Vì sao chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Iran bị ám sát?

Vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh có động cơ không phải là ngăn Iran chế tạo bom mà có thể để nhằm ngăn 'cành ôliu' mà chính quyền Biden sẽ dành cho Tehran.

Vụ ám sát ông Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, diễn ra trong bối cảnh Iran đang làm giàu uranium trở lại, nhưng chưa tới mức có thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Iran làm vậy do chính quyền Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà chính quyền Obama đạt được hồi 2015.

Iran đã nhiều lần cho biết sẽ tuân thủ trở lại với thỏa thuận hạt nhân nếu chính quyền Biden cũng quay trở lại, và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt hà khắc của chính quyền Trump.

 Người biểu tình giơ ảnh ông Mohsen Fakhrizadeh khi đang tuần hành phản đối vụ ám sát. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình giơ ảnh ông Mohsen Fakhrizadeh khi đang tuần hành phản đối vụ ám sát. Ảnh: Reuters.

Vì sao ông Fakhrizadeh bị ám sát lúc này?

Bằng việc ám sát ông Fakhrizadeh, “Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel, với sự hỗ trợ của Tổng thống Trump, dường như có ý định dùng biện pháp mạnh khiến việc thương lượng ngoại giao giữa Mỹ và Iran trở nên khó khăn hơn dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden”, Barbara Slavin, người điều hành Sáng kiến Tương lai Iran ở Atlantic Council, bình luận.

Israel chưa nhận trách nhiệm vụ ám sát, nhưng nhiều dấu hiệu đang dẫn đến kết luận rằng tình báo Israel là thủ phạm. Trong khi đó, chính quyền Trump vẫn chưa lên án vụ ám sát.

“Israel và chính quyền Trump rõ ràng lo ngại rằng chính quyền Biden sẽ sớm quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, như vậy có thể hồi sinh kinh tế Iran và khiến ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông khó kiềm chế hơn. Ám sát ông Fakhrizadeh làm điều này trở nên khó hơn”, bà Slavin viết trong một bài bình luận đăng trên New York Times.

Vụ ám sát này có thể không kích động để Iran dồn toàn lực xây dựng vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ châm ngòi cho sự thù hằn giữa Mỹ và Iran, khiến giải pháp ngoại giao trở nên khó hơn.

Vụ ám sát cũng có thể khiến phe cứng rắn ở Iran mạnh hơn, khiến việc quay lại đàm phán trở nên phức tạp, nhất là khi các phe cánh đang tranh giành ảnh hưởng trước bầu cử tổng thống được lên lịch vào tháng 6/2021.

Phản ứng của Iran

Giới lãnh đạo Iran đã phản ứng giận dữ, nhưng cẩn trọng, sau vụ ám sát. Tổng thống Hassan Rouhani đổ lỗi cho Israel, và nói Iran sẽ phản ứng theo cách và vào thời điểm mà nước này lựa chọn.

Iran có thể sẽ trả đũa Israel theo cách khác, như tăng hỗ trợ cho Hamas, tiếp tục tuyên truyền chống Israel, và nhắm đến các mục tiêu mềm của Israel như du khách và sinh viên.

Khi căng thẳng bị đẩy lên cao như vậy, chính quyền mới của ông Biden sẽ đối mặt thách thức nghiêm trọng. Ông Biden đã hứa trở lại đàm phán với Iran khi lên nắm quyền, nhưng hiện tại ông không làm được gì hơn là gửi thông điệp tới Iran hãy kiên nhẫn, và tới Israel là hãy dừng chiến dịch phá hoại, bà Slavin bình luận.

Trong khi đó, các nước châu Âu có quan hệ ngoại giao với Iran và vẫn tham gia thỏa thuận hạt nhân có thể làm cầu nối, cho tới khi ông Biden nhậm chức. Các nước châu Âu có thể nhanh chóng thành lập ủy ban giám sát thực thi thỏa thuận hạt nhân. Các ngoại trưởng nên hành động ngay và ra tuyên bố chung lên án vụ ám sát.

Người phát ngôn cho lãnh đạo EU về chính sách đối ngoại, an ninh đã mô tả vụ ám sát là “hành động phạm tội hình sự”.

Chương trình hạt nhân của Iran được coi là phát triển khá chậm. Bắt đầu từ những năm 1950, nhưng sau hơn 60 năm, Iran chưa phát triển được vũ khí hạt nhân, trong khi Israel, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên lại phát triển được.

“Sẽ là bi kịch lớn nhất nếu vụ ám sát của Israel giờ đây sẽ khiến Iran thay đổi tính toán của mình và theo đuổi vũ khí hạt nhân. Như vậy có thể châm ngòi cho chạy đua vũ trang trong khu vực, và khiến Trung Đông lún sâu vào hỗn loạn, mâu thuẫn sắc tộc”, bà Slavin bình luận.

Trọng Thuấn

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-chuyen-gia-hat-nhan-hang-dau-cua-iran-bi-am-sat-post1158455.html