Vì sao đại gia Việt này tập trung bán trang sức cho nam giới?

Trang sức cho nam giới vẫn còn là phân khúc chưa được nhiều đơn vị kinh doanh chú trọng.

Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức sáng nay (26-4), bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, năm 2024 là một năm đặc biệt áp lực đối với ngành vàng bạc đá quý và kinh doanh trang sức trong nước khi phải đối mặt “cơn bão kép” cung lẫn cầu.

Phía đầu vào là sự khan hiếm nguồn cung vàng nguyên liệu do giá tăng cao kỷ lục và các hoạt động siết chặt kiểm soát thị trường.

Ở đầu ra là sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, đặc biệt với các mặt hàng xa xỉ, dẫn đến nhiều doanh nghiệp tiếp tục thu hẹp quy mô hoạt động hoặc thậm chí đóng cửa.

"Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì được sự tăng trưởng kinh doanh tốt nhờ vào chiến lược kinh doanh linh hoạt, liên tục làm mới và chủ động ứng phó với những biến động bất ngờ của thị trường", bà Dung chia sẻ.

Theo bà Dung, bước sang năm 2025, môi trường kinh doanh sẽ có nhiều tính bất định hơn, người tiêu dùng đang có xu hướng chi tiêu dè dặt hơn, dẫn đến sức mua của ngành bán lẻ nói chung và hàng xa xỉ nói riêng giảm sút.

" Do đó, hoạt động của công ty trong năm nay sẽ xoay quanh chiến lược mở rộng hệ thống cửa hàng, tăng công suất nhà máy, khai thác thị trường bán lẻ trang sức và củng cố chuỗi cung ứng.

Đặc biệt, PNJ sẽ mở mảng kinh doanh bán trang sức cho nam giới. Đây được đánh giá là mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác hết", bà Dung nói.

 Năm 2024, PNJ đạt lợi nhuận trước thuế là 2.651 tỉ đồng. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Năm 2024, PNJ đạt lợi nhuận trước thuế là 2.651 tỉ đồng. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Theo giới phân tích, so với sự đa dạng và phong phú của trang sức nữ, các thiết kế trang sức dành cho nam giới thường đơn giản, ít kiểu dáng và mẫu mã hơn.

Tuy nhiên, thị trường bán trang sức nam hiện đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng khi nam giới ngày càng quan tâm hơn đến việc thể hiện phong cách cá nhân thông qua phụ kiện.

So với thị trường bán trang sức nữ với vô số thương hiệu và nhà bán lẻ, phân khúc trang sức nam vẫn còn ít đối thủ cạnh tranh hơn, tạo cơ hội lớn cho những người tiên phong xây dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường.

Cũng tại đại hội, đánh giá về thị trường vàng hiện nay, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ cho biết, đà tăng phi mã của giá vàng từ năm 2024 đến nay đã vượt xa mọi dự báo của giới phân tích.

Mặc dù nhiều người có thể cho rằng PNJ sẽ hưởng lợi từ việc giá vàng tăng cao, nhưng thực tế, PNJ là một doanh nghiệp bán lẻ trang sức, và vàng lại là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho quá trình chế tác.

Do đó, sự tăng giá mạnh mẽ này lại tạo ra áp lực không nhỏ lên hoạt động kinh doanh của PNJ.

Cụ thể, giá vàng tăng quá nhanh sẽ tác động tiêu cực đến sức mua trang sức. Giá các sản phẩm trang sức buộc phải điều chỉnh tăng theo giá vàng, trong khi thu nhập của người tiêu dùng không thể tăng trưởng tương ứng.

Ví dụ, trước đây với ngân sách 5-7 triệu đồng, khách hàng có thể mua được một món trang sức trọng lượng 1 chỉ, nhưng với mức giá hiện tại, ngân sách đó thậm chí không đủ để mua một sản phẩm tương đương, dẫn đến việc sức mua bị suy giảm đáng kể.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-dai-gia-viet-nay-tap-trung-ban-trang-suc-cho-nam-gioi-post846692.html