Vì sao chiến tranh Nga – Mỹ sẽ là dấu chấm hết cho thế giới?
Hàng trăm xe tăng, hàng nghìn súng ống, những vụ nổ hạt nhân, hàng triệu người chết và những thiệt hại không thể đong đếm được... Đó sẽ là những gì sẽ xảy ra nếu chiến tranh giữa Mỹ và Nga nổ ra.
Một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa 2 quốc gia sẽ không thể giải quyết được xung đột mà trái lại, có thể là thảm họa đặt dấu chấm hết cho thế giới.
Từ leo thang đến xuống thang
Kịch bản có thể là một máy bay không người lái của Ukraine tấn công vào các mục tiêu ở Donbass, khu vực phía đông nước này do lực lượng ly khai kiểm soát. Trong một diễn biến bất ngờ, lực lượng địa phương này đã đáp trả với quy mô lớn hơn thường lệ và quân đội của Ukraine chịu tổn thất nặng nề. Điều đó khiến Ukraine tiến hành một cuộc tấn công quân sự trên quy mô lớn. Sau loạt không kích đầu tiên, quân đội Nga sẽ vượt qua biên giới phía đông với mục đích ngăn chặn thảm họa nhân đạo. Một sĩ quan quân sự Mỹ bị đạn pháo của Nga làm thiệt mạng và cuộc "chiến tranh lạnh" giữa NATO và Nga nhanh chóng biến thành chiến tranh nóng. Thế giới rơi vào hỗn loạn khi 2 lực lượng quân sự khổng lồ sẵn sàng cho cuộc đối đầu mà nhân loại đã lo sợ từ lâu.
Đó là viễn cảnh mà người ta tưởng tượng ra khi nói về nguy cơ xung đột Nga - Mỹ.
Trong một vài năm trở lại đây, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã không diễn ra như hai bên mong đợi với những lời cảnh báo về nguy cơ xung đột quân sự của 2 đội quân mạnh nhất hành tinh ngày càng gia tăng. Tháng 11/2021, Bloomberg đưa tin, cáo buộc Nga có lẽ đang chuẩn bị tấn công Ukraine. Bài báo này nhanh chóng được dẫn lại bởi New York Times, CBS News và nhiều hãng truyền thông lớn khác. Các bài báo nói về nguy cơ hành động quân sự ngày càng gia tăng trong khi Mỹ tăng cường thảo luận với các đồng minh về việc sẽ phản ứng như thế nào trước một cuộc xung đột quân sự.
Các quan chức Nga đã nhiều lần phủ định về bất kỳ kế hoạch thù địch nào song điều đó không giúp xoa dịu tình hình. Trên thực tế, giữa lúc các bài báo về nguy cơ chiến tranh xuất hiện tràn lan, các chính trị gia bắt đầu lên tiếng báo động về việc này, thậm chí có những người còn đi xa đến mức hối thúc Tổng thống Mỹ Joe Biden cân nhắc đến nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm chống lại kẻ thù của nước Mỹ.
Dù vậy, cuộc gặp trực tuyến này 7/12 giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin đã phần nào giúp xoa dịu tình hình. Ít nhất là hai bên đã nhất trí tiếp tục đối thoại với nhau. Một tuần sau, Moscow liên lạc với Washington qua các kênh ngoại giao chính thức, đưa ra các dự thảo thỏa thuận với Mỹ và NATO nhằm tìm kiếm những đảm bảo an ninh giữa các bên.
Phản ứng của Mỹ cũng mang tính ngoại giao. Đầu tiên, Thư ký Báo chí Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ thảo luận các vấn đề an ninh châu Âu với các đồng minh. Sau đó, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden là ông Jake Sullivan cho biết, Washington luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Một điều quan trọng nữa là ông Sullivan đã nhấn mạnh, chính phủ Mỹ cho rằng Nga chưa đưa ra bất kỳ quyết định lớn nào liên quan đến Ukraine.
Tại sao Mỹ chuyển sang đối thoại với Nga?
"Sự dịch chuyển sang xu hướng đối thoại mang tính xây dựng diễn ra từ thực tế rằng Moscow và Washington nhận thực rõ về hậu quả của xung đột", nhà quan sát quân sự Nga Mikhail Khodarenok giải thích.
Lực lượng Vũ trang Nga được coi là một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới. Trong báo cáo Global Firepower thường niên xếp hạng năng lực quân sự của 140 quốc gia trên toàn cầu, Nga thường đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ.
