Vì sao còn nhiều người hưởng lương hưu thấp?
Hiện nay, nếu người lao động tham gia BHXH đủ 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ, khi đến tuổi nghỉ hưu, họ sẽ được hưởng lương hưu bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng này khá cao, song thực tế có nhiều người hưởng lương hưu thấp. Vậy lý do vì sao?
Ngày 30-6, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin rõ hơn về mức hưởng lương hưu của người nghỉ hưu.
Hưởng thấp do đóng thấp, thời gian tham gia ngắn
Phân tích nguyên nhân, BHXH Việt Nam cho biết, mức lương hưu thấp nhất tập trung vào nhóm những người nông dân ở tỉnh Nghệ An tham gia chương trình thí điểm đóng BHXH cho nông dân. Đến năm 2009, khi BHXH nông dân Nghệ An được chuyển đổi sang BHXH tự nguyện theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg, ngày 16-3-2009 của Thủ tướng Chính phủ, thì nhiều trường hợp tiếp tục tham gia “lưới” an sinh qua hình thức BHXH tự nguyện. Khi nghỉ hưu, do có thời gian đóng ngắn, mức đóng BHXH hằng tháng thấp (có thời điểm chỉ là 10.000 đồng/tháng), nên các trường hợp này có mức hưởng lương hưu thấp.
Chi trả lương hưu cho người thụ hưởng tại phường Đội Cấn (quận Ba Đình).
Ngoài ra, cán bộ xã không chuyên trách cũng thuộc nhóm đối tượng có lương hưu thấp. Nhóm này có mức đóng BHXH chỉ bằng mức lương cơ sở, thời gian đóng BHXH hưởng lương hưu ngắn (từ đủ 15 năm đến 20 năm). Đồng thời, theo quy định khi nghỉ hưu, nếu trường hợp không có đủ 20 năm trở lên đóng BHXH bắt buộc (không bao gồm thời gian đóng BHXH theo diện người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn), có mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở, thì lương hưu không được bù đủ bằng mức lương cơ sở. Năm 2021, mức lương hưu bình quân của nhóm cán bộ xã không chuyên trách là khoảng 1,3 triệu đồng/tháng.
Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH (do người tham gia lựa chọn) thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Trong thực tế, phần lớn người dân lựa chọn mức thu nhập tương ứng mức chuẩn hộ nghèo khu vực (trước năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng, từ năm 2022 là 1,5 triệu đồng) để đóng BHXH tự nguyện.
Đại đa số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng BHXH đến khi đủ điều kiện về thời gian tối thiểu (20 năm) để được hưởng lương hưu. Do mức đóng BHXH thấp, thời gian đóng BHXH ngắn, nên mức hưởng bình quân của nhóm này thấp. Bên cạnh đó, nhiều người đóng BHXH bắt buộc, do còn thiếu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu đã lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng hoặc một lần cho thời gian còn thiếu ở mức thấp. Thế nên, mức hưởng lương hưu của họ sẽ thấp theo mức đóng.
Đối với người tham gia BHXH bắt buộc, nhiều doanh nghiệp “lách luật”, thực hiện đóng BHXH cho người lao động không đúng với mức tiền lương, thu nhập thực tế của họ. Tại một số đơn vị, doanh nghiệp, mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động khá thấp, dẫn đến mức hưởng bình quân của người lao động sẽ thấp khi nghỉ hưu.
Đóng đi liền với hưởng
Nguyên tắc của BHXH là đóng đi liền với hưởng, nên người lao động đóng BHXH ở mức cao, trong thời gian dài sẽ hưởng lương hưu cao và ngược lại. Do đó, để có lương hưu cao, trước hết, người lao động nên lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện cao hơn.
Người lao động cần chú ý khoản tiền lương đóng BHXH trong hợp đồng lao động để tránh bị thiệt thòi.
Với người lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, thì người sử dụng lao động cần thực hiện nghiêm các quy định về tiền lương, BHXH. Về phần mình, BHXH Việt Nam tiếp tục đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án khi sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo hướng phù hợp hơn. Với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, gồm có mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Ngoài ra, các bên sẽ nghiên cứu để hài hòa các loại thu nhập của người lao động, có căn cứ pháp lý để xác định rõ thu nhập của người lao động làm căn cứ đóng BHXH, tránh tình trạng chênh lệch quá lớn giữa thu nhập để quyết toán thuế và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có ý kiến của các ngành liên quan như Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Để bảo đảm quyền lợi, BHXH Việt Nam khuyến nghị người lao động cần chú ý đến thỏa thuận về tiền lương được hưởng, tiền lương đóng BHXH trong hợp đồng lao động và có kiến nghị với đơn vị nếu mức tiền lương đóng BHXH của mình thấp so với tiền lương được hưởng hoặc thấp hơn so với quy định về mức lương tối thiểu vùng. Cùng với đó, người lao động cần thường xuyên theo dõi, tra cứu quá trình đóng, hưởng BHXH, theo dõi sát thông tin đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động, có ý kiến phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng nếu phát hiện đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH không đúng.
Từ ngày 1-7-2023 có 9 nhóm đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Mức tăng thêm từ 12,5% đến 20,8%, tùy theo từng nhóm đối tượng.
Riêng người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng sau khi đã điều chỉnh tăng thêm, thì họ được tăng thêm. Người hưởng tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng khi họ có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng.
Người hưởng tăng thêm bằng 3.000.000 đồng/người/tháng khi họ có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vi-sao-con-nhieu-nguoi-huong-luong-huu-thap-633816.html