Vì sao chợ cóc đang bùng phát mạnh mẽ ở TPHCM?

Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, nhiều chợ truyền thống và chợ đầu mối phải tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch dẫn đến sự hình thành của các chợ tự phát. Tuy nhiên đến nay, tình trạng trên vẫn tiếp diễn, dẫn đến sự cạnh tranh bất công trong hoạt động kinh doanh thực phẩm.

Thông tin trên được bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM - nêu lên tại Hội nghị Đảm bảo chất lượng an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TPHCM, ngày 18/10.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM - trao đổi tại hội nghị.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM - trao đổi tại hội nghị.

Hiện nay, chợ truyền thống, chợ đầu mối đang phải đối phó với chợ cóc, chợ tạm tràn lan xung quanh. Chợ tự phát không được cấp phép hoạt động đang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý chất lượng hàng hóa. Những điểm hình thành chợ tự phát không thuộc quản lý của Sở Công Thương hoặc Ban Quản lý An toàn Thực phẩm mà thuộc thẩm quyền quản lý về trật tự đô thị của địa phương.

Chẳng những không đóng thuế cho nhà nước, chợ tự phát còn là điểm tập kết, kinh doanh các mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ. Hàng hóa do đó thường rẻ hơn so với các mặt hàng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và phải chịu các khoản thuế trong hoạt động kinh doanh. Đây chính là sự bất công cho những người tuân thủ các quy định của pháp luật nhưng bị những người kinh doanh bất hợp pháp cạnh tranh không sòng phẳng.

Đường Nguyễn Văn Linh gần cổng chợ Bình Điền trở thành điểm kinh doanh rau củ quả.

Đường Nguyễn Văn Linh gần cổng chợ Bình Điền trở thành điểm kinh doanh rau củ quả.

Lý giải cho nguyên nhân chợ tự phát bùng phát thời gian qua, bà Phong Lan cho biết: “Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát, thành phố đã đối mặt với những khó khăn về thực phẩm bởi giải pháp giãn cách xã hội và phong tỏa các điểm xuất hiện ổ dịch để phòng chống nguy cơ lây nhiễm. Giai đoạn này, tình trạng tự cấp, tự túc đã xuất hiện, tình trạng buôn bán thực phẩm diễn ra tràn lan bởi nhu cầu của cộng đồng rất lớn. Tuy nhiên, sau khi dịch được kiểm soát thì những người bán tự phát lập được đầu mối mua bán và không muốn dừng lại”.

Trước tình trạng chợ tự phát hoành hành, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm, đe dọa sức khỏe cộng đồng và quyền lợi của các tiểu thương kinh doanh hợp pháp, cuối năm 2021 đầu năm 2022 TPHCM đã tổ chức kiểm tra khu vực chợ đầu mối Bình Điền. UBND thành phố cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường giải pháp xử lý đối với các điểm kinh doanh buôn bán thực phẩm bất hợp pháp. Tuy nhiên, đến nay tình trạng trên vẫn chưa được kiểm soát.

Hoạt động mua bán tự phát kéo dài thời gian qua nhưng chưa được xử lý triệt để.

Hoạt động mua bán tự phát kéo dài thời gian qua nhưng chưa được xử lý triệt để.

Dẫn chứng cho thực tế đang diễn ra, bà Phong Lan cho biết, tình trạng buôn bán tự phát tiếp tục “nở rộ”. Riêng các tuyến đường khu vực chợ đầu mối Bình Điền đã nở rộ những điểm bán tự phát, nhiều nhất là mặt hàng rau củ quả.

“Tình trạng trên có thể dẫn đến nguy cơ không chỉ người dân mua hàng trôi nổi kém chất lượng mà cả những tiểu thương ở chợ truyền thống vì ham rẻ cũng sẽ mua hàng trôi nổi bên ngoài chợ. Thực tế đã có nhiều trường hợp tại chợ truyền thống bị xử phạt vì khi kiểm tra không xuất trình được nguồn gốc của hàng hóa” - bà Phong Lan nói.

Theo bà Phong Lan, các điểm người dân tự lập nhóm buôn bán tự phát đang rất bát nháo. Ngoài khu vực chợ đầu mối, hệ thống chợ truyền thống cũng bị những người buôn bán tự phát bủa vây khiến khu vực nhà lồng của tiểu thương rơi vào ế ẩm nhưng khu vực tự phát lại buôn bán nhộn nhịp.

“Trong sự cạnh tranh quyết liệt, chợ truyền thống hiện nay đang rơi vào ế khách. Nếu tiếp tục thả nổi chất lượng, không siết chặt quản lý an toàn thực phẩm thì chợ truyền thống sẽ bị triệt tiêu. Cần phải tăng cường uy tín chợ truyền thống mỗi ngày bằng chất lượng thực phẩm với hóa đơn, chứng từ có xuất xứ rõ ràng” bà Phong Lan nói.

Ngày 17/10, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cùng đoàn đã đi khảo sát thực tế hoạt động sản xuất và kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thực phẩm tại hợp tác xã, chợ đầu mối, siêu thị… tại TPHCM.

Ghi nhận của đoàn quanh khu vực chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TPHCM) cho thấy, hệ thống các nhà lồng trong chợ, tiểu thương đang tuân thủ nghiêm các hoạt động về đảm bảo an toàn thực phẩm với xuất xứ rõ ràng và quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên, khu vực quanh chợ đầu mối từ đường Nguyễn Văn Linh đến chợ Bình Điền, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán các mặt hàng thực phẩm tự phát diễn ra nhộn nhịp.

Vân Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-cho-coc-dang-bung-phat-manh-me-o-tphcm-post1479180.tpo