Vì sao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Tĩnh 'tuột dốc'?

Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh được biết đến là địa phương có môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, biểu hiện rõ nhất đó là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của địa phương này luôn được đánh giá cao. Tuy vậy, theo bảng xếp loại về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì Hà Tĩnh lại nằm ở nhóm 'đội sổ' khi đứng thứ 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Vậy đâu là lý do khiến mức độ hài lòng của các doanh nghiệp với địa phương này sụt giảm?

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Công ty cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Công ty cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà.

Chỉ số PCI Hà Tĩnh năm 2023 của Hà Tĩnh được đánh giá bao gồm 10 chỉ số thành phần với 141 chỉ tiêu, trong đó các chỉ số: số doanh nghiệp gia nhập thị trường, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự… đã được cải thiện và tăng thứ bậc so với năm 2022.

Tuy vậy, điều đáng chú ý nhất, các chỉ số về tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số đào tạo lao động… của địa phương này lại không được các doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, sở dĩ chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Tĩnh bị các doanh nghiệp đánh giá thấp do số ngày doanh nghiệp phải chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang duy trì ở mức cao, tỉnh thiếu quỹ đất sạch, các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất đất ở địa phương còn mất nhiều thời gian…

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022 tỉnh Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có môi trường đầu tư năng động hấp dẫn khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 2 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là vị trí cao nhất của Hà Tĩnh đạt được trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2022 khi liên tục duy trì ở vị trí thứ 27-21/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kết quả khảo sát cho thấy, số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tại tỉnh vẫn còn khá cao, nhiều doanh nghiệp khi đầu tư hoặc có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh còn gặp khó khăn do thiếu quỹ đất sạch; số ngày đợi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được cải thiện; cán bộ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chưa được doanh nghiệp đánh giá cao trong việc hướng dẫn doanh nghiệp.

Sản xuất hàng dệt may tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Sản xuất hàng dệt may tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, chỉ số chi phí thời gian là một trong những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp chưa hài lòng nhất ở Hà Tĩnh.

Cụ thể, chỉ số chi phí thời gian năm 2023 của Hà Tĩnh đạt 6,86 điểm, giảm 0,54 điểm so với năm 2022 (giảm 30 bậc, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành). Đây là sự tụt giảm thứ hạng đáng kể so với các năm trước (năm 2019 xếp thứ 33, năm 2020 xếp thứ 21, năm 2021 xếp thứ 14...).

Như vậy, các doanh nghiệp tại địa bàn tham gia khảo sát chưa ghi nhận cao việc cắt giảm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp còn phản ánh, cán bộ nhà nước chưa thật sự thân thiện, nhiệt tình hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp....

Đáng chú ý, theo ý kiến của doanh nghiệp được khảo sát, số giờ thanh, kiểm tra thuế trung vị tăng lên đáng kể. Đây là một trong những vấn đề cần được tỉnh nhận diện rõ ràng và sớm đưa ra giải pháp để khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo dữ liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2023 tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức để đẩy nhanh tiến độ thủ tục đất đai, đấu thầu, chạy án, cấp các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện ở Hà Tĩnh tăng đột biến.

Việc đánh giá chỉ số PCI hằng năm đều bảo đảm tính khách quan trong quá trình khảo sát, đánh giá, việc lựa chọn mẫu là mang tính ngẫu nhiên, nhưng đều là các mẫu đánh giá chất lượng.

VCCI

Điều đáng chú ý, trong hai năm qua, các doanh nghiệp được khảo sát đều đánh giá thấp chỉ số tính năng động của Hà Tĩnh, năm 2022 xếp thứ 49, năm 2023 xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố.

Theo quan điểm của VCCI, chỉ số tính năng động đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách Trung ương cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được khảo sát cũng đánh giá thấp nỗ lực của lãnh đạo tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng mềm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm.

Đây là chỉ số có sự giảm điểm và tụt thứ hạng đáng kể nhất trong bộ chỉ số PCI Hà Tĩnh 2023 mặc dù trong vòng 5 năm vừa qua, chỉ số này là chỉ số đóng góp nhiều cho sự tăng hạng PCI của tỉnh nhà (năm 2018 xếp thứ 10; năm 2019 xếp thứ 15; năm 2020 xếp thứ 5; năm 2021 xếp thứ 25; năm 2022 xếp thứ 9).

NGÔ TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vi-sao-chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-cua-ha-tinh-tuot-doc-post823140.html