Vì sao CPTPP ngày càng hấp dẫn?
Ngày càng có nhiều nước quan tâm đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Gần đây nhất, Trung Quốc đã nộp đơn gia nhập hiệp định này.
Sau động thái này, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã nộp đơn xin gia nhập và Thái Lan có thể là nước tiếp theo. Quá trình xem xét kết nạp thêm thành viên mới sẽ trở thành một chủ đề gây tranh cãi trong tổ chức này. Cùng với đó là nguy cơ chuyển dịch cán cân thương mại, kinh tế và chính trị trong khu vực.
Sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, nước Anh đã đệ đơn xin gia nhập hiệp định này. Gần đây nhất, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 17-9 thông báo nước này đã chính thức đệ trình đơn xin gia nhập CPTPP lên Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tăng trưởng xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor. New Zealand hiện là quốc gia lưu chiểu CPTPP. Chưa đầy một tuần sau, hôm 22-9, Đài Loan (Trung Quốc) cũng chính thức nộp đơn xin gia nhập hiệp định, một động thái vấp phải sự phản đối của Bắc Kinh. Trước đó, Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn tham gia. Thái Lan cũng muốn nộp đơn xin gia nhập.
Các "thế lực" trong CPTPP
Điểm lại danh sách thành viên CPTPP, xét đến quy mô nền kinh tế của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến CPTPP và các quy tắc và tiêu chuẩn cấp độ cao của hiệp định, cuộc đối đầu giữa hai bờ eo biển và cuộc chơi địa chính trị, địa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới, nhiều bình luận tập trung vào vấn đề phân chia phe phái trong nội bộ CPTPP, vấn đề có nên chấp nhận kết nạp thêm những thành viên mới nói trên hay không.
"Sân chơi" CPTPP ngày càng trở nên hấp dẫn với nhiều quốc gia bởi lợi ích cụ thể mà nó đem lại.
Đối với London, vấn đề xem xét có thể suôn sẻ hơn bởi mối quan hệ của Anh với 11 thành viên của hiệp định “không có vấn đề gì”. Tương tự với Thái Lan, một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, với hai “ứng cử viên” mới nhất nói trên, cuộc thảo luận để đưa ra câu trả lời “có hay không” lại trở thành một vấn đề không hề dễ dàng. 11 thành viên sẽ chia thành ba phe: (1) ủng hộ; (2) phản đối ngầm và tìm cách “chọc gậy bánh xe”; (3) phản đối. Ba phe cơ bản này tương đương với những tình thế quan hệ của họ với Bắc Kinh cũng như xét trong cuộc cạnh tranh về tầm ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế khu vực.
Thứ nhất, phe ủng hộ có thể bao gồm các nước như New Zealand, Peru, Chile, Singapore, Brunei và Malaysia. Nhóm các nước này có mối quan hệ nhất định với Trung Quốc về kinh tế, thương mại, chính trị và ngoại giao. Ví dụ, New Zealand đã nâng cấp hiệp định thương mại với Trung Quốc hồi tháng 1-2021. Chile là quốc gia đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh công nhận Trung Quốc là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Các nước thành viên ASEAN trong CPTPP đều là đối tác thương mại của Trung Quốc và hưởng lợi ích của các cơ chế khác như “ASEAN+3” và RCEP, trong đó bao gồm cả Trung Quốc. Singapore đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Bắc Kinh “có chân” trong CPTPP.
Thứ hai, phe phản đối ngầm và tìm cách “chọc gậy bánh xe” hoặc vận động Mỹ quay trở lại CPTPP do lo ngại về tương quan cán cân sức mạnh. Nhóm này có thể kể đến Australia và Nhật Bản. Canada có thể tham gia nhóm này nếu Ottawa bị “giật dây sau cánh gà” cho dù căng thẳng giữa Bắc Kinh và Ottawa đã dịu đi phần nào sau khi “nữ hoàng Huawei” gần đây được trả tự do sau gần 3 năm bị giam giữ ở Canada và hai công dân Canada cũng được Trung Quốc trả tự do để trở về nước.
Canberra và Bắc Kinh vướng vào căng thẳng quan hệ sau khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus Corona gây ra đại dịch COVID-19 hiện nay. Trung Quốc đã đáp trả bằng những đòn thuế quan gây thiệt hại cho một số mặt hàng xuất khẩu của Australia. Gần đây, Australia đã tham gia thỏa thuận an ninh ba bên cùng với Mỹ và Anh (AUKUS), động thái được cho là nhằm đối trọng với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Australia có thể thay đổi quan điểm dựa trên những lợi ích kinh tế nếu cuộc tổng tuyển cử năm 2022 dẫn đến sự thay đổi lãnh đạo.
