Vì sao chưa đưa điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân vào chương trình xây dựng luật?

Theo bà Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tuy vấn đề điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là nhu cầu cấp thiết, nhưng việc sửa đổi luật phải tuân theo thủ tục, trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Tại cuộc họp báo cuối kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, phóng viên đặt câu hỏi việc giảm trừ gia cảnh, điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân là vấn đề rất nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra trong kỳ họp qua, cho là cấp thiết đặc biệt trong bối cảnh sắp tới lương cơ sở tăng 30%.

Vậy vì sao nội dung này chưa được đưa vào chương trình luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15?

Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết ngay từ khi dự kiến về chương trình luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đã đưa ra các nhiệm vụ, yêu cầu Chính phủ rà soát sửa đổi bổ sung các luật về thuế.

Nhiệm vụ này đã được nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 29/5 vừa qua, phản hồi lại ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu nhiều vấn đề liên quan đến việc xem xét sửa đổi thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh.

"Qua dư luận, ý kiến của ĐBQH, chúng tôi cũng thấy đây là vấn đề cần được triển khai thực hiện ngay. Tuy nhiên, để một dự án luật đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thì phải tuân theo những cái yêu cầu, trình tự thủ tục nghiêm ngặt", bà Thủy nói.

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ cần xem xét thảo luận, xác định những chính sách cơ bản và cần phải tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, có đánh giá tác động và điều kiện để bảo đảm khả thi.

Do đó, khi nào Bộ Tài chính - cơ quan liên quan trực tiếp đến vấn đề này - tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để đề nghị đưa dự án này vào xây dựng chương trình pháp lệnh thì UBTVQH sẽ xem xét và báo cáo Quốc hội bổ sung việc sửa đổi luật này vào kỳ họp gần nhất.

"Tuy đây là nhu cầu cấp thiết nhưng phải tuân theo thủ tục, trình tự, quy định xây dựng văn bản pháp luật", bà Thủy nói.

Trước đó, tại phiên thảo luận chiều 26/6 về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7,đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) góp ý khi lương tăng, thuế giảm trừ gia cảnh cần phải nghiên cứu điều chỉnh.

"Mức sống tăng lên, chi phí đắt lên thì mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng. Nếu tăng lương 30% thì mức giảm trừ gia cảnh ít nhất cũng phải tăng 30%, thậm chí tăng đến 50% là hợp lý", đại biểu Hạ nhấn mạnh.

Còn tại cuộc thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách Nhà nước năm 2023 chiều 29/5, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu về mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu.

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay chưa trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh do so với số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu.

"Như vậy, giảm trừ để nộp thuế là 11 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi ở các nước trên thế giới là dưới 1 lần. Bên cạnh đó, CPI theo số liệu của Tổng cục Thống kê chưa đạt trên 20% để thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Bộ Tài chính hiện đang thực hiện đúng theo quy định của pháp luật", ông Phớc cho hay.

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-chua-dua-dieu-chinh-thue-thu-nhap-ca-nhan-vao-chuong-trinh-xay-dung-luat-19224062912020857.htm