Vì sao có năm ĐH Thương mại diện tích thư viện tăng, giảm diện tích phòng học?
Đại diện Trường Đại học Thương mại đã chia sẻ nguyên do về việc nhà trường tăng diện tích thư viện và giảm diện tích phòng học.
Theo Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 08/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Thương mại giai đoạn 2014-2017 và căn cứ vào tình hình thực tế, Trường Đại học Thương mại xây dựng mức thu học phí đại học chính quy chương trình đại trà tuyển sinh năm học 2016-2017 là: 13 triệu đồng/năm học. Các Khóa tuyển sinh trước năm học 2016-2017 mức học phí tăng 30% so với mức học phí năm học 2015-2016. [1]
Năm học 2017 - 2018, học phí đối với hệ đại học chính quy của nhà trường là 14,3 triệu đồng/năm học; mức tăng học phí từng năm không quá 10% so với năm học trước liền kề.
Năm học 2018 – 2019, học phí với hệ đào tạo đại học chính quy là 15 triệu đồng/năm học.
Học phí đào tạo thay đổi ra sao?
Theo thống kê từ báo cáo của nhà trường, kể từ năm học 2019-2020, mức học phí đối với sinh viên đại học hệ chính quy có sự tăng nhẹ. Đối với sinh viên hệ đại học chính quy, học phí tăng từ 15 triệu đồng/năm học lên 15,750 triệu đồng/năm học (tương đương 60 lên 63 triệu đồng/cả khóa học);
Với hệ đào tạo Thạc sỹ từ 22,5 triệu đồng lên 23,625 triệu đồng/năm học (từ 45 lên 47,250 triệu đồng/cả khóa học); hệ đào tạo Tiến sĩ từ 37,5 triệu đồng lên 39,375 triệu đồng (từ 150 triệu đồng lên 157,5 triệu đồng/cả khóa học);
Hệ đào tạo đại học vừa học vừa làm từ 14,9 triệu đồng lên 15,64 triệu đồng (từ 59,6 triệu đồng lên 62,580 triệu đồng/cả khóa học); hệ liên thông cao đẳng lên đại học có mức phí từ 18 triệu đồng lên 18,9 triệu đồng (từ 36 triệu đồng lên 37,8 triệu đồng) và hệ liên thông trung cấp lên đại học có mức phí từ 18 triệu đồng lên 18,9 triệu đồng (từ 54 triệu đồng lên 56,7 triệu đồng).
Đến năm học 2020-2021, nhà trường mở thêm đào tạo hệ đại học chính quy chất lượng cao với mức phí 30 triệu đồng/năm học và đại học chính quy đào tạo theo cơ chế đặc thù với học phí 18,9 triệu đồng.
Năm học này, trường Đại học Thương mại không tổ chức đào đào liên thông trung cấp lên đại học, và mở thêm hệ đào tạo đại học văn bằng 2 với mức học phí 15,645 triệu đồng (học phí của cả khóa học dự kiến là 31,290 triệu đồng)
Năm học 2021-2022, nhà trường tiếp tục tăng học phí với một số hệ đào tạo.
Cụ thể, với hệ đào tạo đại học chính quy, các sinh viên K56 trở về trước vẫn giữ nguyên mức học phí 15,575 triệu đồng/năm học, còn với sinh viên K57 (trúng tuyển vào trường năm học 2021-2022) đóng mức phí là 17 triệu đồng/năm học (68 triệu đồng/khóa học, tăng 5 triệu đồng).
Tương tự, với hệ đại học đào tạo chương trình đặc thù K56 vẫn giữ nguyên mức học phí (18,9 triệu đồng/năm học) và với sinh viên K57 của hệ đào tạo này có mức phí là 20 triệu đồng/năm học (80 triệu đồng/khóa học).
Tới năm học 2022-2023, trường Đại học Thương mại tiếp tục có sự điều chỉnh với nhiều hệ đào tạo.
Trong đó, hệ đào tạo đại học chính quy được chia ra làm 2 nhóm, nhóm I có mức học phí là 25 triệu đồng/năm học (100 triệu đồng/khóa học), nhóm II có mức phí là 23 triệu đồng/năm học (92 triệu đồng/khóa học).
Với hệ đại học vừa học vừa làm tăng từ 15,645 triệu đồng lên 17,209 triệu đồng/năm học (tức 68,838 triệu đồng/khóa học).
Như vậy, với hệ đào tạo đại học chính quy, mức học phí chỉ tính riêng trong 2 năm học (2021-2022 và 2022-2023) đã tăng từ 17 triệu đồng lên 23-25 triệu đồng (tăng 35-47%). Trong khi đó tại năm học này, Nghị định 81 của Chính phủ quy định các đơn vị, nhà trường không tăng học phí. Vậy, trường Đại học Thương mại dựa trên quy định nào để tăng học phí cao "ngất ngưởng" như vậy?
