Vì sao chốt tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 thay vì 1/1/2023 như nhiều ý kiến đề xuất?

Với đại đa số ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Trong đó, chốt tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp BHXH từ ngày 1/7/2023.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 11/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các ĐBQH đã tiến hành biểu quyết bằng hình thức bấm nút điện tử để thông qua Nghị quyết. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 451/456 ĐBQH có mặt tán thành (chiếm 90,56%), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2023.

Các ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết.

Các ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết.

Trước khi các ĐBQH tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết, Thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022, dự toán NSNN năm 2023 và Dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2023.

Ông Hoàng Thanh Tùng trình bày, đối với ý kiến đề nghị điều chỉnh tăng cơ sở từ ngày 01/01/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương; có ý kiến đề nghị tăng 12,5% chi cho đối tượng trợ cấp hàng tháng, UBTVQH nhận thấy nếu áp dụng tăng lương từ 01/01/2023 đúng vào thời điểm đầu năm gần với Tết dương lịch và Tết âm lịch.

"Đây là thời điểm nhạy cảm, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, tạo sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây áp lực đối với việc kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống người dân", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

"Hơn nữa, tại Kết luận số 42-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban chấp hành Trung ương đã đồng ý điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp BHXH theo đề nghị của Ban cán sự Đảng Chính phủ và thời điểm áp dụng từ 1/7/2023. UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu theo đúng tinh thần Kết luận số 42-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương và đúng theo Tờ trình Chính phủ", ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

UBTVQH tiếp thu, giải trình ý kiến đề nghị, để bảo đảm tính công bằng và hợp lý, cần lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công, bảo trợ xã hội không thấp hơn chuẩn nghèo đô thị. Theo đó, năm 2021, để bảo đảm mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội mới được điều chỉnh tăng 33,3% từ mức 270.000 đồng/tháng lên mức 360.000 đồng/tháng. Mặt khác, hệ số hỗ trợ thực hưởng từ 1-3 lần mức bảo trợ xã hội đối với từng đối tượng cụ thể, không áp dụng chung mức 360.000 đồng/tháng cho các đối tượng, theo đó đã góp phần hỗ trợ cho các đối tượng này.

Toàn cảnh phiên họp chiều 11/11.

Toàn cảnh phiên họp chiều 11/11.

Theo phương án Chính phủ trình, mức trợ cấp cho người có công tăng 20,8%, theo đó mức chuẩn trợ cấp sẽ được điều chỉnh từ 1.624.000 đồng lên mức khoảng 1.961.800 đồng. Người có công là những người đã hy sinh cho đất nước trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH đã xin ý kiến các cơ quan có liên quan, cấp có thẩm quyền và chỉ đạo cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu tăng mức chuẩn trợ cấp cho người có công không thấp hơn chuẩn nghèo đô thị.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Thanh Tùng cũng trình bày, một số ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh tế vĩ mô khá ổn định, tăng trưởng đạt 6-6,5%GDP ở mức khá, có thể rút gọn một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội để giảm bội chi, giảm áp lực lạm phát và dành dư địa, nguồn lực cho phát triển bền vững trong thời gian tới.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội ban hành và thực hiện trong năm 2022-2023. Việc triển khai thực hiện nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân chủ yếu trong năm 2023, từ đó sẽ có tác động tích cực tới sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời sẽ có đánh giá, tổng kết việc triển khai, thực hiện Chương trình gửi đại biểu Quốc hội khi kết thúc. Từ đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép chưa xem xét rút gọn một số chính sách của Chương trình tại thời điểm này.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-chot-tang-luong-co-so-tu-1-7-2023-thay-vi-1-1-2023-nhu-nhieu-y-kien-de-xuat-169221111145805129.htm