Vì sao chúng ta cần thay đổi cách thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên?
Theo tác giả Đặng Hoàng Giang, thiên nhiên đẹp như nó vốn có, và nó không phụ thuộc vào các quy chuẩn mà con người áp đặt.
Sau nhiều năm làm việc với các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, sang chấn và khủng hoảng tâm lý của người cận tử, người trẻ có tuổi thơ dữ dội và người trầm cảm, TS Đặng Hoàng Giang đã chọn vẻ đẹp thiên nhiên để làm chủ đề cho cuốn sách mới của mình có tên là Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - Hay vì sao chúng ta cần thay đổi cách thưởng thức thiên nhiên?.
Chúng ta đang thưởng thức thiên nhiên như thế nào?
Trong cuốn sách này, từ việc tìm hiểu thái độ của các nền văn hóa đối với thiên nhiên, cách mà các tầng lớp xê dịch xưa đến với thiên nhiên, những rung động, xúc cảm của bản thân đối với thế giới thực vật đến côn trùng…, tác giả đưa ra một cái nhìn mới mẻ về cách chúng ta kết nối và thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên cũng như cách chúng ta bồi đắp năng lực cảm thụ thiên nhiên và thay đổi cách tương tác với thế giới.
Qua hai nhân vật hư cấu là Tò Mò và Suy Ngẫm - đại diện cho những người trẻ ham học hỏi, có cá tính riêng và cùng yêu thiên nhiên - tác giả dẫn dắt chúng ta vào một cuộc hành trình độc đáo trải dài xuyên suốt trong cuốn sách.
Đó là hành trình theo không gian: từ rừng xuống biển, từ những cảnh quan trác tuyệt cho đến những cảnh sắc bình thường như đầm lầy, bãi cỏ, cánh đồng hoang, từ lúc đẹp trời đến cả lúc xấu trời, từ ngày mưa đến ngày nắng…
Đó còn là hành trình theo chiều lịch đại, đi dọc lịch sử của những cách thức đến với thiên nhiên trong quá khứ, từ hàng nghìn năm trước đến nay, trong mối tương quan với quan điểm thẩm mĩ, bối cảnh xã hội và tư tưởng các thời đại khác nhau để lần ra gốc tích những quan niệm cái đẹp mà ngày nay người ta xem là hiển nhiên.
Trong cuốn sách, tác giả Đặng Hoàng Giang cho biết, cách đây gần 100 năm, nhà bảo tồn thiên nhiên người Mỹ John Muir đã gọi xu hướng “lang thang trong những vùng hoang dã” như là dấu hiệu “đầy hy vọng của thời đại”. “Hàng nghìn con người mệt mỏi, căng thẳng, sống quá mức tiện nghi đang bắt đầu nhận ra rằng lên núi là trở về nhà; rằng sự hoang dã là một nhu cầu thiết yếu; và rằng những khu rừng và khu bảo tồn trên núi không chỉ hữu ích như những nguồn cung cấp gỗ và sông để tưới tiêu, mà còn là nguồn sống”.
Trước đó, Henry David Thoreau cất lời kêu gọi trở về với thiên nhiên, lời kêu gọi mà nhiều triết gia, nhà nhân học, nhà mỹ học về thiên nhiên thế kỷ 20 đã tiếp bước và đào sâu từ các góc tiếp cận của mình…
Tuy nhiên, xu hướng về với thiên nhiên ngày nay có nhiều thay đổi. Hiện tượng du lịch đại chúng, xuất hiện cùng sự phát triển của nhiếp ảnh và mạng xã hội đã ảnh hưởng không ít đến việc cảm thụ thiên nhiên của chúng ta. Tác giả đặt ra câu hỏi: Chúng ta đến với thiên nhiên hay đi shopping thắng cảnh?, Chúng ta ngắm thiên nhiên hay ngắm chính chúng ta?...
Tác giả cũng cho biết, thiên nhiên tự thân đã bị biến đổi thành một thứ hàng hóa mà con người tiêu thụ thông qua hình ảnh và các trải nghiệm bề mặt. Những đỉnh núi, bãi biển hay thảo nguyên trở thành phông nền phục vụ nhu cầu chụp ảnh của du khách, thay vì được nhìn nhận bởi tự thân chúng.
Thay đổi cách ứng xử của chúng ta với thiên nhiên
Từ những gì đôi bạn trẻ: Tò Mò và Suy Ngẫm đã chia sẻ với nhau, tác giả cho biết, gu thẩm mỹ của chúng ta, thái độ của chúng ta và cách ứng xử của chúng ta với thiên nhiên phụ thuộc rất nhiều vào truyền thống văn hóa và hệ giá trị đi kèm.
Tuy nhiên, theo tác giả thiên nhiên đẹp như nó vốn có, và nó không phụ thuộc vào các quy chuẩn mà con người áp đặt. Mặt khác, thị hiếu, quan điểm của chúng ta về đẹp và xấu trong tự nhiên ngày không đơn giản là những thứ tùy gu, thuộc sở thích cá nhân mà tác động trực tiếp đến cách ta kiến tạo thế giới.
Cuốn sách mở ra những con đường mới để mỗi người có thể phát triển khả năng rung động và kết nối sâu sắc với mọi hình thái của thiên nhiên, thay vì chỉ với những phong cảnh hợp Instagram.
Hành trình của Tò Mò và Suy Ngẫm cũng giúp ta đi xuyên qua vẻ bề ngoài để cảm nhận được vẻ đẹp của sự phong phú, phức tạp và bí ẩn của âm thanh và mùi vị; của chuồn chuồn, nhện và bướm di cư; của đầm lầy, hoa tàn và lúc xấu trời - những điều mà trước kia ta coi là bình thường, thậm chí tầm thường, xấu xí.
Theo tác giả, năng lực cảm thụ những vẻ đẹp khác nhau, khó cảm nhận của thiên nhiên cần được bồi đắp, khơi gợi, thậm chí đào tạo. Điều này có ý nghĩa xã hội to lớn và quan trọng hơn mọi khẩu hiệu kêu gọi bảo tồn, bởi có lẽ ta chỉ tâm huyết để gìn giữ và bảo vệ những điều mà vẻ đẹp của nó khiến ta rung động.
Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường chứa đựng nhiều quan điểm triết học, mỹ học, thế giới sinh vật… nhưng được truyền tải một cách khéo léo, dễ tiếp cận qua những cuộc đối thoại, trò chuyện đời thường giữa cặp nhân vật Tò Mò và Suy Ngẫm.
Qua đó, tác giả khơi gợi ở bạn đọc cách cảm nhận đúng về vẻ đẹp của thiên nhiên: Thiên nhiên đẹp như nó vốn có, không phụ thuộc vào các quy chuẩn đẹp mà chúng ta áp cho con người và khi đã yêu thiên nhiên, một cách tự nhiên, chúng ta sẽ biết cách bảo vệ thiên nhiên.