Vì sao Đà Nẵng được thí điểm 'hình mẫu phát triển mới'?
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Đà Nẵng có sẵn đà và thế để chớp lấy thời cơ phát triển vượt trước nếu các chính sách đặc thù cho thành phố được Quốc hội thông qua lần này.
Vượt trội nhờ tư duy đẳng cấp
Dự kiến tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thảo luận “Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng”. Việc thông qua nghị quyết này sẽ có vai trò gì, tạo động lực thế nào để thúc đẩy Đà Nẵng phát triển, thưa ông?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Đà Nẵng đi trước, đương nhiên sẽ bị trói buộc. Nếu phải tuân thủ các quy tắc, quy định thông thường, chung cho cả nước, tức là giống các địa phương “đi sau”.
Đó là lý do mà Quốc hội và Chính phủ cho phép Đà Nẵng, cũng như một số tỉnh, thành phố khác, có cơ chế đặc thù, được phép “phát triển vượt trước” và thí điểm “hình mẫu phát triển mới”.
Trong điều kiện thể chế, chính sách chung có nhiều trói buộc và không còn phù hợp, việc Đà Nẵng được trao quyền như vậy đã mang đến cho thành phố cơ hội phát triển hiếm có, tạo không gian cho sự tiến vượt.
Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, điều hay luôn luôn không dễ làm. Cơ hội không tự nhiên chuyển hóa thành lợi ích phát triển, thậm chí, khả năng cơ hội chuyển thành thách thức còn cao hơn.
Vậy Đà Nẵng cần làm gì để chớp lấy thời cơ này, thưa ông?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Với những điều kiện hiện thực – về nguồn lực, thể chế, tầm nhìn, không dễ gì Đà Nẵng phát triển được đô thị thông minh – sáng tạo đúng nghĩa, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế có năng lực cạnh tranh cao.
Càng không đơn giản để cảng Liên Chiểu trở thành cảng trung chuyển quốc tế Đà Nẵng như dự kiến.
Nhưng ở khía cạnh khác, có thể nói, đối với Đà Nẵng, mọi chuyện đều có thể, lịch sử 27 năm qua chứng tỏ điều đó.
Ý tưởng xây dựng khu thương mại tự do thế hệ mới đang được Đà Nẵng ráo riết đề xuất và chuẩn bị năng lực triển khai là một trong những định hướng lớn, giúp thành phố sớm xoay chuyển toàn bộ cục diện phát triển.
Với tư cách là một hình mẫu phát triển, khu thương mại tự do thế hệ mới – gắn với cảng Liên Chiểu, với sân bay quốc tế Đà Nẵng, với cấu trúc phát triển mới dựa vào hai trục chính: công nghiệp – công nghệ cao và dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế – sẽ là động lực phát triển mới của thành phố trong giai đoạn mới.
Nhưng ý tưởng tuyệt vời đó đương nhiên không dễ hiện thực hóa. Đà Nẵng cần định hình đúng và rõ ý tưởng “khu thương mại tự do thế hệ mới”. Nguy cơ lặp lại cái cũ, không dám “chơi” vượt trước và vượt tầm rất lớn, và khi đó, kết cục sẽ là tụt hậu.
Tiếp đó là cả một chương trình hành động – quyết liệt đến mức khốc liệt, ở tầm quốc gia, thời đại hiện nay chậm là chết. Thành công của ý tưởng đòi hỏi tinh thần quyết chiến và sự hỗ trợ tối đa của trung ương và của cả nước, nỗ lực cao độ của cả Đà Nẵng và toàn vùng.
Đây là cuộc đua lớn, mang tính dài hơi, cần sự tham gia tích cực của khối doanh nghiệp, hơn cả những gì Đà Nẵng tạo lập được trong 27 năm qua.
Nhưng khó khăn chỉ mới bắt đầu, hiện nay, Đà Nẵng đang có sự khởi đầu mới tích cực theo hướng đó. Đà và thế ban đầu được xác lập, tạo niềm tin vào triển vọng bứt phá của thành phố trong khí thế chung của cả nước.
Sở hữu nhiều danh xưng như: Đứng thứ 2 trong Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á, một trong những đô thị đáng sống bậc nhất thế giới… Theo ông, vì đâu Đà Nẵng tạo dựng được hình ảnh như hiện nay?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Sau 27 năm, Đà Nẵng đã phát triển thần kì. Thành phố này đã thay đổi hoàn toàn khuôn mẫu về sự phát triển, đã vượt lên tầm đẳng cấp quốc tế và sức hấp dẫn của Đà Nẵng là sức hấp dẫn toàn cầu.
Chân dung Đà Nẵng hiện tại đã quá khác biệt, không gian đô thị phát triển gấp hơn ba lần. Đây phải gọi là “kỳ tích”, vậy nên, dễ hiểu khi Đà Nẵng là một nơi đáng đến, đáng sống.
