Vì sao cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng chỉ được tổ chức một lần?
Nhà báo Dương Xuân Nam, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng năm 1989, cho rằng để cuộc thi diễn ra lần nữa, vấn đề khó khăn nhất là kinh phí.
Cho đến nay, người đẹp duy nhất được biết đến với danh hiệu Hoa hậu đền Hùng chính là Giáng My. Sự nổi tiếng bền bỉ suốt hơn 3 thập kỷ cùng nhan sắc vượt thời gian của chị giúp cuộc thi cấp địa phương và chỉ diễn ra một lần này vẫn luôn được nhớ đến dù từ đó đến nay đã có hàng nghìn cuộc thi người đẹp lớn nhỏ được tổ chức ở Việt Nam.
Cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng được Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Vĩnh Phú (sau tách thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức vào năm 1989. Tổng biên tập báo Vĩnh Phú làm Trưởng Ban Tổ chức, Tổng Biên tập báo Tiền Phong làm Trưởng Ban Giám khảo. Đây không đơn thuần là cuộc thi sắc đẹp, tiêu chí dành cho các thí sinh là phải am hiểu lịch sử nước nhà. Người đăng quang là cô gái 21 tuổi sinh viên Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam) mang tên Giáng My. Người đẹp từng chia sẻ, hành trang đi thi của chị ngoài trang phục còn có 3 cuốn sách về lịch sử. Bên cạnh nhan sắc, sự duyên dáng và năng khiếu nghệ thuật, chính kiến thức về quá khứ đáng tự hào của dân tộc góp phần giúp chị giành vương miện.
Gần 33 năm qua, chưa có cô gái nào kế vị nên chị vẫn giữ ngôi Hoa hậu Đền Hùng và trở thành "Hoa hậu độc nhất vô nhị" trong showbiz Việt. Cũng vì thế mà rất nhiều người thắc mắc về lý do khiến cuộc thi không được tổ chức thêm một lần nào nữa.
Theo nhà báo Dương Xuân Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban Giám khảo năm đó, một trong những lý do khiến cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng chỉ diễn ra một lần có thể là sự ra đời quy chế thi người đẹp khiến việc tổ chức sự kiện tương tự không dễ dàng, đơn giản như trước: "Sau khi báo Tiền Phong tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vào năm 1988, cũng là cuộc thi nhan sắc đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất, nhiều cuộc thi hoa hậu ở quy mô tỉnh thành, địa phương được tổ chức ồ ạt, gây ra tình trạng loạn thi hoa hậu. Sau đó tôi được giao nhiệm vụ soạn thảo quy chế thi người đẹp và quy chế được Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành. Sau đó có lẽ vì để tổ chức thi người đẹp thì phải xin cấp phép và đáp ứng nhiều điều kiện nên địa phương đã không tổ chức thi nữa chăng?".
Ông Dương Xuân Nam cho biết, để cuộc thi Hoa hậu Đền Hùng diễn ra lần nữa, cơ quan văn hóa ở địa phương phải đứng ra tổ chức, hoặc báo Vĩnh Phúc, Phú Thọ kết hợp. "Nhưng tổ chức phải có kinh phí chứ không phải đơn giản. Tôi nghĩ bây giờ vấn đề khó khăn nhất là kinh phí", ông Nam nói.
Chia sẻ thêm về duyên nợ với Hoa hậu Đền Hùng, "cha đẻ" cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho biết, khi tình trạng "loạn hoa hậu" diễn ra, báo chí lên tiếng phê bình và bản thân ông cũng bị cho là tuyên truyền lối sống Mỹ, lối sống tư sản: "Có một cuộc họp cấp thứ trưởng và tôi bị kết tội. Tôi dẫn nội dung một cuốn sách của NXB Sự Thật, có nói từ 230 năm trước, Ngày hội Đền Hùng đã tổ chức thi người đẹp, đó là thời điểm mà nước Mỹ còn chưa ra đời, sao có thể nói là tuyên truyền lối sống Mỹ được. Cuốn sách đó đã giúp tôi 'thoát tội”.
Về phần Giáng My, đến nay ở tuổi ngoài 50, chị vẫn trẻ đẹp như thời thanh xuân, gương mặt và vóc dáng không có nhiều dấu hiệu tuổi tác. Ngoài vương miện, chị còn nổi tiếng trên màn ảnh, là diễn viên ăn khách bậc nhất những năm 1990. Giáng My cũng là người thành công trong lĩnh vực kinh doanh.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-cuoc-thi-hoa-hau-den-hung-chi-duoc-to-chuc-mot-lan-ar660223.html