Vì sao clip 'cơn sốt da vàng' của du học sinh Việt bị lên án?
'Cơn sốt da vàng' hay 'yellow fever' là cụm từ chỉ niềm yêu thích kỳ quặc của đàn ông phương Tây đối với phụ nữ châu Á, xuất phát từ các định kiến, khuôn mẫu độc hại.
"Nhan sắc của bạn chỉ 6 điểm ở Việt Nam nhưng sang châu Âu bạn thành 9 điểm vì mấy anh Tây yellow fever", tài khoản TikTok tên Miha Chan có gần 800.000 người theo dõi đăng clip cùng dòng chú thích.
Miha (sinh năm 2000) là du học sinh Việt Nam tại Hà Lan, thường xuyên chia sẻ video về cuộc sống cá nhân lên mạng xã hội.
Clip "yellow fever" (tạm dịch: cơn sốt da vàng) của cô nhanh chóng nhận gần 2 triệu lượt xem. Ban đầu, các bình luận chủ yếu xoay quanh ngoại hình của nữ du học sinh và tò mò về ý nghĩa của "yellow fever". Nhưng vài ngày sau, clip này trở thành tâm điểm tranh luận khi nhiều TikToker khác lên tiếng chỉ trích Miha về việc sử dụng cụm từ "yellow fever".
"Đó không phải là điều đáng để tự hào. Yellow fever không giúp bạn đẹp hơn người thuộc chủng tộc khác. Nó nói về việc người ta gán ghép phụ nữ châu Á vào những khuôn mẫu như sự phục tùng... Nó là cách khác để chỉ sự đối xử như một món đồ vậy", TikToker Nguyễn Thị Thúy Hằng nói trong một video.
Trước những tranh cãi, Miha cho biết cô làm clip để mỉa mai, chứ không phải thể hiện sự tự hào, khoe khoang. Cuộc tranh luận không vì thế mà dừng lại khi một số người cho rằng các cụm từ như "yellow fever" có lịch sử phức tạp và quá nguy hiểm để trở thành chất liệu cho những trò đùa vui trên mạng xã hội.
Khuôn mẫu có hại
Những cụm từ như "Asian fetish" hay "yellow fever" đề cập đến việc đàn ông da trắng phát cuồng với phụ nữ châu Á (chủ yếu là Đông Á và Đông Nam Á). Nhưng sở thích kỳ lạ này không chỉ liên quan đến việc yêu thích một đặc điểm ngoại hình nhất định như màu mắt, màu tóc, làn da.
Nhìn sâu vào lịch sử, cơn sốt da vàng được phát triển từ cấu trúc kỳ thị phụ nữ, phân biệt chủng tộc và hạ thấp nhân phẩm của phụ nữ châu Á.
Quan niệm coi phụ nữ châu Á là thấp kém và là đối tượng phục tùng của đàn ông da trắng đã có từ những năm 1800, khi những người đàn ông thời Victoria đầu tiên đến Nhật Bản và bị mê hoặc bởi các geisha, theo Huffpost.
Những phụ nữ Trung Quốc di cư đến Mỹ trong những năm 1800 bị coi là gái mại dâm vô đạo đức và phóng khoáng. Một đạo luật được ban hành đã từ chối nhập cảnh phụ nữ từ quốc gia phương Đông vì "mục đích khiêu dâm và vô đạo đức".
Những cuộc chiến tranh cũng đầy rẫy sự áp bức đối với phụ nữ châu Á. Nữ giới bị các nhà thổ mua bán để đáp ứng nhu cầu của binh lính.
Văn học và phim ảnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các định kiến, khuôn mẫu có hại về phụ nữ châu Á.
Tiểu thuyết Madame Chysanthème xuất bản năm 1887 đã củng cố hình ảnh phụ nữ châu Á như những biểu tượng nô lệ tình dục, đầy phục tùng. Sau đó, tiểu thuyết này được chuyển thể thành vở opera Madame Butterfly, tiếp tục gây tranh cãi trong các tác phẩm chuyển thể hiện đại.
Phụ nữ châu Á vào những năm 1930 được miêu tả là những người quyến rũ kỳ lạ, biến tình dục thành thứ vũ khí gây hại cho những người đàn ông xung quanh họ. Hình tượng "dragon lady" vẫn tiếp tục được duy trì trong truyền hình hiện đại.