Đà Nẵng làm được điều ấy không chỉ đơn giản vì tách ra khỏi Quảng Nam thì Đà Nẵng mới “bùng dậy”.
Với vị thế mới - một thành phố trực thuộc trung ương, trung tâm của Duyên hải miền Trung, Đà Nẵng được giao đóng một “vai” lớn hơn, có một vị thế khác.
Đây là điều kiện cần và là xuất phát điểm ý nghĩa cho cuộc bứt phá.
Nhưng điều kiện đủ, giúp Đà Nẵng đạt thành tựu như ngày nay, chính là nhờ một tầm nhìn khác biệt.
Đó là tầm nhìn phát triển du lịch đẳng cấp cao, dù địa phương còn có những thế mạnh khác.
Với tầm nhìn đó, Đà Nẵng chủ trương mời gọi và đã mời gọi được những nhà đầu tư xứng tầm, điển hình nhất là Sun Group và ngày càng hút thêm nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khác, lớn và đẳng cấp cùng đầu tư du lịch.
“Đẳng cấp” không nhất thiết lớn, nhưng doanh nghiệp phải đạt ngưỡng phát triển cao, khác biệt. Đà Nẵng vượt trội nhờ cách tư duy “đẳng cấp” như vậy.
Cùng với đó là sự hỗ trợ của trung ương, tiêu biểu là các đề án phát triển cảng hàng không quốc tế, hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng, giúp tầm nhìn phát triển đô thị Đà Nẵng hiện đại được hiện thực hóa một cách bài bản.
Một điểm nữa cần nhấn mạnh là Đà Nẵng đã hành động đúng với nguyên tắc cạnh tranh thị trường, đặc biệt là cạnh tranh quốc tế.
Chính quyền hiểu rằng doanh nghiệp là lực lượng quyết định và muốn phát triển thì doanh nghiệp phải mạnh. Nhờ vậy, tầm nhìn, vai trò của chính quyền được định hình đúng đắn nhằm phát triển doanh nghiệp, làm “bàn đạp” để Đà Nẵng thành công.
Đây cũng là thành phố sở hữu nền tảng mà ít địa phương nào sánh được. “Vô đối” trong xếp hạng PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), kể cả khi Đà Nẵng gặp đại dịch Covid-19, hay các khó khăn thời cuộc khác. Cho đến nay, chỉ có Quảng Ninh sánh được với Đà Nẵng trong cuộc đua này.
Đà Nẵng thực sự giành được sự tin cậy của doanh nghiệp, giới doanh nhân. Đây là bài học nhiều địa phương khác đã vận dụng thành công như Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Thuận…
Chính năng lực tạo ra thực lực, chọn được đúng hướng đi, Đà Nẵng đã thành công. Tôi tin Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục thành công trong giai đoạn sắp tới – tiếp tục bứt phá trong cuộc đua mới.
Cội nguồn văn hóa tạo đà thành công
Ông đánh giá thế nào về đóng góp của những doanh nghiệp lớn vào sự phát triển của Đà Nẵng vừa qua?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Sự phát triển kinh tế của các địa phương, trong đó có Đà Nẵng - nhờ rất nhiều vào doanh nghiệp. Chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy, còn lực lượng trực tiếp tạo ra tăng trưởng và phát triển kinh tế chính là doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ở Đà Nẵng có thế mạnh mà nơi khác hiếm có được, bởi có những tập đoàn lớn kết hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thành một đội hình “chiến đấu” đầy sức cạnh tranh.
Sức mạnh liên kết này được đẩy lên cao khi các doanh nghiệp gắn kết với nhau, trở thành “một khối” hỗ trợ nhau, cùng trong một tầm nhìn chung phát triển Đà Nẵng.
“Cái tình” của Đà Nẵng thấm sâu cả trong lĩnh vực kinh tế, tạo thành sức mạnh cộng hưởng, đưa địa phương này trở thành hình mẫu của sự phát triển, vươn lên hàng đầu.
Trong cấu trúc – hình mẫu liên kết doanh nghiệp đó, phải nhấn mạnh vai trò của những tập đoàn lớn, vừa dẫn dắt phát triển, vừa làm nền tảng bứt phá.
Có thể coi chuỗi phát triển Sun Group là một điển hình, khi nó góp phần quyết định trong việc làm đổi thay tư duy phát triển du lịch, đưa Đà Nẵng vươn lên trên bản đồ du lịch thế giới với InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Sun World Ba Na Hills, Lễ hội Pháo hoa quốc tế,... – những sản phẩm du lịch đạt tầm đỉnh cao của đẳng cấp và sự khác biệt.
Về tổng thể, có thể coi Sun Group là người xác định “chuẩn” và “cách tiếp cận phát triển” cho Đà Nẵng. Cùng với đó, các tập đoàn, doanh nghiệp khác đã hội tụ về, gia nhập thị trường Đà Nẵng theo chuẩn mực đó.
