Vì sao chợ Đa Kia dang dở?

Năm 2020, huyện Bù Gia Mập triển khai dự án đầu tư xã hội hóa xây dựng chợ Đa Kia. Toàn bộ tiểu thương phấn khởi, mong chờ ngày khánh thành chợ để có chỗ kinh doanh, buôn bán mới khang trang hơn. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ, nhiều tiểu thương phải thuê mặt bằng kinh doanh dọc ĐT759 mà chưa biết bao giờ chợ Đa Kia hoàn thành.

Mòn mỏi chờ xây chợ

Trước đây, bà Nguyễn Thị Loan bán thức ăn tại chợ Đa Kia. Năm 2020, chính quyền địa phương triển khai dự án xây dựng chợ xã hội hóa, nhiều tiểu thương, trong đó có bà Loan phải thuê mặt bằng cạnh ĐT759 để kinh doanh. Vì đã buôn bán lâu năm tại chợ nên hầu hết người đến mua hàng đều là khách quen. Khi còn bán tại chợ, bà Loan không mất tiền thuê mặt bằng mà chỉ đóng phí thu gom rác thải. Còn nay, bà phải trả tiền thuê mặt bằng nhưng chỉ được kinh doanh vào buổi sáng.

Không hiểu sao chợ xây dựng hơn 3 năm rồi mà chưa xong. Từ đó đến nay, chủ đầu tư chỉ mới xây móng, vài cột bê tông dang dở. Rất mong Nhà nước đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ để chúng tôi có chỗ buôn bán.

Bà NGUYỄN THỊ LOAN, tiểu thương xã Đa Kia

Không chỉ bà Loan, các tiểu thương trước đây buôn bán tại chợ Đa Kia, nay đã di chuyển về bán tại nhà hoặc thuê mặt bằng dọc ĐT759 và tập trung tại tuyến đường khu dân cư thôn 4. Khu vực này đã hình thành một khu chợ tự phát, trong khi chờ triển khai dự án xây chợ.

Dự án chợ Đa Kia đã khởi công và vẫn “đắp chiếu” trong nhiều năm qua

Dự án chợ Đa Kia đã khởi công và vẫn “đắp chiếu” trong nhiều năm qua

Các tiểu thương cho biết, giá thuê mặt bằng dọc ĐT759 không hề rẻ. Trong khi đó, các mặt hàng tiêu thụ chậm do sức mua giảm. Người dân địa phương đi chợ thưa thớt nên dù bán ế cũng phải trả tiền thuê mặt bằng. Vì vậy, rất nhiều hộ tiểu thương mong muốn chợ xây nhanh để có chỗ buôn bán ổn định. Chị Nghiêm Thị Thúy ở thôn 3, xã Đa Kia nói: “Từ ngày giải phóng mặt bằng để xây chợ, tiểu thương di tản đi hết. Những người có nhà mặt tiền đường thì về nhà bán, còn như tôi thì phải thuê mặt bằng. Buổi sáng là cao điểm nhiều người tụ tập buôn bán ven đường, các cháu học sinh đi học đông. Người dân địa phương rất cần có chợ để tránh tụ tập tại khu chợ tự phát, nhất là những ngày lễ, tết, gây mất an toàn giao thông”.

Không chỉ tiểu thương phải thuê mặt bằng mà những người buôn bán hàng rong dọc đường cũng mong có chợ kiên cố để ổn định kinh doanh. Bởi, việc tụ tập buôn bán dọc đường không chỉ mất trật tự, an toàn giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường. Điển hình như những gian hàng thịt, cá, trước đây được sắp xếp ở cuối chợ Đa Kia, nay phải chuyển ra bán dọc đường.

... chờ đến bao giờ?

