Vì sao công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang bị phạt hơn 186 triệu?
Tổng số tiền mà Công ty Núi Pháo phải nộp phạt hơn 186 triệu đồng do phân loại áp sai mã số, thuế suất thuế nhâ%3ḅp khẩu, khai sai giá trị tính thuế xuất khẩu, nhâ%3ḅp khẩu...
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính) vừa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (mã chứng khoán: NPM11804, NPM11805) có địa chỉ tại xóm 2, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, Công ty Núi Pháo bị phạt 20% đối với số tiền thuế ấn định với hành vi phân loại áp sai mã số, thuế suất thuế nhập khẩu, khai sai giá trị tính thuế xuất khẩu, nhập khẩu dẫn đến thiếu số tiền phải nộp với tổng số tiền hơn 186 triệu đồng.
Vào giữa năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường có kết luận thanh tra chỉ nhiều vi phạm tại dự án Núi Pháo của Công ty.
Đoàn thanh tra đã làm rõ trong quá trình khai thác vonfram, fluorit, bismuth, vàng và đồng, Công ty Núi Pháo phát hiện ra khoáng sản mới là quặng sắt nhưng không báo cáo bằng văn bản đến cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền.
Tại thời điểm này, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt Công ty Núi Pháo số tiền 510 triệu đồng và buộc khắc phục ngay hành vi vi phạm.
Được biết, Công ty Núi Pháo là công ty con của CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources, UPCoM: MSR) thuộc tập đoàn Masan sở hữu 100% vốn. Người đại diện của công ty là ông Nguyễn Đăng Quang.
Công ty Núi Pháo là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, được thành lập năm 2010 với vốn điều lệ 4.789 tỷ đồng. Đến tháng 7/2019, số vốn điều lệ của Công ty đã được nâng lên thành 8.049 tỷ đồng.
Số vốn góp thêm 3.260 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Tài nguyên Masan Thái Nguyên (85% vốn) góp 2.770 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Thái Nguyên (15% vốn) góp gần 489 tỷ đồng.
2 cổ đông góp vốn vào Công ty Núi Pháo đều là các đơn vị thuộc Tập đoàn Masan. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Tài Nguyên Masan Thái Nguyên và Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Thái Nguyên đều có 100% vốn thuộc Masan Resources.
Về “sức khỏe” tài chính của Núi Pháo trong 6 tháng đầu 2019, Công ghi nhận doanh thu đạt 2.690 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 69 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Công ty đạt 25.152 tỷ đồng, tăng 4,8% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt gần 8.834 tỷ đồng, tăng đến 60% so đầu năm.
Vào tháng 9 năm nay, Masan Resources công bố thông tin cho biết Công ty Núi Pháo đã dàn xếp xong vụ kiện trọng tài quốc tế với Jacobs E&C Australia Pty Ltd. Theo đó, Jacobs đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán 130 triệu USD cho Công ty Núi Pháo.
Được biết, vụ kiện trọng tài này liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị giữa Công ty Núi Pháo và Jacobs vào năm 2011 cho mục đích thiết kế, cung cấp thiết bị và quản lý thi công xây dựng dây chuyền chế biến khoáng sản của Núi Pháo. Dây chuyền chế biến này được hoàn thiện trong năm 2015, 2016.
Do có tranh chấp, phía Công ty Núi Pháo đã đưa vụ việc ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore ngày 30/9/2015. Hai bên đã có 3 tuần điều trần, kết thúc ngày 15/12/2017.
Vào ngày 28/3/2019, một hội đồng gồm 3 trọng tài viên do Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore chỉ định đã đưa ra phán quyết chung thẩm từng phần, theo đó chấp thuận khoản bồi thường cho Núi Pháo phát sinh từ hành vi của Jacobs.