinh doanh được thiết kế cho thị trường đại chúng, châu Phi đã tránh được những thách thức trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện thoại cố định.

Những gì công nghệ di động đã làm cho châu Phi có thể được nhân rộng trong lĩnh vực khí hậu. Lục địa này không cần phải chờ đợi khoản đầu tư từ các chính phủ thiếu tiền mặt của châu lục và khu vực tư nhân. Thay vào đó, châu Phi nên thúc đẩy chương trình thích ứng với khí hậu một cách mạnh mẽ hơn./.

Việt Khoa (P/v TTXVN tại Cairo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vi-sao-chau-phi-can-coi-khung-hoang-khi-hau-la-co-hoi/247658.html