Nếu như từ năm học 2016-2017 đến năm học 2021-2022, trường Đại học Thương mại chỉ tăng trên 10% học phí với hệ đại học chính quy so với năm trước đó. Tuy nhiên, năm học 2022-2023, nhà trường tăng tối đa đến 47% mức học phí hệ đại học chính quy so với năm học 2021-2022 (từ 17 triệu đồng lên 25 triệu đồng).
Trong khi đó, tại Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 08/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Thương mại giai đoạn 2014-2017, mức học phí bình quân tối đa với chương trình đại trà, trình độ đại học chính quy.của nhà trường được thu năm học 2017-2018 tăng so với năm học trước là từ 15 lên 17,5 triệu đồng/năm học, tăng hơn 16% học phí.
Về nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính của nhà trường cho hay, ngoài chương trình đào tạo chính quy đại trà với mức học phí cố định, nhà trường còn xây dựng nhiều chương trình đào tạo mới như chương trình đào tạo tiên tiến, chương trình đào tạo chất lượng cao.
Bởi vậy, việc đào tạo, quy chế học phí của các chương trình cũng có sự khác biệt.
"Trong Đề án tuyển sinh của nhà trường có nêu rõ về mức học phí trong khoảng mức bao nhiêu với từng chương trình đào tạo", đại diện Phòng Kế hoạch Tài chính chia sẻ.
Năm học 2022-2023, nhà trường có tăng học phí (lên 25 triệu đồng/sinh viên/năm học đối với một số ngành chất lượng cao) và đã trả lại sinh viên bằng cách thanh toán cho sinh viên vào kỳ sau. Còn với khóa tuyển sinh năm học trước, nhà trường chỉ tăng 5% so với Đề án tuyển sinh trước đây
Đối với năm học 2023-2024, nhà trường thu theo Đề án tuyển sinh (tăng trong biên độ 0-10% học phí).
"Đơn vị tạm thu và khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi đó nhà trường sẽ có giải pháp để trả lại cho sinh viên", vị này cho hay.
Tăng diện tích thư viện, giảm diện tích phòng học?
Theo báo cáo của nhà trường, tổng diện tích đất Trường Đại học Thương mại quản lý là 40.038 mét vuông tại trụ sở chính ở Hà Nội và 40.367 mét vuông ở phân hiệu Hà Nam.
Về diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo nghiên cứu, kể từ năm học 2020-2021, nhà trường đã tăng diện tích này, từ 62.221 mét vuông lên 67.380 mét vuông (gồm trụ sở chính ở Hà Nội: 38.890 mét vuông và phân hiệu ở Hà Nam: 28.482 mét vuông).
Theo đó, nhà trường đã mở rộng diện tích thư viện từ 2.749 mét vuông lên 9.399 mét vuông; hội trường từ 1.898 mét vuông được mở rộng diện tích lên 2.000 mét vuông. Tuy nhiên, diện tích phòng học bị giảm từ 28.377 mét vuông còn 23.104 mét vuông.
Đến năm học 2021-2022, nhà trường tiếp tục đầu tư tăng diện tích sàn phục vụ đào tạo nghiên cứu từ 67.380 mét vuông lên 74.412 mét vuông (tăng 7.032 mét vuông). Và việc tăng diện tích sàn được thực hiện tại trụ sở chính ở Hà Nội (từ 38.890 mét vuông lên 45.570 mét vuông, tăng 6.680 mét vuông?).
Năm học 2022-2023, nhà trường không đầu tư diện tích phục vụ đào tạo nghiên cứu. Tuy nhiên, diện tích phòng thư viện bị giảm so với năm học trước, từ 9.399 mét vuông xuống còn 7.800 mét vuông (giảm 1.599 mét vuông).
Về nội dung trên, trao đổi với phóng viên, đại diện nhà trường, ông Phan Đình Quyết (Phó trưởng phòng đối ngoại và truyền thông trường Đại học Thương mại) cho hay, nhà trường còn có một cơ sở rộng lớn khoảng 50 hecta tại Hà Nam (xây dựng năm 2016), thời gian tới đây, nhà trường sẽ trao trả mặt bằng lại cho tỉnh.
"Trước khi trao trả lại cơ sở ở Hà Nam cho địa phương, nhà trường đã phải xây dựng mới Thư viện lên nhiều tầng nhằm đảm bảo diện tích mặt sàn, quy chuẩn 30m2/sinh viên. Theo đó, từ tầng 1 đến tầng 4 là thư viện và từ tầng 5 đến tầng 10 là phòng học.
Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích thư viện trên, còn giải quyết bài toán phòng lớp học cho khu nhà C, D sẽ được xây dựng mới từ nay đến năm 2025.
Hằng năm, cơ quan Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều về kiểm định cơ sở vật chất có đáp ứng quy định hay không. Nhà trường đều đảm bảo các quy định đó", ông Quyết chia sẻ.
Tài liệu tham khảo:
1/https://tmu.edu.vn/tin-tuc/chinh-sach-hoc-bong-va-hoc-phi-nam-hoc-2016-2017-cua-truong-dai-hoc-thuong-mai-15498