Vì sao chương trình cải cách thị trường điện ở Trung Quốc gặp khó?

Cuộc cải cách thị trường điện ở Trung Quốc, được triển khai bằng việc áp dụng thị trường điện giao ngay và trao đổi giữa các tỉnh, gặp phải những trở ngại liên quan đến sự chênh lệch giữa các khu vực. Những trở ngại này cản trở việc chuyển điện tái tạo từ các vùng sâu vùng xa đến các khu đô thị đang phát triển nhanh.

Hình minh họa

Hình minh họa

Rào cản thương mại nội bộ phát sinh từ sự khác biệt về kinh tế giữa các tỉnh. Chính quyền địa phương, với quyền kiểm soát đáng kể đối với thị trường điện, thường ưu tiên lợi ích kinh tế. Sự chênh lệch này càng làm phức tạp sự hợp tác liên tỉnh, điều cần thiết để đạt được mục tiêu thị trường điện thống nhất vào năm 2030, với cột mốc quan trọng đầu tiên được đặt ra vào năm 2025.

Ở miền bắc và tây Trung Quốc, nơi sản sinh nguồn năng lượng tái tạo chính cho đất nước, nhu cầu năng lượng và mật độ dân số vẫn ở mức thấp. Những khu vực này, như Cam Túc, Ninh Hạ và Nội Mông, tập trung phần lớn năng lượng mặt trời và gió. Ngược lại, các tỉnh ven biển phía nam và phía đông, dân cư đông đúc và có nhu cầu năng lượng cao.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của S&P Global Commodity Insights, việc không thể kết nối hiệu quả hai cực này đã dẫn đến tỷ lệ cắt giảm năng lượng tái tạo trên 5% trong nửa đầu năm 2024. Tình trạng này hạn chế việc mở rộng công suất mới, cản trở việc phê duyệt các dự án và hạn chế sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Rào cản thương mại và chủ nghĩa bảo hộ địa phương

Các khu vực giàu năng lượng tái tạo đã cố gắng thu hút các ngành công nghiệp nặng, chẳng hạn như sản xuất nhôm hoặc tấm pin mặt trời, bằng việc hứa hẹn cung cấp nguồn tiếp cận trực tiếp với điện xanh. Tuy nhiên, chi phí chuỗi cung ứng và những lo ngại về nhân quyền, đặc biệt là ở Tân Cương, đang cản trở những nỗ lực này.

Hơn nữa, các khu vực này phải đáp ứng các yêu cầu quốc gia về tiêu thụ năng lượng tái tạo, điều càng làm phức tạp thêm việc xuất khẩu điện ồ ạt. Mặt khác, các tỉnh công nghiệp hóa vẫn còn quan ngại việc nhập khẩu lượng lớn năng lượng tái tạo, vì điều này có thể làm suy yếu ngành nhiệt điện địa phương, vốn rất cần thiết cho nền kinh tế khu vực.

Sáng kiến của chính quyền trung ương

Vào năm 2023, Cơ quan Năng lượng Quốc gia đã ban hành kế hoạch nhằm giảm thiểu các hành vi cạnh tranh không công bằng trong giao dịch điện. Bất chấp những hướng dẫn này, vẫn có rất ít thay đổi được nhận thấy. Hội đồng Điện lực Trung Quốc gần đây đã đề xuất cho phép các thỏa thuận song phương trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng để tránh sự can thiệp quá mức của chính quyền địa phương.

Theo Song Hongkun, Phó Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia, cần có sự can thiệp của trung ương để điều chỉnh các hành vi bảo hộ. Ông kêu gọi một thị trường điện được tiêu chuẩn hóa, cho phép phân bổ hiệu quả nguồn năng lượng và tăng cường tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-chuong-trinh-cai-cach-thi-truong-dien-o-trung-quoc-gap-kho-721873.html