Vì sao công an không khởi tố doanh nghiệp tàn phá 32.000m2 rừng?
Công an tỉnh Ninh Bình không khởi tố hình sự liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Duyên Hà vùi lấp, tàn phá hơn 32.000m2 rừng phòng hộ...
"Bức tử" rừng nhưng đang khắc phục?
Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Duyên Hà quá trình khai thác đá làm xi măng đã vùi lấp, tàn phá hơn 32.000m2 rừng phòng hộ ở phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, mới đây cơ quan chức năng tỉnh này đã có báo cáo vụ việc đến UBND tỉnh cũng như Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc (Tổng Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam).
Hơn 32.000m2 rừng phòng hộ ở TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình bị Công ty TNHH Duyên Hà vùi lấp, tàn phá trong quá trình khai thác đá vôi làm xi măng (Ảnh: Thái Bá).
Báo cáo của Sở NN&PTNT gửi UBND tỉnh Ninh Bình nêu, vi phạm của Công ty TNHH Duyên Hà xảy ra từ năm 2020 trở về trước. Hạt Kiểm lâm Tam Điệp (Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình) khi phát hiện diện tích rừng bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác mỏ của công ty đã báo cáo UBND TP Tam Điệp để chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp giải quyết.
Hạt Kiểm lâm Tam Điệp cũng đã phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình giải quyết vụ việc. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình có thông báo gửi Hạt Kiểm lâm Tam Điệp về việc không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến các vi phạm của Công ty TNHH Duyên Hà.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho hay, sau khi có kết luận các vi phạm, Công ty TNHH Duyên Hà đã khắc phục diện tích rừng bị sạt lở bằng phương pháp bù đất, trồng cây hỗn giao với mật độ 10.000 cây/ha. Công ty này đang thực hiện chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng bị ảnh hưởng theo hướng dẫn.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Ninh Bình không khởi tố vụ án hình sự đối với vi phạm của Công ty TNHH Duyên Hà (Ảnh: Thái Bá).
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cho biết, dựa trên báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, Sở cũng đã gửi báo cáo này đến Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc theo đề nghị của cơ quan này tại văn bản yêu cầu ngày 28/3/2022.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cho biết thêm, thực tế kiểm tra hiện trường, việc khai thác mỏ làm ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ của Công ty TNHH Duyên Hà đã được cơ quan chức năng kiểm tra, kết luận; Công ty đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: bổ sung đất, trồng các loại cây, chăm sóc cây sau trồng theo hướng dẫn.
"Công ty khai thác trong ranh giới mỏ, không khai thác ngoài mốc giới, hiện khai thác trong khu vực giữa mỏ, không khai thác phần giáp ranh với các cột mốc và ranh giới mỏ, không phát sinh việc vùi lấp và ảnh hưởng diện tích rừng mới tại thời điểm kiểm tra" - đại diện Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình báo cáo.
Phát lộ nhiều sai phạm
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, Công ty TNHH Duyên Hà không chỉ tàn phá 32.000m2 rừng phòng hộ mà còn khai thác khoáng sản ngoài diện tích, vượt công suất, không đúng thông số giấy phép được cấp.
Nhà máy xi măng Duyên Hà, phía sau là mỏ khai thác đá làm xi măng - nơi cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp (Ảnh: Thái Bá).
Cụ thể, năm 2020, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, xác định sản lượng đá vôi, đá sét khai thác làm nguyên liệu xi măng của Công ty TNHH Duyên Hà.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam kết luận, Công ty TNHH Duyên Hà đã có nhiều sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản. Cụ thể, công ty này đã khai thác ra ngoài diện tích khu vực khai thác theo giấy phép 578/GP-BTNMT cấp ngày 26/4/2012 với tổng diện tích là 4,7 ha;
Khai thác vượt công suất được cấp phép khai thác năm 2018 nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản số 1417/GP-BTNMT ngày 11/6/2015 (vượt 1,3%); năm 2017 công ty khai thác tại đường vận chuyển chính nối dây chuyền 1 và dây chuyền 2 nằm ngoài ranh giới mỏ với diện tích khoảng 0,6 ha (khối lượng 296.252 tấn);
Khu vực mỏ đá nơi Công ty TNHH Duyên Hà đang thực hiện khai thác đá làm xi măng (Ảnh: Thái Bá).
Khai thác không đúng một trong các thông số của hệ thống khai thác gồm: chiều cao tầng, góc độ dốc sườn tầng đã xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt; khai thác khoáng sản đi kèm (đôlômít) từ năm 2017 đến 2019 khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép…
Trước những sai phạm trên của Công ty TNHH Duyên Hà, tháng 11/2020 Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do doanh nghiệp này gây ra.
Quyết định nêu rõ: Công ty TNHH Duyên Hà đã có hành vi khai thác khoáng sản ra ngoài phạm vi đến 10% tổng diện tích của khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản (vi phạm điểm c, khoản 3, Điều 29 Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản);
Khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 50% đến dưới 100% hoặc vượt từ 0,5 ha đến dưới 1 ha (vi phạm điểm c, khoản 5, Điều 36 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản).
Khu vực mỏ đá Công ty TNHH Duyên Hà được cấp phép, tuy nhiên doanh nghiệp này lại khai thác ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (Ảnh: Thái Bá).
Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã không ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Duyên Hà do quá thời hiệu xử phạt theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, nhưng yêu cầu công ty này có các biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo đó, buộc Công ty TNHH Duyên Hà phải san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài diện tích được cấp phép khai thác về trạng thái an toàn; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi hành chính.
Do chưa có đủ cơ sở để xác định chính xác khối lượng khoáng sản đã khai thác ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu Công ty TNHH Duyên Hà thuê đơn vị có đủ tư cách pháp nhân tiến hành đo đạc, xác định cụ thể khối lượng khoáng sản đã khai thác ra ngoài diện tích để báo cáo Tổng cục xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.