Vì sao dân số Việt Nam được dự báo càng ngày càng giảm?
Mức sinh trung bình một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nhiều địa phương rất thấp và đáng lo ngại. Nếu không có biện pháp 'kích sinh', dân số Việt Nam sẽ giảm dần
Ngày 10-11, tại hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp", ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, cho biết một nghiên cứu quốc tế công bố mới đây dự báo 23 quốc gia sẽ chứng kiến dân số giảm hơn một nửa vào năm 2100.
Các thập kỷ qua, mức giảm sinh tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, từ 6,5 con/phụ nữ trong những năm 1960 xuống còn 2,05 vào năm 2020.
“Chốt” phương án điều chỉnh mức sinh: Vận động mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con
TP HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh phía Nam nằm trong danh sách có mức sinh thấp
Với mức sinh như hiện nay, dân số Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên đỉnh điểm 107 triệu vào năm 2044, sau đó giảm dần và hạ xuống 72 triệu vào năm 2100. Mức sinh thấp đang góp phần đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số ở nước ta.
Bên cạnh đó, Việt Nam đối mặt với vấn đề "già trước khi giàu" khiến nước ta chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già, dẫn tới hệ lụy về kinh tế xã hội khi dân số già hóa nhanh chóng cũng cao hơn.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết Việt Nam đang duy trì mức sinh thay thế với trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi) có 2,1 con. Tuy nhiên, mức sinh lại chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là xuất hiện xu hướng mức sinh ngày càng thấp, các cặp vợ chồng trẻ ngày càng "lười" có con.
Theo thống kê, mức sinh của khu vực thành thị các tỉnh, TP Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp, chỉ ở mức 1,48 con.
Đơn cử, tại TP HCM năm 2022, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,39 con/người. Mức sinh này tiếp tục giảm so với các năm trước đó như năm 2021 là 1,48 và năm 2020 là 1,53.
Ngoài ra, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, với tỉ lệ khoảng 7,7% dân số. Trong số này, khoảng 50% là các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau 1 lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Đề xuất bãi bỏ quy định về mục tiêu giảm sinh con thứ 3
Bộ Y tế cho biết Việt Nam đạt mức sinh thay thế nhưng giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. Trong đó có 9 tỉnh, TP đạt mức sinh thay thế (chiếm 19% dân số); 33 tỉnh, TP có mức sinh cao (chiếm 42% dân số) và 21 tỉnh TP có mức sinh thấp (chiếm 39% dân số).
Các tỉnh có mức sinh cao và mức sinh thay thế và mức sinh cao bao gồm các tỉnh ở Trung du và miền núi phía Bắc (2,43 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ), Đồng bằng sông Hồng (2,35 con), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (2,32 con); Tây Nguyên (2,43 con), Đông Nam Bộ (1,56 con), Đồng Bằng sông Cửu Long (1,8 con).
GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế quốc dân), cho rằng phải có giải pháp để "kích sinh" ngay từ bây giờ, nhất là tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Đồng thời, sớm sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên, cũng như bãi bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ 3.