Vì sao có hầm chui hơn 800 tỷ, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vẫn ùn tắc?

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TP.HCM) vẫn ùn ứ, kẹt xe sau khi đưa hai hầm chui vào hoạt động do chưa đạt mục tiêu giảm thiểu ùn tắc như đã đề ra.

Ùn tắc kéo dài

Hầm chui tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được đầu tư hơn 800 tỷ đồng với kỳ vọng giảm tải kẹt xe cho trục đường huyết mạch ở khu Nam thành phố.

Từ tháng 10/2024, nhánh hầm chui HC2 (hướng từ quận 7 đi huyện Bình Chánh) đã thông và từ cuối tháng 12/2024, nhánh hầm HC1 (hướng từ huyện Bình Chánh đi quận 7) cũng hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực vẫn diễn biến phức tạp, không chuyển biến so với trước.

Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vẫn ùn ứ giao thông, dù hai hầm chui được đưa vào hoạt động. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vẫn ùn ứ giao thông, dù hai hầm chui được đưa vào hoạt động. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng kẹt xe tại nút giao này xảy ra thường xuyên nhiều ngày trong tuần, nhất là giờ cao điểm sáng và tối. Dòng xe nối dài hàng km.

Nghiêm trọng nhất là trục đường Nguyễn Hữu Thọ (cả hướng từ nút giao đi quận 1 và huyện Nhà Bè) và đường Nguyễn Văn Linh (hướng từ huyện Bình Chánh sang quận 7), xe san sát nối đuôi nhau.

Mỗi nhịp đèn xanh, số xe thoát ra khỏi nút giao hạn chế, trong khi phương tiện dồn đến mỗi lúc một nhiều. Phải nhích từng chút một trong bầu không khí ngột ngạt, nhiều người dân mệt mỏi.

Dù trên đường đông, xe cộ ùn ứ kéo dài, rất ít xe đi dưới hầm chui. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Dù trên đường đông, xe cộ ùn ứ kéo dài, rất ít xe đi dưới hầm chui. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Đáng nói, dù phải xếp hàng dài cả cây số vì kẹt xe trên đường, nhiều tài xế lại thờ ơ với hầm chui vừa được thông xe. Nhiều thời điểm, hầm chui rộng rãi, khang trang với 3 làn đường trống trơn, không có xe di chuyển, trong khi phía trên xe tải, xe container xếp hàng dài chờ qua giao lộ.

Anh Đỗ Hoàng Sa (ngụ xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè) cho biết, khi thi công hầm chui, tình trạng kẹt xe tại giao lộ xảy ra mỗi ngày. Người dân mong có hầm chui để tình trạng này chấm dứt. Tuy nhiên, lúc hầm chui hoạt động, kẹt xe còn nặng hơn trước đó.

"Sau Tết đi làm, tôi thấy kẹt xe còn hơn trước đây. Ngày nào tôi cũng phải chờ 30 - 40 phút để đi được từ Nhà Bè sang quận 7, dù chỉ có vài km. Mỗi pha đèn xanh, chỉ một số ít xe chạy qua được, rồi lại đứng chờ đằng đẵng. Xe cộ chen chúc nhau, khói bụi, nắng nóng, mệt mỏi lắm", anh Hoàng nói.

Người dân khó khăn di chuyển qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Người dân khó khăn di chuyển qua nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Giải pháp nào?

Theo anh Tú Nam, người dân sống tại khu vực nút giao, hầm chui được đưa vào sử dụng nhưng rất ít xe đi thẳng, chứng tỏ công tác phân luồng có vấn đề. Phần đường để xe rẽ phải từ đường Nguyễn Hữu Thọ ra Nguyễn Văn Linh (hướng từ huyện Nhà Bè đi quận 7) rất nhỏ, chỉ cần một ô tô rẽ là ách tắc dòng xe phía sau. Cuối cùng, tín hiệu đèn giao thông chưa phù hợp, nên phân tách pha đèn cho xe đi thẳng, rẽ phải, rẽ trái riêng biệt để tránh tình trạng xe lớn qua đường là chặn đứng dòng xe đi thẳng…

Ngoài những phương tiện có lộ trình rẽ trái, phải hoặc chưa biết hầm chui đã thông xe nên không di chuyển xuống hầm chui, một số tài xế cho rằng, họ lựa chọn đi trên đường để đảm bảo an toàn, dù phải kẹt xe, chờ đợi khá lâu.

"Tôi lái xe container, tải trọng nặng nên khi di chuyển dưới hầm chui không an toàn như trên đường. Hầm chui có thiết kế dốc, dù có giảm tốc độ cũng khó xử lý khi có sự cố hơn đường bằng nên ít khi di chuyển xuống hầm", một tài xế chia sẻ.

Dòng xe từ trạm thu phí rẽ sang làn đường bên trên thay vì xuống hầm chui. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Dòng xe từ trạm thu phí rẽ sang làn đường bên trên thay vì xuống hầm chui. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vẫn ùn ứ, kẹt xe sau khi đưa hai hầm chui vào hoạt động do chưa đạt được mục tiêu giảm thiểu ùn tắc như đề ra trước đó.