Ở một số lĩnh vực, Moscow thậm chí dẫn trước trong cuộc cạnh tranh này. Chẳng hạn, quân đội Nga có 13.000 xe tăng, nhiều gấp đôi số xe tăng của Mỹ (6.100). Hầu hết trong số những xe tăng này là từ thời Liên Xô nhưng xương sống của hạm đội xe tăng bao gồm các xe tăng T-72, T-80 và T-90 đều là "những cỗ máy quân sự có khả năng hoàn hảo". Theo ông Mikhail Khodarenok, những xe tăng này sau khi điều chỉnh "có thể sánh ngang với những phiên bản mới nhất của xe tăng M1 Abram của Mỹ".
Ngoài ra, xét về mặt số lượng, Nga cũng bỏ xa các đối thủ cạnh tranh ở những phương tiện như pháo tự hành và hệ thống tên lửa đa bệ phóng.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cũng cho rằng Mỹ dành chi tiêu cho quân sự nhiều hơn Nga tới 17 lần. Từ năm 2019 - 2021, ngân sách Mỹ chi tiêu cho quân sự lần lượt là 685 tỷ USD, 738 tỷ USD và tỷ triệu USD. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Nga lần lượt là 40,77 tỷ USD, 41,99 tỷ USD và 43,48 tỷ USD.
Sự khác biệt trong chi tiêu quân sự cũng ảnh hưởng đến sức mạnh của lực lượng hai nước. Theo The Millitary Balance 2021, Mỹ có 1,4 triệu quân thường trực trong khi con số này của Nga là 900.000.
Chiến tranh Nga – Mỹ sẽ là cuộc chiến cuối cùng trong lịch sử nhân loại
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng không nên đưa ra những so sánh về tương quan lực lượng giữa Nga và Mỹ.
Cả Nga và Mỹ đều hiểu rõ hậu quả của một cuộc xung đột và không muốn đưa mối quan hệ hai bên đến "điểm sôi". Nhà khoa học Albert Einstein từng nói rằng: "Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ sử dụng vũ khí nào nhưng tôi biết rằng chiến tranh thế giới thứ 4 sẽ sử dụng gậy gộc và đá". Các nhà phân tích quân sự Nga thậm chí còn đưa ra những dự đoán cụ thể hơn khi nhận định, "chiến tranh hạt nhân với một nước như Nga sẽ là cuộc chiến cuối cùng trong lịch sử nhân loại".
Trên thực tế, dường như nhân loại vẫn không thể hiểu hết về hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Vào tháng 11/2021, Tạp chí Nghiên cứu Địa Vật lý đánh giá: Nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra, bầu khí quyển sẽ bị tàn phá nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta từng tính toán trước đó. Các nhà khoa học ước tính rằng, cuộc xung đột hạt nhân giữa Nga và Mỹ không chỉ khiến hàng triệu người chết mà còn dẫn đến những thay đổi về môi trường trên khắp hành tinh. Vụ nổ hạt nhân sẽ giải phóng 150 megaton tro bụi vào bầu khí quyển, gây ra những đám cháy trên toàn cầu và thậm chí dẫn đến một mùa đông hạt nhân.
"Chiến tranh giữa Nga và Mỹ có lẽ chỉ xảy ra nếu một hoặc cả hai nước liên tục diễn giải sai ý định của đối phương và phán đoán sai về khả năng của họ nhằm kiểm soát căng thẳng leo thang. Dù vậy, tôi cho rằng thậm chí cả khi có những sự cố dẫn đến binh lính Nga hoặc Mỹ thiệt mạng, hay sự phá hủy tàu hoặc máy bay của đối phương thì Moscow và Washington sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn của mình để tránh căng thẳng leo thang thêm nữa", Dmitry Stefanovich, học giả nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới Primakov đánh giá.
Mặc dù các chuyên gia không tin rằng sẽ thực sự có một cuộc chiến giữa Nga và Mỹ nhưng việc dự đoán viễn cảnh này vẫn không dừng lại trừ khi có một số động thái ngừng leo thang căng thẳng giữa 2 bên.
Hiện nay, Washington và các đồng minh NATO đã nhất trí sẽ thảo luận các đề xuất của Moscow về những đảm bảo an ninh, với vòng đàm phán đầu tiên bắt đầu ở Geneva, Thụy Sĩ vào tháng 1.
"Chúng tôi hy vọng không ai coi xung đột là viễn cảnh mong muốn. Chúng tôi sẽ nỗ lực đảm bảo an ninh của mình bằng những phương tiện mà chúng tôi cho là phù hợp", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định./.