Vì sao đã đấu thầu nhưng giá vàng chưa 'hạ nhiệt'?

Năm 2024, giá vàng biến động lớn, có những lúc, giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng. Về mặt lý thuyết, đấu thầu vàng là giải pháp để tăng cung lượng vừa đủ trong dài hạn, qua đó 'hạ nhiệt' giá về sát hơn với giá thế giới. Nhưng thực tế, sau 7 phiên đấu thầu kể từ ngày 23/4, giá vàng vẫn đi lên bất chấp diễn biến thế giới, trái ngược với lý thuyết.

Tại phiên thảo luận chuyên đề "Phát triển thị trường vàng bền vững trong thế giới bất định", đại diện Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) cho biết, giá vàng thế giới liên tục thiết lập kỷ lục mới sau đại dịch Covid-19. Kể từ sau đại dịch, giá vàng thế giới liên tục tăng cao và duy trì quanh ngưỡng 2.000 USD/ounce từ cuối năm 2023. Đến tháng 4/2024, giá vàng thế giới đã phá vỡ kỷ lục, vọt lên gần 2.400 USD/ounce, cao hơn rất nhiều so với mức giá trung bình năm 2019 - giai đoạn trước đại dịch.

Giá vàng thế giới tăng cao do tác động kép từ chính sách tiền tệ và bất ổn kinh tế - địa chính trị. Bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị gia tăng cũng góp phần củng cố vị thế "vùng trú ẩn an toàn" của vàng, khiến nhà đầu tư tìm kiếm nơi cất giữ tài sản an toàn và sinh lời.

Trong nước, trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá vàng đã liên tục lập đỉnh mới, giá vàng SJC đã có lúc đạt đỉnh tháng 4 là 85 triệu đồng/lượng và sang tháng 5 đã vượt 90 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của thị trường vàng Việt Nam.

Giá vàng kéo giãn khoảng cách với giá vàng thế giới (Ảnh minh họa)

Giá vàng kéo giãn khoảng cách với giá vàng thế giới (Ảnh minh họa)

Biến động giá vàng xảy ra có những khi liên tiếp nhau, thậm chí có những ngày giá vàng leo dốc một cách thẳng đứng, biên độ thay đổi giá lớn qua mỗi lần tăng giá. Có những lúc, giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng. Trong tháng 4, giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh mới, đẩy giá vàng trong nước tiếp tục tăng lên cùng chiều với giá vàng thế giới. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 20,75%.

Thời điểm năm 2013, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng. Trong 1 năm đã có 76 phiên đấu thầu được tổ chức, chào bán tổng cộng 1.932.000 lượng vàng, bán thành công 1.819.900 lượng - tương đương 69,9 tấn vàng. Kết quả là ổn định được giá vàng. Thế nhưng, tại sao ở thời điểm năm 2024, càng đấu giá vàng thì giá lại càng tăng, kéo theo mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cũng tăng cao?

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, giá vàng tăng lên lên trong thời gian vừa qua, trước hết có cả yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan. Trước tiên, giá vàng thế giới tăng, nhất là sau thời kỳ Covid-19. Đương nhiên, giá vàng trong nước cũng sẽ tăng theo đà thế giới. Nhưng điều quan tâm nhất chính là tại sao giá vàng trong nước lại tăng nhiều hơn giá vàng thế giới? Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày càng rộng.

Nguyên nhân tiếp theo là do độc quyền vàng miếng, doanh nghiệp hầu như không được nhập khẩu vàng. Như vậy đối với nhu cầu trong nước lại không đủ đáp ứng. Có thể nói, cơ chế đã tạo ra một sự cách biệt giữa vàng trong nước và thế giới.

Cùng với đó, nhãn hiệu vàng SJC được Nhà nước bảo hộ nên người mua rất yên tâm, bởi đó là sản phẩm tin cậy để đầu tư, tích trữ có giá trị. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng thấp nên người dân phải tìm chỗ nào đó để bỏ tiền vào. Trong xu thế nhìn thấy giá vàng tăng lên, kể cả những người không biết gì về vàng cũng sẽ mua, bởi tin rằng nó sẽ tiếp tục tăng. Như thế rõ ràng là cầu tăng lên, trong khi cung thì ngược lại. Điều này đẩy giá vàng lên cao.