Trong quá trình phát triển thực tế, Sun Group luôn kiên định với triết lý tạo dựng đẳng cấp, khác biệt, tôi gọi đó là đặc sắc.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng độc nhất vô nhị, Cầu Vàng đặc sắc hay InterContinental Danang Sun Peninsula Resort xưa nay vẫn là biểu tượng kiến trúc độc đáo về nghỉ dưỡng...
Việc định hình những đặc sắc đẳng cấp cao như vậy là cách định hướng để các doanh nghiệp khác tiếp tục đóng góp phần của mình cho Đà Nẵng – một cách nhất quán nhưng luôn khác biệt.
Nhờ vậy, Đà Nẵng không có sự chao đảo về đẳng cấp, không có kiểu mùa vụ thất thường trong phát triển. Ngược lại, thành phố ngày càng thu hút thêm doanh nghiệp mới đầu tư mà vẫn giữ được nhịp độ và ngày càng gia tăng sức hấp dẫn.
Tóm lại, công thức thành công của Đà Nẵng là chính quyền có định hướng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh; để doanh nghiệp – “lực lượng thực chiến” luôn nỗ lực tạo ra cái đặc sắc, khác biệt và luôn trong cuộc đua tranh.
Dù là người được sinh ra ở Đà Nẵng hay dân nhập cư tới thì đều có điểm chung là tình cảm gắn bó với mảnh đất này. Có phải sự đoàn kết, chung lòng đã góp phần thúc đẩy Đà Nẵng đi lên?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Đà Nẵng có những nét văn hóa khác biệt là nền tảng kiến tạo du lịch, đặc biệt du lịch quốc tế.
Đó chính là chất văn hóa đậm tình người, thái độ “tôn trọng khách”, bao hàm trong đó sự yêu mến, chân thành, tính sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ là điểm hội tụ, kết tinh văn hóa của người Đà Nẵng.
Thành công phát triển của Đà Nẵng những năm vừa qua, điển hình nhất trong phát triển du lịch, có cội nguồn từ chính văn hóa đó.
Văn hóa nằm ở tình người, ở Đà Nẵng, văn hóa - lòng tin vào con người thấm trong cách ứng xử của người dân và cả trong hành xử của chính quyền, rất dễ cảm nhận điều này.
Vậy nên Đà Nẵng không chỉ là nơi đáng đến, mà là nơi đáng sống, cao hơn là đáng cống hiến.
Tình người hay văn hóa đúng nghĩa luôn hướng tới điều đó và sẽ kết tinh tại đó, làm động lực cho cả xã hội tốt lên, sống vì những mục tiêu chung. Đó chính là con người Đà Nẵng, tình người Đà Nẵng.
Hiện có rất nhiều người muốn vào Đà Nẵng để sinh sống lâu dài, trong đó có cả người nước ngoài. Theo ông, thành phố đáng sống cần làm gì về quy hoạch để thu hút được những cư dân chất lượng cao đến an cư?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Với sự phát triển chọn lọc, đặc sắc và định hướng vươn tầm thế giới như hiện nay, cách tổ chức đô thị phải cùng chung định hướng phát triển đó, trở thành nơi thu hút những nhà đầu tư lớn, thu hút người tài và người giàu.
Vậy nên, Đà Nẵng phải định hướng phát triển một đô thị sang trọng, thông minh, văn minh, mang tính cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ về mặt thể chế để thành phố tự chủ trong quy hoạch phát triển của mình. Theo đó, Đà Nẵng cần phải đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí thiết kế đô thị, để đảm bảo thành phố văn minh, đô thị phát triển theo quy hoạch có định hướng.
Hiện nay Đà Nẵng đã có những yếu tố như: định hướng quy hoạch, bảo đảm đời sống hiện đại, dịch vụ tốt, văn minh, hạ tầng xã hội đảm bảo.
Những khu đô thị tại các quận như Cẩm Lệ, Hòa Xuân… đều đáp ứng được tiêu chuẩn hiện đại, mang tới không gian sống chất lượng cao.
Phát triển Đà Nẵng hiện nay cần đi theo hai hướng, một là đô thị hiện đại với không gian sống chất lượng cao; hai là tăng tốc phát triển kinh tế ban đêm.
Một yếu tố nữa, quỹ đất của Đà Nẵng không còn nhiều, vậy nên cần tính đến việc phát triển đô thị kết nối được với các tuyến đô thị của Quảng Nam hay Thừa Thiên Huế thì không gian đô thị sẽ được mở rộng cho các nhà đầu tư mà vẫn đảm bảo các giá trị của Đà Nẵng được phát huy mạnh hơn nữa.
Hoặc định hướng phát triển thành phố ven sông Hàn, phát huy thế mạnh con sông chảy trong lòng phố.