Ví dụ, nhân vật Ling Woo do Lucy Liu thủ vai trong bộ phim truyền hình Ally McBeal đã khắc họa phụ nữ châu Á cực kỳ tàn độc và phóng đãng, không có cảm xúc. Nhân vật Philippa Georgiou do Michelle Yeoh thủ vai trong Star Trek Discovery được mô tả là phản diện phóng túng và gian xảo.
Nhìn chung, lịch sử và phim ảnh đã tạo nên nhận thức sai lầm rằng phụ nữ châu Á là những đối tượng tình dục tồn tại để phục vụ đàn ông da trắng.
Làm méo mó nhận thức
Nancy Wang Yuen, phó giáo sư xã hội học và là tác giả của Reel Inequality: Hollywood Actors and Racism (tạm dịch: Bất bình đẳng: Diễn viên Hollywood và phân biệt chủng tộc), cho biết: "Nghiên cứu cho thấy nếu mọi người không tiếp xúc với một nhóm cụ thể nào đó, họ sẽ lấy ý tưởng của mình về nhóm đó từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì phần lớn người da trắng chỉ có bạn da trắng, ý tưởng của họ về người Mỹ gốc Á có thể bị bóp méo bởi những gì mình nhìn thấy".
Những trò đùa công khai kỳ thị người nước ngoài và miêu tả phân biệt chủng tộc có hại, làm méo mó nhận thức của công chúng bằng cách tước đi vô số bản sắc văn hóa đang phát triển mạnh mẽ trong các cộng đồng người châu Á.
Yuen cho biết: "Việc coi tất cả phụ nữ châu Á là đối tượng tình dục có thể dẫn đến sự kỳ thị phụ nữ và thậm chí là bạo lực".
Theo Mạng lưới quốc gia chấm dứt bạo lực gia đình của Mỹ (NNEDV), "chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính hàng ngày đối với phụ nữ châu Á dẫn đến hậu quả chết người, với 41-61% phụ nữ châu Á báo cáo rằng họ từng bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục bởi bạn tình trong suốt cuộc đời. Con số này cao hơn đáng kể so với bất kỳ nhóm chủng tộc nào khác".
Cuối cùng, những khái niệm này có khả năng biến cộng đồng người châu Á nói chung thành một khối, với giả định rằng tất cả các bản sắc châu Á đều có thể thay thế cho nhau. Điều quan trọng cần lưu ý là Hollywood cũng tập trung nhiều vào người Đông Á, Đông Nam Á và thường loại trừ các cộng đồng khác như Nam Á.
Johnnie Yu, sinh viên chuyên ngành Lịch sử và Điện ảnh kiêm đồng chủ tịch Hội sinh viên Trung Quốc của Đại học New York, cho biết: "Có lẽ một trong những vấn đề lớn nhất là việc tạo ra bản sắc thống nhất bao quanh người châu Á nói chung, sau đó là bao quanh các nền văn hóa phụ riêng lẻ. Vấn đề là những người không phù hợp với hình ảnh này sẽ bị thiệt thòi".
Trong những năm gần đây, đã có sự thay đổi lớn trong cách kể chuyện của người Mỹ gốc Á trên phim ảnh và truyền hình, đặc biệt khi nói đến các nhân vật nữ. Phụ nữ châu Á hiện là nhân vật chính, không phải nhân vật phụ. Các bộ phim như Crazy Rich Asians (2018), Always Be My Maybe (2019), To All The Boys I've Loved Before (2018) và Never Have I Ever (2020) tiết lộ những góc nhìn mới mẻ và chứng tỏ là có thể thành công mà không củng cố những khuôn mẫu độc hại.
Yuen nói với Teen Vogue: "Những hình ảnh đầu tiên về người châu Á do các diễn viên da trắng hóa trang thành người da vàng thủ vai theo những cách phản diện, kỳ lạ và hạ thấp nhân phẩm. Khi người Mỹ gốc Á bắt đầu đóng vai chính mình, họ bị ràng buộc với những khuôn mẫu tương tự và phải thoát khỏi hệ thống Hollywood để tạo ra các dự án riêng và kể câu chuyện của riêng họ".
Yuen chia sẻ thêm rằng chúng ta đang thấy nhiều sự thể hiện tinh tế, thực tế và phức tạp hơn.
"Chúng ta đang thấy nhiều câu chuyện nhân bản hóa sự đa dạng trong trải nghiệm của người Mỹ gốc Á. Chúng ta chắc chắn đang thấy ít mô tả khuôn mẫu hơn, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước", nữ tác giả nói.