“Để tăng cung thì Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu, nhưng càng đấu thầu thì giá lại càng tăng, khoảng cách với giá vàng thế giới cũng tăng theo. Rõ ràng giải pháp đấu thầu là không đạt được mục tiêu. Tôi cho rằng, có lẽ việc đấu thầu – cụ thể là cơ chế đấu thầu lại là một tác nhân khiến giá vàng tăng”, TS. Hoàng Văn Cường nói.

Người dân tin rằng giá vàng còn cao hơn nữa nên vẫn mua vào (Ảnh minh họa: BT)

Người dân tin rằng giá vàng còn cao hơn nữa nên vẫn mua vào (Ảnh minh họa: BT)

Phân tích thêm về điều này, TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, giá sàn đấu thầu ban đầu cao hơn giá trị trường, thì đương nhiên người trúng thầu phải trả cao hơn giá sàn. Mà đã trúng thầu thì tức sẽ là người trả cao nhất, giá cao nhất, thì bán ra phải cao hơn nữa.

“Vậy mục tiêu của đấu thầu là chọn được người nào trả giá cao chứ không phải mục tiêu kéo giá vàng sát với thị trường. Theo tôi, đấu thầu vàng, nếu muốn giảm xuống sát với giá vàng thế giới thì phải đấu thầu ngược. Đơn vị nào trả giá thấp nhất thì người đó thắng thầu. Giá sàn tham chiếu để đấu thầu cũng phải lấy từ giá vàng thế giới chứ không phải là lấy giá trong nước”, TS. Hoàng Văn Cường nói.

Về mặt lý thuyết, đấu thầu vàng là giải pháp để tăng cung lượng vừa đủ trong dài hạn, qua đó "hạ nhiệt" giá về sát hơn với giá thế giới. Do đó, Ngân hàng Nhà nước hình dung kịch bản một lượng vàng lớn được tung ra sẽ trung hòa được nhu cầu từ thị trường. Qua đó tạo ra tác động tâm lý khiến người dân e ngại rủi ro, bán ra thị trường, đẩy giá đi xuống. Nhưng thực tế, sau mỗi phiên đấu thầu thất bại, giá ngay trong phiên đều quay đầu đi lên bất chấp diễn biến thế giới, trái ngược với lý thuyết.

Đỉnh điểm ngày 10/5, giá vàng miếng SJC tăng vọt tới 3 - 4 triệu đồng/lượng dù giá thế giới đi ngang, và giá vàng trong nước lại cao hơn hẳn so với thế giới đến 20 triệu đồng/lượng. Nghịch lý, hay nói chính xác các doanh nghiệp trúng giá đấu thầu từ Ngân hàng Nhà nước qua các phiên đấu thầu với giá thấp hơn khoảng 1 triệu đồng/lượng so với thị trường ở thời điểm đó và cao hơn 14 - 15 triệu đồng giá quốc tế.

Với giá đó, người dân thấy rằng, doanh nghiệp sẽ phải bán ra với giá cao hơn nữa. Và cũng với giá đó Ngân hàng Nhà nước bán ra với giá cao hơn cả chục triệu đồng so với giá thế giới. Điều này tạo ra hiệu ứng tâm lý ngược trong ngắn hạn, đẩy giá vàng miếng tăng tốc, lên đến hơn 92,4 triệu đồng/lượng thời điểm ngày 10/5, mức chênh lệch với giá vàng thế giới lên đến 20 triệu đồng, đây là mức kỷ lục từ trước đến nay. Với giá đó người dân vẫn xếp hàng tranh mua vàng vì tin rằng, giá vàng còn tăng cao hơn nữa, có thể lên đến trên 100 triệu đồng/lượng.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vi-sao-da-dau-thau-nhung-gia-vang-chua-ha-nhiet-170906.html