Vì sao cựu Giám đốc CDC Bình Dương từ chối tiền 'cảm ơn' từ Việt Á?
Hợp thức hóa thủ tục, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á trúng thầu và góp phần gây ra thiệt hàng chục tỷ đồng đối với địa phương nhưng cựu Giám đốc CDC Bình Dương lại từ chối nhận tiền 'hỏa hồng' từ Phan Quốc Việt.
Theo cáo trạng truy tố 38 bị can trong vụ án Công ty Việt Á nâng khống giá test xét nghiệm Covid-19, tại tỉnh Bình Dương, Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Bình Dương) và 6 cá nhân liên quan cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 222-BLHS.
Cáo trạng xác định, tại tỉnh Bình Dương, khi tình hình dịch bệnh bùng phát, CDC Bình Dương đang sử dụng test xét nghiệm của hãng Roche và test tách chiết của Công ty VNDAT. Tuy nhiên, CDC Bình Dương vẫn thực hiện chủ trương mượn test xét nghiệm, vật tư của Công ty Việt Á (do Phan Quốc Việt làm chủ tịch) để sử dụng phòng chống dịch.
Theo đó, Nguyễn Thành Danh đã chỉ đạo Lê Thị Hồng Xuyên (nhân viên xét nghiệm) liên hệ với các nhân viên, lãnh đạo Công ty VNDAT để CDC Bình Dương ứng test xét nghiệm, test tách chiết sử dụng trước, sau đó hợp thức thủ tục đấu thầu để thanh quyết toán cho Công ty Việt Á, Công ty VNDAT (cung cấp test tách chiết) với giá do các doanh nghiệp này đề nghị.
Từ ngày 9-2-2021 đến ngày 17-9-2021, CDC Bình Dương đã có 13 công văn gửi Công ty Việt Á đề nghị tạm ứng hàng. Công ty Việt Á và Công ty VNDAT đã giao test xét nghiệm, test tách chiết để đơn vị này sử dụng trước.
Nguyễn Thành Danh sau đó chỉ đạo các nhân viên dưới quyền hoàn thiện, hợp thức hồ sơ thủ tục thầu, thẩm định giá để Công ty Việt Á trúng 4 gói thầu chỉ định và 1 gói đấu thầu rộng rãi với tổng giá trị thanh toán hơn 37,4 tỷ đồng, theo đơn giá Công ty Việt Á đưa ra.
Để thanh toán tiền test tách chiết đã ứng trước của Công ty VNDAT thông qua Công ty Việt Á, CDC Bình Dương hợp thức thủ tục để Công ty Việt Á trúng thầu tổng cộng 314.000 test tách chiết, theo 2 hợp đồng (trúng thầu hộ Công ty VNDAT) theo giá Công ty Việt Á và Công ty VNDAT thống nhất với trị giá hơn 45 tỷ đồng. CDC Bình Dương đã thanh toán cho Công ty VNDAT số tiền trên thông qua Công ty Việt Á.
Đối với gói đấu thầu rộng rãi, CDC Bình Dương thông đồng với Ninh Văn Sinh (Phó giám đốc Công ty Thẩm định giá Trung Tín) dùng pháp nhân Công ty Thẩm định giá Trung Tín làm đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu.
Tại phần yêu cầu kỹ thuật, các bị can đưa thêm các đặc điểm không đúng quy định Luật Đấu thầu nhằm loại bỏ các nhà thầu khác và liên hệ nhờ giám đốc doanh nghiệp khác làm đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu để hợp thức cho đủ thủ tục, giúp Công ty Việt Á trúng thầu…
Theo cáo trạng, tổng cộng Phan Quốc Việt và nhân viên Công ty Việt Á đã thông đồng với CDC Bình Dương hợp thức để thanh toán tiền đối với 5 gói thầu, ký 7 hợp đồng trị giá gần 83 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 55,7 tỷ đồng.
Sau khi Công ty Việt Á được CDC Bình Dương thanh toán tiền, Phan Quốc Việt đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền là Lê Trung Nguyên, Phan Tôn Noel Thảo tính tiền % ngoài hợp đồng để cảm ơn cho Tiêu Quốc Cường (Phó trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, kiêm Kế toán trưởng Sở Y tế Bình Dương) 3 lần tổng số hơn 1,2 tỷ đồng và đưa cho Lê Thị Hồng Xuyên 2 lần tổng số hơn 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Việt Á còn chi tiền cho Nguyễn Thành Danh và ông Nguyễn Hồng Chương (Giám đốc Sở Y tế Bình Dương) nhưng cựu Giám đốc CDC Bình Dương và ông Chương đều không nhận. Do đó, Nguyên báo cáo Việt và chuyển lại số tiền 4,2 tỷ đồng về Công ty Việt Á.
Quá trình điều tra, bị can Lê Trung Nguyên khai, nhiều lần bị can này trực tiếp gặp Nguyễn Thành Danh tại CDC Bình Dương và đưa tiền cảm ơn nhưng cựu Giám đốc CDC Bình Dương đều không nhận với lí do sắp về hưu nên 'không muốn liên quan đến tiền bạc, hỏa hồng'.
Liên quan tới hành vi vi phạm đấu thầu ở địa phương này, hàng loạt cá nhân là lãnh đạo và chuyên viên thuộc Văn phòng và UBND tỉnh Bình Dương, Sở Tài chính, Sở Y tế thực hiện theo chức năng nhiệm vụ, có tham gia ký các văn bản, quyết định về việc phân bổ kinh phí, thanh quyết toán nhưng không có căn cứ xác định họ được hưởng lợi, có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Những người liên quan nêu trên cũng chủ động khai báo và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng làm rõ bản chất vụ án; không biết về hành vi thông đồng, bảo vệ đơn giá test xét nghiệm của cấp dưới và thực hiện vì mục đích chống dịch. Do đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an không xem xét xử lý là phù hợp.