Cùng với thái giám, cung nữ là những người hầu hạ hoàng đế và các phi tần trong hậu cung. Họ làm những công việc nặng nhọc từ sáng đến tối để chăm lo các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, nghỉ ngơi, chuẩn bị quần áo, trang điểm...
Do là những người có địa vị thấp trong hậu cung nên cung nữ luôn phải tuân thủ các quy tắc trong cung, cẩn trọng từng lời nói, hành động để làm hài lòng chủ nhân, tránh khiến họ tức giận mà dẫn tới bị trừng phạt. Nhẹ thì phạt quỳ, phạt đánh, nặng thì có thể mất mạng.
Nếu cung nữ không phạm bất cứ sai lầm lớn nào thì khi tới 25 tuổi có thể xuất cung, trở về quê. Mặc dù được rời khỏi hoàng cung, thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt, "chim lồng cá chậu" nhưng cung nữ cũng khó có thể tìm được hạnh phúc.
Bởi lẽ, sau khi xuất cung, cung nữ khó có thể tìm được một mối lương duyên tốt để kết hôn, sinh con. Điều này xuất phát từ việc khi nhập cung làm cung nữ, họ ở trong độ tuổi khoảng 13 - 14 tuổi.
Sau hơn 10 năm làm việc trong cung, cung nữ khi đó đã ngoài 25 tuổi. Phụ nữ ở độ tuổi này vào thời phong kiến được xem là "quá lứa lỡ thì". Thông thường, phụ nữ thường kết hôn, sinh con khi 14 - 15 tuổi.
Do đó, sau khi xuất cung, cung nữ đã có tuổi, sức khỏe không còn tốt như lúc trẻ, khó sinh con nên càng khó tìm được một mối hôn sự tốt. Vì vậy, họ có thể chỉ có 2 lựa chọn là làm vợ lẽ hoặc sống cô đơn tới già.
Nếu may mắn thì cung nữ sau khi xuất cung có thể được gia đình nhờ bà mối làm mai cho những người đàn ông đã có tam thê tứ thiếp. Thế nhưng, ngay cả khi trở thành vợ lẽ, họ cũng không chắc có cuộc sống hạnh phúc.
Nguyên do là bởi vợ lẽ là những người có địa vị thấp trong gia đình. Họ thường vị vợ cả (chính thất) chèn ép, hành hạ.
Nếu không sinh được người con nào thì cuộc sống của cung nữ sau khi xuất cung càng khó khăn, tủi nhục hơn.
Mời độc giả xem video: Mối tình kỳ lạ của Hoàng đế Trung Quốc với cung nữ hơn 17 tuổi.
Tâm Anh (TH)