Vì sao 'công nghệ VAR' là cách gọi sai trong bóng đá

VAR (Trợ lý Trọng tài Video) sẽ được sử dụng ở Vòng chung kết U23 châu Á, nhưng không phải ai cũng hiểu một cách chính xác khái niệm này.

VCK U23 châu Á 2020 sẽ là giải đấu đầu tiên U23 Việt Nam tham dự có sự góp mặt của VAR. Đây được xem là bước tiến tiếp theo của châu Á trong việc gia tăng công bằng tại giải đấu quyết định tới tấm vé dự Olympic Tokyo 2020.

VAR (Video Assistant Referee) được giới thiệu vào đầu những năm 2010 từ ý kiến của LĐBĐ Hà Lan. Sau thời gian dài đưa vào thử nghiệm, VAR chính thức được đưa vào Luật bóng đá từ tháng 3/2018 bởi Hội đồng Bóng đá Quốc tế với triết lý “can thiệp nhỏ nhất, lợi ích lớn nhất”.

 U23 Việt Nam sẽ dự VCK U23 châu Á tại Thái Lan từ ngày 8/1. Ảnh: Thuận Thắng.

U23 Việt Nam sẽ dự VCK U23 châu Á tại Thái Lan từ ngày 8/1. Ảnh: Thuận Thắng.

Không gọi là "Công nghệ VAR"

VAR dịch sát nghĩa ra tiếng Việt là “Trợ lý trọng tài video”, song trong công tác truyền hình hay truyền thông tại Việt Nam, cụm “Công nghệ VAR” được sử dụng rất nhiều. Đây là cách dùng sai.

Sự đóng góp của công nghệ trong VAR là rất rõ ràng khi những đoạn video được chiếu lại và từ đó được phân tích, mổ xẻ. Song khi gọi là “Công nghệ VAR”, người dùng đã vô hình trung loại bỏ hoàn toàn yếu tố quan trọng nhất. Đó là con người.

 Công nghệ không đưa ra quyết định, con người làm điều này và đó là tổ trọng tài VAR. Ảnh: Reuters.

Công nghệ không đưa ra quyết định, con người làm điều này và đó là tổ trọng tài VAR. Ảnh: Reuters.

Những đoạn video đã được chiếu lại, song việc nhận định tình huống, kẻ vạch, so sánh… đều được con người, mà ở đây là tổ trọng tài VAR thực hiện. Thậm chí tổ trọng tài VAR cũng không phải là người đưa ra quyết định sau cùng. Trọng tài chính sau khi tham khảo qua thiết bị hỗ trợ liên lạc, hoặc màn hình nhỏ mới là người đưa ra quyết định cuối cùng ở nhiều giải đấu.

VAR có sai lầm hay không? Phần công nghệ trong VAR không bao giờ sai. Bởi đó là những video ghi lại hình ảnh của trận đấu ở những góc độ khác nhau. Đó là dữ liệu đơn thuần. Và dữ liệu thì không thể đưa ra quyết định, từ đó xác định đúng sai.

Phần “con người” trong VAR tạo ra những quyết định sai lầm. Trận tứ kết Champions League 2018/19 giữa Manchester City và Tottenham là một ví dụ. Fernando Llorente của Tottenham đã để bóng sượt qua tay ngay trước khi ghi bàn rút ngắn tỷ số xuống 3-4.

Tuy nhiên, theo Daily Mail, trong tình huống nhờ tới sự trợ giúp của VAR, trọng tài chính Cuneyt Cakir đã không được cung cấp đoạn video ghi lại hình ảnh tiền đạo người Tây Ban Nha để bóng chạm tay, từ đó công nhận bàn thắng quyết định khiến Man City bị loại khỏi Champions League. Người mắc lỗi ở đây chính là tổ trọng tài VAR khi không cung cấp đủ hình ảnh cho trọng tài chính.

 Fernando Llorente để bóng chạm tay trước khi ghi bàn nhưng đoạn hình ảnh này không được tổ trọng tài VAR đưa cho trọng tài chính, từ đó Man City bị loại. Ảnh: Getty.

Fernando Llorente để bóng chạm tay trước khi ghi bàn nhưng đoạn hình ảnh này không được tổ trọng tài VAR đưa cho trọng tài chính, từ đó Man City bị loại. Ảnh: Getty.

 Công nghệ hay con người sẽ căn chỉnh, kẻ vạch và xác định việt vị hay không việt vị trong tình huống này?