Chợ Đa Kia xây dựng trước năm 1997, là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa chính của 3 xã: Đa Kia, Bình Thắng và Phước Minh, huyện Bù Gia Mập. Tổng diện tích chợ hơn 4.300m2, với 72 sạp và hơn 60 hộ tiểu thương. Do cơ sở vật chất của chợ xuống cấp nghiêm trọng, các quầy sạp, mặt hàng sắp xếp chưa hợp lý. Mặt khác, chợ chưa có bãi giữ xe, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa được trang bị, xử lý vệ sinh môi trường, phòng dịch không đảm bảo làm ảnh hưởng cuộc sống người dân xung quanh.

Người dân buôn bán tự phát dọc ĐT759 và trước mặt chợ Đa Kia

Người dân buôn bán tự phát dọc ĐT759 và trước mặt chợ Đa Kia

Năm 2017, xã Đa Kia lập tờ trình kiến nghị huyện Bù Gia Mập kêu gọi xã hội hóa xây dựng, nâng cấp sửa chữa chợ. Trong khi chờ triển khai dự án, để tránh tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, gây mất trật tự an toàn giao thông, xã sắp xếp cho các tiểu thương buôn bán tạm thời tại sân vận động. Tuy nhiên, tiểu thương không ủng hộ phương án này, vì không thuận tiện và xa mặt đường.

Bà Nguyễn Thị Thúy ở thôn 4, xã Đa Kia cho biết: “Người dân chỉ mua hàng hóa, thực phẩm ở dọc đường chứ không ai vào sân bóng, vì quá xa. Nhà tôi ở mặt tiền đường nên cho các tiểu thương thuê, những hộ quanh đây cũng vậy. Họ cho thuê cả căn nhà để bán rau, củ, quả và các mặt hàng tươi sống”.

Năm 2019, huyện Bù Gia Mập phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đầu tư dự án chợ Đa Kia. Giữa năm 2020, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 1 Nam Bộ trúng đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án. Số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất hơn 15,6 tỷ đồng, nhà đầu tư đã nộp trước 15%, nhưng đến nay vẫn chưa nộp phần còn lại. Tuy chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư, nhưng tháng 8-2020, công ty đã thi công hàng rào bao quanh chợ, đào đất đổ bê tông đáy 18 hố móng. Sau khi bị lập biên bản yêu cầu ngừng thi công, đến nay dự án vẫn dang dở.

Ông Phạm Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đa Kia cho biết: “Dự án xây dựng chợ xã hội hóa chậm triển khai khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp chỗ kinh doanh, buôn bán cho các tiểu thương. Người dân tạm thời thuê mặt bằng buôn bán dọc ĐT759 và trục đường thôn 4. Việc tụ tập buôn bán đông người ở khu vực này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, xã rất mong huyện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để triển khai phương án xây dựng chợ”.

Ông Phạm Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đa Kia cùng phóng viên tại khu đất xây dựng chợ Đa Kia

Ông Phạm Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đa Kia cùng phóng viên tại khu đất xây dựng chợ Đa Kia

Sau nhiều lần gia hạn nộp tiền thuê đất, cuối năm 2020, huyện Bù Gia Mập đã hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng chợ Đa Kia. Huyện đã nhiều lần liên hệ thanh lý tài sản, yêu cầu trả lại mặt bằng, đồng thời đề nghị hoàn trả tiền của một số hộ dân đặt cọc mua ki-ốt, nhưng công ty vẫn không hợp tác làm việc và không có phản hồi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập NGUYỄN XUÂN HOAN

Huyện Bù Gia Mập đang thực hiện các bước lập tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư. Khi tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, huyện sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để triển khai dự án trong thời gian tới. Chợ Đa Kia ở trung tâm cụm xã phía Bắc của huyện Bù Gia Mập, không chỉ là nơi tập trung buôn bán của người dân địa phương mà còn là nơi giao thương của các xã lân cận. Vì thế, việc đẩy nhanh tiến độ mời gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ Đa Kia là rất cần thiết. Qua đó, không chỉ để người dân có nơi buôn bán ổn định, mà quan trọng hơn là góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên tuyến ĐT759.

Thùy Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/144621/vi-sao-cho-da-kia-dang-do