Vì sao chưa đầu tư mở rộng QL57C qua Bến Tre?
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bến Tre về việc hỗ trợ đầu tư mở rộng QL57C đoạn qua Khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm ký cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, QL57C có điểm đầu giao với QL57 tại huyện Châu Thành, điểm cuối tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre; chiều dài tuyến khoảng 64km; quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cấp III-IV, 2-4 làn xe. Hiện trạng tuyến đã được đầu tư cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, 2 làn xe.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện duy tu thường xuyên cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ đi lại của nhân dân và đầu tư sửa chữa một số đoạn tuyến bị hư hỏng, xuống cấp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ với tổng kinh phí khoảng 62,11 tỷ đồng và năm 2023 khoảng 12,296 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ cho Bộ GTVT rất hạn hẹp và cần ưu tiên bố trí cho các dự án động lực, quan trọng quốc gia như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, hoàn thành các dự án đang bị dừng giãn tiến độ, trả nợ vốn ứng trước, trả nợ các dự án BT,…
Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bến Tre, Bộ GTVT đã ưu tiên bố trí 2.425 tỷ đồng để đầu tư 2 dự án, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến tre và Vĩnh Long; Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.
Do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể bố trí được nguồn vốn để thực hiện việc đầu tư nâng cấp, mở rộng QL57C trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Bộ GTVT
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư dự án, đồng thời giao Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, thực hiện bảo trì tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Về mở rộng đoạn qua Khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại, Bộ GTVT cho biết, theo ý kiến của UBND tỉnh Bến Tre, đoạn tuyến có chiều dài 1,5km (QL57C từ Km41+373 đến Km42+873) có nhu cầu đầu tư mở rộng lên quy mô tổng bề rộng mặt cắt ngang là 32m.
Do quy mô đoạn tuyến được UBND tỉnh Bến Tre đề xuất vượt quá quy mô quy hoạch tuyến QL57C được duyệt nên theo quy định tại khoản 3, mục III, Điều 1 Quyết định 1454 ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phần mở rộng theo quy hoạch của địa phương thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của UBND tỉnh Bến Tre.
Bộ GTVT thống nhất về sự cần thiết đầu tư dự án và đề nghị UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu phương án phân kỳ đầu tư, chủ động cân đối ngân sách địa phương để đầu tư phần mở rộng nêu trên. Trường hợp khó khăn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
"Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ khó khăn chung và rất mong tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn", văn bản của Bộ GTVT nêu.
Theo Bộ GTVT, kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT được phân bổ tổng số 304.104 tỷ đồng tại Nghị quyết 29/2021 của Quốc hội. Theo quy định, số vốn này phải ưu tiên bố trí khoảng 147.000 tỷ để hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của NSNN.
Chỉ còn 157.000 tỷ để triển khai các dự án mới, trong đó tập trung bố trí khoảng 117.500 tỷ cho 18 dự án đường bộ cao tốc khởi công mới và khoảng 39.500 tỷ cho một số ít các dự án động lực, cấp bách hoặc để xử lý các "điểm nghẽn" thuộc năm chuyên ngành giao thông trong cả 5 năm trên 63 tỉnh, thành phố.