Còn Nhật Bản lâu nay vẫn có những căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc liên quan những hoạt động xâm nhập lãnh hải và tranh chấp đối với quần đảo ở Biển Hoa Đông. Tokyo ngày càng thể hiện quan điểm cứng rắn và công khai với Bắc Kinh, đặc biệt khi lần đầu tiên công khai đề cập vấn đề Đài Loan trong Sách Trắng Quốc phòng thường niên 2021 cũng như lần đề cập hiếm hoi sau đối thoại trực tiếp ở Nhà Trắng hồi tháng 4-2021 giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Là nước chủ trì CPTPP trong năm 2021, Nhật Bản không bày tỏ công khai quan điểm của mình đối với đơn xin gia nhập của Trung Quốc. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso bày tỏ hoài nghi về cơ hội của Trung Quốc, viện dẫn các quy định nghiêm ngặt về doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, Tokyo đã hoan nghênh việc Đài Loan xin gia nhập CPTPP. Tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura tuyên bố: “Chúng tôi coi Đài Loan là một đối tác rất quan trọng mà chúng tôi chia sẻ các giá trị nền tảng như tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền”.
Thực ra, từ rất sớm, năm 2015, Đài Loan đã thể hiện mong muốn tham gia CPTPP. Tuy nhiên, trong thời gian ba năm sau đó, họ không có hành động thực tế nào. Vì vậy, việc Đài Loan đệ đơn chỉ vài ngày sau Trung Quốc khiến không ít giới phân tích cho rằng Đài Bắc đã bị “lão đại ca Nhật Bản cưỡng hôn”(?) Tờ Financial Times đã có một bài báo độc quyền trích dẫn phàn nàn của Nhật Bản về việc Đài Loan chậm trễ không chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP.
Bên cạnh đó, Nhật Bản được cho là đang tìm cách vận động Mỹ trở lại CPTPP. Kyodo News dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Ngoại trưởng nước này Toshimitsu Motegi hôm 22-9 đã có cuộc hội đàm riêng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại New York, hối thúc Mỹ quay trở lại hiệp định mà Washington đã rút khỏi từ năm 2017 dưới thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump.
Thứ ba, nhóm phản đối bao gồm Mexico và Canada. Hai quốc gia này cũng là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ giữa Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) được tái đàm phán và ký kết dưới thời chính quyền ông Donald Trump. Tuy nhiên, Điều 10, Chương 32 của USMCA quy định nếu bất kỳ một thành viên nào tùy tiện ký hiệp định thương mại tự do với một nước có nền kinh tế phi thị trường theo đánh giá của Mỹ thì sẽ bị loại khỏi hiệp định sau 6 tháng và USMCA sẽ trở thành hiệp định song phương.
Xét thấy kim ngạch thương mại do USMCA mang lại lần lượt chiếm 40% đến 50% GDP của Canada và Mexico, trong khi con số này của Mỹ chỉ khoảng 5%. Tình trạng mất cân bằng này khiến hai nước buộc phải theo Mỹ.
Ngoài ra, cũng có thể có một số nước không tỏ rõ lập trường của mình, song thực chất lại rất lo lắng khi “gã khổng lồ Châu Á gõ cửa xin vào nhà”. Để tự trấn an nỗi lo lắng, các nước này có thể tìm những cách khác nhau, bao gồm việc vận động Washington quay trở lại CPTPP như cách làm của Nhật Bản.
Tiến trình thảo luận, đánh giá, xem xét và kết nạp thành viên mới sẽ kéo dài. Tuy nhiên, ông Ming Du, Giáo sư về luật Trung Quốc đồng thời là Giám đốc Trung tâm Luật và Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Luật Durham của Anh, cho rằng đơn xin tham gia của Bắc Kinh cũng thử thách khả năng “hiệp đồng hợp lực” của các nước thành viên CPTPP trong nỗ lực ngăn chặn bước chân của Trung Quốc trong bối cảnh “anh cả Mỹ vắng nhà”.
