Vì sao Cienco 4 chậm khắc phục hư hỏng quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh?
Dù tỉnh Hà Tĩnh và cơ quan quản lý đường bộ đã nhiều lần có văn bản đề nghị xử lý triệt để các hư hỏng, xuống cấp trên tuyến quốc lộ 1 nhưng theo đánh giá của Khu Quản lý đường bộ II, Cienco 4 vẫn chưa thực sự quan tâm công tác khắc phục.
Video: Hiện trạng mặt đường QL 1 qua Hà Tĩnh.
Tình trạng nền, mặt đường tuyến quốc lộ 1 (QL1) đoạn Nam cầu Bến Thủy tới Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh bị hư hỏng, xuống cấp đã kéo dài trong nhiều năm qua. Dù nhà đầu tư – Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (Tập đoàn Cienco4) và Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh – đơn vị chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng tuyến đường đã có động thái khắc phục, song, trên thực tế, việc sửa chữa so với mức độ hư hỏng thực tế trên tuyến còn nhỏ lẻ, manh mún và thậm chí “mang tính đối phó”.
Chính từ việc các hư hỏng không được khắc phục, xử lý triệt để nên nền, mặt đường tuyến QL 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy tới Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT). Điều này khiến tài xế điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ rất bất bình, bởi họ phải đóng phí với mức từ 39.000 – 177.000 đồng/lượt khi lưu thông qua Trạm thu phí Bến Thủy do Chi nhánh BOT tuyến tránh thành phố Vinh thuộc Tập đoàn Cienco 4 quản lý và khai thác.
“Người dân phải đóng phí khi lưu thông trên QL 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy tới Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh thì đáng ra tuyến đường phải êm thuận, đảm bảo ATGT nhưng ngược lại, đường đang hư hỏng, xuống cấp. Người dân địa phương đề nghị cơ quan quản lý đường bộ cần có biện pháp cứng rắn như tạm dừng thu phí khi Cienco 4 nếu không khắc phục hư hỏng”, ông Phạm Thanh Linh, Phó phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Thạch Hà phản ánh.
Theo thống kê của Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 (Khu Quản lý đường bộ II – Cục Đường bộ Việt Nam), hiện nay, khối lượng hư hỏng nặng, xuống cấp trên tuyến QL 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy tới Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh vào khoảng 3.000 – 4.000 m2 với tình trạng mặt đường bị bong tróc, nứt lưới, nứt rạn mai rùa, trồi lún, hằn lún vệt bánh xe; vạch sơn bị mờ là 22.000 m2, cùng với đó mặt đường một số cầu cũ (cầu Bến Thủy 1, cầu Già, cầu Nghèn...) hư hỏng khe co giãn, bong tróc dầm cầu, mặt cầu bị hư hỏng.
Ông Cao Xuân Cường - Giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh cho hay: Thời gian qua, Cienco 4 và đơn vị đã triển khai công tác duy tu, bảo dưỡng tuyến QL 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy tới Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh. Tuy nhiên, xuất phát từ một số khó khăn nên việc triển khai việc khắc phục giai đoạn vừa qua có sự chậm trễ.
Theo ông Cường, trên tuyến QL 1 đang triển khai một số dự án khắc phục các hư hỏng như dự án trung tu đường năm 2018, trung tu cầu năm 2019, xử lý điểm đen TNGT và khắc phục hậu quả bão lũ bước 2 năm 2020. Tới trước 30/8, đơn vị hoàn tất các dự án và khi đó, sẽ khắc phục được khoảng 60 – 70% hư hỏng mặt đường tuyến QL 1 qua Hà Tĩnh.
Với 30% khối lượng còn lại, đây là các hư hỏng, xuống cấp nặng, phải chờ dự án trung tu đường năm 2022. Nguồn kinh phí cho dự án này là 61,5 tỷ đồng. Thời điểm này, đơn vị tư vấn đã khảo sát hiện trạng, lập phương án xử lý rồi trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh cũng cho hay, việc thu phí BOT trong những năm qua của đơn vị bị giảm sút khiến cho phương án tài chính triển khai các công việc, trong đó, có việc duy tu, sửa chữa tuyến QL 1 qua Hà Tĩnh bị ảnh hưởng.