Công nghệ hay con người sẽ căn chỉnh, kẻ vạch và xác định việt vị hay không việt vị trong tình huống này?

Tại Premier League mùa này, VAR cũng bị lên án mạnh mẽ bởi sự can thiệt quá sâu vào các trận đấu, đi ngược lại hoàn toàn triết lý “can thiệp nhỏ nhất, lợi ích lớn nhất”. Jose Mourinho quả quyết VAR “nên đổi tên” bởi những người quyết định giờ chính là tổ trọng tài VAR thay vì trọng tài chính.

HLV Nuno Santo của Wolverhampton thì cáo buộc tổ VAR “cách xa sân đấu hàng cây số thì không nên đưa ra quyết định”.

Những chỉ trích hay ám chỉ của các HLV tại Premier League đều nhằm thẳng vào tổ trọng tài, tức con người, thay vì những cỗ máy hiện đại nhưng vô tri vô giác. Bởi vậy, VAR nên được sử dụng với cụm từ “Tổ trọng tài VAR” thay vì “Công nghệ VAR”.

VAR được sử dụng trong tình huống nào?

Theo luật, có 4 loại quyết định có thể được VAR xem xét. Đó là bàn thắng, lỗi việt vị, thẻ đỏ trực tiếp và các pha phạm lỗi (có thể dẫn tới thẻ phạt).

Có 3 trường hợp có thể xảy ra từ VAR. Đầu tiên, trọng tài chính thay đổi quyết định từ sự trợ giúp của tổ VAR. Thứ hai, trọng tài xem lại tình huống từ sự trợ giúp của tổ VAR. Thứ ba, trọng tài bỏ qua sự trợ giúp của VAR.

 ĐT Việt Nam từng thất bại trước Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup bởi quả phạt đền tới từ VAR. Ảnh: Minh Chiến.

ĐT Việt Nam từng thất bại trước Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup bởi quả phạt đền tới từ VAR. Ảnh: Minh Chiến.

Các cấp đội tuyển Việt Nam đã lần nào thi đấu dưới sự hỗ trợ của VAR? Câu trả lời là có. Đó là cuộc đấu với Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019. Đội tuyển Việt Nam khi ấy không phải nhận bàn thua vào phút 24 khi VAR xác nhận bóng đã chạm tay trung vệ Maya Yoshida trước khi đi vào lưới Đặng Văn Lâm.

Tuy nhiên, sau pha va chạm của Bùi Tiến Dũng với Ritsu Doan đầu hiệp 2, VAR đã vào cuộc và xác nhận đó là quả phạt đền.

U23 Việt Nam cần cẩn trọng gì trước VAR? Trên bình diện bóng đá thế giới, VAR đang được xem là thiên địch với bóng đá phòng ngự theo kiểu cũ. Khi những tiểu xảo, phạm lỗi kín bị phơi bày trên các đoạn video dưới sự theo dõi của tổ trọng tài tách biệt so với sân vận động.

Đội bóng của HLV Park Hang-seo đã tiến những bước dài trong hơn 2 năm qua nhờ nền tảng phòng ngự chắc chắn. Tuy vậy, trong những cuộc chiến căng thẳng, việc va chạm hay phạm lỗi là không tránh khỏi (cuộc đấu với Nhật Bản là một ví dụ).

Những cầu thủ phòng ngự của đội tuyển Việt Nam nói chung hay U23 Việt Nam nói riêng đều mang tới cái uy với đối thủ và cho tất cả thấy cảm giác họ không dễ bị bắt nạt. Sự vươn mình về mặt tâm thế đó là một trong những điều quan trọng trong hành trình trưởng thành và thăng tiến của các đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới HLV Park Hang-seo.

VAR có thể mang tới ít nhiều khó khăn, song đó cũng có thể xem là thử thách cho U23 Việt Nam trước giải đấu quyết định cho tấm vé dự Olympic Tokyo 2020.

U19 Việt Nam bị VAR từ chối hưởng phạt đền trước Hàn Quốc Phút 65 trong trận U19 Việt Nam gặp Hàn Quốc tại chung kết cúp giao hữu tại Bangkok (Thái Lan), trọng tài từ chối cho đại diện Đông Nam Á hưởng phạt đền sau khi tham khảo VAR.

Nhật Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-cong-nghe-var-la-cach-goi-sai-trong-bong-da-post1031824.html