“Gót chân Achilles” của Mỹ
Nhóm chuyên gia phân tích thuộc cơ quan tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định: “Việc Trung Quốc chính thức đệ đơn gia nhập CPTPP cho thấy Bắc Kinh coi sự thiếu vắng một chiến lược thương mại của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là “gót chân Achilles” trong nỗ lực của Washington nhằm cạnh tranh với Bắc Kinh ở bên trong cũng như bên ngoài khu vực này”.
Mỹ rút khỏi TPP, tiền thân của CPTPP.
Trong khi đó, một mối quan ngại lớn khác đối với Mỹ là Trung Quốc có thể tận dụng CPTPP để né tránh những đòn trừng phạt thuế quan đánh vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc từ thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump và được chính quyền ông Biden tiếp tục duy trì. Ví dụ, Bắc Kinh sẽ xuất nguyên liệu thô sang các nước thành viên CPTPP khác để sản xuất thành sản phẩm cuối cùng trước khi được xuất đi Mỹ. Bằng cách này, thành phẩm đó sẽ không bị áp thuế của Mỹ.
Ông Julien Chaisse, Giáo sư đồng thời là chuyên gia cố vấn về thương mại tại Đại học Thành phố Hong Kong, cho rằng động thái xin tham gia CPTPP của Trung Quốc đã đặt Mỹ vào tình trạng khẩn cấp. Bình luận trên tờ South China Morning Post sáng hôm 18-9, ông Chaisse cho rằng không có lựa chọn nào tốt hơn lúc này là Mỹ cần sớm trở lại CPTPP.
Giáo sư luật Bryan Mercurio, Đại học Hong Kong của Trung Quốc, cho rằng chính quyền ông Biden có thể đưa ra một phiên bản mới của CPTPP như cách mà Trump đã làm đối với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Tuy nhiên, bà Shumi Akhtar, Phó Giáo sư tại trường Kinh doanh, Đại học Sydney, Australia, cho rằng Washington sẽ xem xét ở mức độ lâu dài bất kỳ thỏa thuận nào để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia của mình, chứ không chỉ để chống lại những động thái thương mại của quốc gia khác.
Sự thay đổi cán cân khu vực
Ông Amitendu Palit, chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng nếu Trung Quốc “bước vào ngôi nhà CPTPP” thì cán cân khu vực sẽ thay đổi cả về mặt kinh tế và chính trị. Về mặt kinh tế và thương mại, Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại với các nước thành viên vốn đã có sự phụ thuộc kinh tế đáng kể vào Bắc Kinh. Điều này cũng sẽ không chỉ trao cho Bắc Kinh lợi ích kinh tế gấp bốn lần trước kia mà còn trao cho Bắc Kinh đòn bẩy kinh tế lớn hơn đối với những nước này.
Cán cân khu vực sẽ thay đổi như thế nào?
Ví dụ, Trung Quốc có thể chặn than đá và thịt bò nhập khẩu từ Australia vì những lý do chính trị. Điều này sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh thương mại quốc tế, theo hướng nghiêng về Bắc Kinh. Khi đó, Bắc Kinh có thể kiểm soát chặt chẽ vấn đề quản trị thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có thể tác động hoặc chi phối những quy tắc và luật lệ thương mại trong khu vực.
Đây chính là vấn đề mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh khi kêu gọi quốc hội Mỹ ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phiên bản ban đầu của CPTPP. Khi Trung Quốc nắm được vị trí “chủ lái” trong CPTPP thì những nỗ lực lâu nay nhằm xây dựng những thỏa thuận kinh tế dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ “tan thành mây khói”. Cán cân kinh tế khu vực có thể thay đổi đáng kể và chắc chắn đây không phải là tin tốt lành đối với Mỹ cũng như đối với những cường quốc lớn khác trong khu vực.
Về cán cân chính trị, việc gia nhập CPTPP cũng giúp Trung Quốc đạt được những mục tiêu chính trị quan trọng. Khi tham gia vào một hiệp định thương mại toàn diện và sâu rộng như vậy với các nước có mối quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” như Canada, Australia và Nhật Bản, Bắc Kinh có thể thiết lập nhiều cơ chế mang tính thể chế hơn để đảm bảo mối quan hệ thương mại “kinh doanh như bình thường” ngay cả khi quan hệ chính trị căng thẳng như những năm gần đây. Nếu trở thành thành viên của CPTPP, Bắc Kinh cũng sẽ có thể ngăn chặn Đài Loan tham gia hiệp định này.