Việc ùn tắc có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, ví dụ tài xế chưa quen tuyến đường mới, điều khiển chu kỳ đèn trước và sau khi có hầm chui chưa phù hợp hoặc điều tiết giao thông đi thẳng, rẽ trái, phải chưa hợp lý...

Bên cạnh đó, sau cơn mưa, hầm chui bị ngập nước khá nặng. Đây là vấn đề kỹ thuật mà đơn vị thi công phải giải quyết triệt để, tuyệt đối không được để ngập nước, dẫn tới ùn ứ hoặc mất an toàn.

Ông Bình cũng cho rằng, vị trí rẽ phải từ đường Nguyễn Văn Linh vào đường Nguyễn Hữu Thọ khá hẹp, gây khó khăn cho xe container, xe tải lớn. Khu vực này đang có dải phân cách lớn, cơ quan chức năng có thể xem xét thu gọn, tạo góc cua rộng hơn, sẽ tác động tích cực đến giao thông ở nút giao.

Theo ông Bình, giải pháp căn cơ hiện nay là khảo sát phương tiện ở tất cả hướng qua nút giao, đưa vào phần mềm mô phỏng để tính chu kỳ đèn cho hợp lý rồi áp dụng. Điều này sẽ giúp phân luồng phương tiện một cách khoa học, chính xác, ít tạo ra sự xáo trộn…

"Có thể một số tài xế chưa nắm được hướng đi nên vẫn di chuyển trên hầm. Đơn vị quản lý giao thông cần thông tin cụ thể những hướng đi để tài xế biết. Việc lái xe e ngại độ dốc của hầm chui, khiến xe tải trọng lớn di chuyển khó khăn sẽ là vấn đề kỹ thuật khá khó khăn và thách thức", ông Bình nêu quan điểm.

Nhiều góc rẽ ở nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ khá hẹp, gây khó khăn, cản trở khi xe lớn chuyển hướng. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Nhiều góc rẽ ở nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ khá hẹp, gây khó khăn, cản trở khi xe lớn chuyển hướng. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Sở Giao thông Công chánh TP.HCM cho biết, đơn vị này đã nắm được tình hình giao thông tại khu vực nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đang cùng các bên liên quan nghiên cứu, đưa ra giải pháp xử lý.

Theo đánh giá, hiện nay, lượng phương tiện từ huyện Bình Chánh về KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có hai lộ trình: Một là rẽ phải vào đường Lê Văn Lương, đi qua cầu Rạch Đĩa; hai là đi thẳng lại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ rồi rẽ phải vào đường Nguyễn Hữu Thọ.

Tuy nhiên, hầu hết phương tiện đều chọn lộ trình thứ hai, khiến lưu lượng lớn xe đi thẳng và xe rẽ phải cùng nằm trên trục đường Nguyễn Văn Linh. Xe đi thẳng di chuyển sẽ chắn lối rẽ của xe rẽ phải. Ngược lại, khi xe rẽ phải, các xe đi thẳng sẽ bị dồn lại, dẫn đến ùn ứ.

Về giải pháp, Sở Giao thông Công chánh TP.HCM đang nghiên cứu hạn chế xe tải nặng, xe container lưu thông vào khu vực nút giao để rẽ trái đi về các hướng theo giờ (giờ cao điểm hoặc khung thời gian trong ngày). Bởi lẽ, các xe này nếu đi thẳng, sẽ không gây cản trở giao thông; còn khi rẽ trái sẽ chắn dòng xe, khiến giao lộ ùn tắc.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Công chánh TP.HCM cũng thiết kế những bảng hướng dẫn lưu thông vào hầm chui để giao cho bên liên quan phối hợp hướng dẫn, phân luồng dòng xe.

Trục đường Nguyễn Hữu Thọ ken đặc cả hướng về Nhà Bè lẫn quận 4. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Trục đường Nguyễn Hữu Thọ ken đặc cả hướng về Nhà Bè lẫn quận 4. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

HĐND TP.HCM vừa thông qua chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng 4 tuyến đường BOT cửa ngõ TP.HCM, trong đó có trục Bắc - Nam TP (trục đường Nguyễn Hữu Thọ), điểm đầu tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, điểm cuối tại cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự án sẽ xây dựng đường trên cao, đường song hành dài 8,6km với quy mô 10 làn xe, mặt cắt ngang rộng 60m, đi qua địa phận quận 7 và huyện Nhà Bè.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.894 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý I/2026 và hoàn thành, khai thác trong năm 2028.

Khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến đường huyết mạch, giúp phương tiện lưu thông nhanh, ít gián đoạn và kết nối khu trung tâm hiện hữu với khu đô thị mới Nam Sài Gòn, khu đô thị - cảng Hiệp Phước, hình thành trục giao thông hướng tâm kết nối tuyến đường Vành đai 2 với cao tốc Bến Lức - Long Thành (Vành đai 3) và sau này là Vành đai 4; đáp ứng nhu cầu giao thông liên vùng khu vực cửa ngõ phía Nam TP với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-co-ham-chui-hon-800-ty-nut-giao-nguyen-van-linh-nguyen-huu-tho-van-un-tac-192250222121029839.htm