Vì sao công ty diệt virus của ông Nguyễn Tử Quảng lợi nhuận lao dốc?
Lợi nhuận của công ty bán phần mềm diệt virus hàng đầu Việt Nam liên tục lao dốc. Tỷ suất sinh lời ngày càng bị bào mỏng khi lãi trái phiếu đang gia tăng.
CTCP Phần mềm Diệt Virus Bkav (Bkav Pro) vừa công bố các chỉ tiêu tài chính trong nửa đầu năm nay tiếp tục kém khởi sắc. Chỉ tiệu lợi nhuận sau thuế lao dốc 74% so cùng kỳ năm ngoái, về mức vỏn vẹn hơn 4,4 tỷ đồng.
Quy mô vốn chủ sở hữu của công ty bán phần mềm này cũng bị thu hẹp 18% so với hồi tháng 6/2022, về mức 207 tỷ đồng. Kết quả này kéo theo tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) rơi xuống mức khá thấp là 2,1%.
Nợ phải trả của doanh nghiệp được tinh gọn hơn khi còn khoảng 314 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu vẫn duy trì ở mức 170 tỷ đồng.
Có thể thấy kết quả kinh doanh của Bkav Pro đã liên tục giảm sút trong các kỳ báo cáo gần đây.
Lợi nhuận trong năm 2021 đạt đến 99 tỷ đồng và năm 2022 vẫn còn hơn 40 tỷ đồng; tỷ suất ROE tương ứng ở mức 36% và 20% (con số này vẫn nổi trội so với nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán Việt Nam).
Thậm chí trong đợt giới thiệu chào bán trái phiếu, công ty phần mềm này có quy mô doanh thu hơn trăm tỷ đồng và lợi nhuận tạo ra cũng hàng chục tỷ đồng, biên lợi nhuận từng quanh mức 60% thể hiện sản phẩm diệt virus của công ty rất được ưa chuộng.
Biên lợi nhuận cao khiến nhiều đơn vị khác gia nhập và Bkav khi đó bị cạnh tranh khốc liệt hơn. Hiện có nhiều đơn vị khác bán phần mềm diệt virus tiêu biểu như McAfee, AVG, Bitdefender, Kaspersky, Avira, Panda Cloud…
Do có phát hành trái phiếu doanh nghiệp nên Bkav Pro thuộc đối tượng phải công bố thông tin về tài chính và lịch trả nợ. Trong năm 2022, công ty đã thanh toán gần 9 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu mã BKPCB2124001 (mệnh giá 170 tỷ đồng và kỳ hạn 3 năm bắt đầu tính từ 26/5/2021).
Lô trái phiếu này có lãi suất coupon với năm đầu cố định 10,5%/năm, các năm sau tính bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 4,5%. Tài sản bảo đảm là hơn 5,44 triệu cổ phiếu Bkav Pro do công ty mẹ Bkav sở hữu (giá trị định giá là 178.125 đồng/cp, tương đương 970 tỷ đồng) và 4,99 triệu cổ phiếu Bkav thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tử Quảng.
Còn trong 6 tháng đầu năm nay, công ty đã phải chi ra hơn 10 tỷ đồng để trả lãi vào ngày 26/5, là một trong những nguyên nhân bào mòn lợi nhuận trong kỳ báo cáo bán niên vừa qua.
Bkav Pro được thành lập vào tháng 3/2018 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỷ đồng, trong đó có ba cổ đông sáng lập gồm công ty mẹ Bkav nắm 96%, ông Vũ Ngọc Sơn có 2% và bà Lại Thu Hằng 2%. Năm tháng sau đó, công ty tăng vốn lên 100 tỷ đồng và Bkav còn sở hữu khoảng 84% vốn.
Bkav Pro được xem là một pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Bkav của nhà sáng lập Nguyễn Tử Quảng (sinh năm 1975). Vị doanh nhân này đang đảm nhận vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật cho Bkav Pro.