Cụ thể, theo lộ trình, đến nay mức phí sử dụng đường bộ qua Trạm thu phí Bến Thủy được tăng 3 lần. Thế nhưng, trên thực tế chưa được tăng lần nào, dù Tập đoàn Cienco 4 đã nhiều lần có đề xuất. Cùng đó, đơn vị cũng có chính sách miễn thu phí cho chủ phương tiện 4 địa phương là TP Vinh, huyện Hưng Nguyên của Nghệ An và huyện Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh của Hà Tĩnh.
“Lưu lượng xe qua trạm thu phí mỗi ngày xấp xỉ 20.000 lượt, nhưng trong đó 10.000 lượt (chiếm 50%) là thu phí 0 đồng. Nguồn thu giảm khiến dòng tiền từ dự án không đủ cho ngân hàng thu hồi vốn, dẫn tới quyết định bổ sung nguồn vốn đầu tư các hạng mục bị chậm trễ” - ông Cao Xuân Cường phân trần.
Ngoài ra, sau khi một số dự án cầu, đường mới hoàn thành như cầu Yên Xuân, cầu Cửa Hội nên phương tiện lựa chọn để di chuyển, thay vì qua trạm thu phí.
Giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh nhìn nhận, lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí Bến Thủy những năm tới sẽ còn giảm, nhất là khi dự án cao tốc Bắc – Nam hoàn thành, đưa vào sử dụng. Vậy nên, thực trạng về tài chính dự án càng khó khăn.
Dù gặp khó trong tài chính nhưng theo ông Cao Xuân Cường, nhà đầu tư cũng sẽ cố gắng trong việc khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp tuyến QL1 qua Hà Tĩnh để đảm bảo ATGT. Thời điểm này, đơn vị đang cho cào gọt các vị trí mặt đường bị trồi lún, hằn lún vệt bánh xe.
Chia sẻ với những khó khăn mà nhà đầu tư về vấn đề thu phí BOT nhưng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II Trần Quang Thanh nói rằng, tình trạng hư hỏng, xuống cấp tuyến QL1 qua Hà Tĩnh đã diễn ra trong thời gian dài nhưng công tác khắc phục, xử lý còn chậm trễ. UBND tỉnh Hà Tĩnh, Ban ATGT tỉnh đã có nhiều văn bản gửi Cienco 4, cơ quan quản lý đường bộ và Bộ GTVT yêu cầu sớm khắc phục triệt để các hư hỏng nhưng thực tế, Cienco 4 chưa thực sự quan tâm tới công tác duy tu, bảo dưỡng tuyến đường.
Theo ông Trần Quang Thanh, cùng tuyến QL 1 ở Hà Tĩnh mà đoạn tuyến Nhà nước quản lý thì đẹp, trong khi đoạn tuyến thu phí BOT lại xấu là điều vô lý. Việc cào gọt đoạn tuyến bị hằn lún có thể đảm bảo ATGT nhưng đây là giải pháp tạm thời và khiến cho mặt bê tông nhựa ngày càng mỏng đi, tình trạng trồi lún, hằn vệt bánh xe sẽ tái diễn nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh thời tiết nắng nóng, lưu lượng xe qua lại nhiều.
Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II yêu cầu Tập đoàn Cienco 4 và Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh phải hoàn thành các dự án khắc phục hư hỏng trên tuyến QL 1 qua Hà Tĩnh trước 30/8; tiếp tục đẩy nhanh hoàn thành phương án trung tu năm 2022 trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Trong thời gian chờ dự án trung tu năm 2022, Cienco 4 và Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh, cần xử lý các bất cập, đảm bảo ATGT trên tuyến QL 1 qua Hà Tĩnh. Việc xử lý này phải cụ thể về khối lượng khắc phục, sửa chữa, chứ không chỉ nói chung chung và phải hoàn thành trước 15/9.
“Sau mốc thời gian 30/8 và 15/9, đơn vị sẽ hậu kiểm xem xét việc khắc phục ra sao. Nếu nhà đầu tư tiếp tục không có động thái sửa chữa, đơn vị sẽ có báo cáo với Cục Quản lý đường bộ (Bộ GTVT) để đưa ra giải pháp phù hợp, trong đó có việc dừng thu phí” - Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II Trần Quang Thanh khẳng định.