Vì sao đăng kiểm phương tiện thủy ở Thanh Hóa gặp khó khăn?
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 170 phương tiện thủy hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua công tác đăng kiểm gặp nhiều khó khăn, bất cập; Kể cả vấn đề xử lý vi phạm.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 30 tuyến sông kênh, hiện đã công bố đưa vào khai thác 24 tuyến với chiều dài 697,5km bao gồm các tuyến chính như: Sông Mã, Sông Chu, Sông Tào, Sông Lèn, Kênh Nga, Sông Yên, lòng hồ Cửa Đạt, hồ Trung Sơn và tuyến biển.
Thống kê cho thấy, có khoảng 170 phương tiện hoạt động trên các tuyến sông nói trên. Trong đó, 135 phương tiện đã đăng ký, đăng kiểm (còn lại 35 phương tiện không đủ điều kiện hoặc không tham gia lưu thông). Đến thời điểm hiện tại có 152 phương tiện đã đến hạn đăng kiểm.
Trung tá Hoàng Ngọc Tám, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Vấn đề đăng ký, đăng kiểm phương tiện, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho người điều khiển phương tiện đang là khó khăn và có nhiều bất cập.
Theo quy định mới, việc đăng kiểm phương tiện thủy phải đưa lên triền đà để kiểm tra các thông số kỹ thuật. Trong khi đó, Thanh Hóa chưa có triền đà. Mặt khác, đa phần các phương tiện trước đây đóng không theo khuôn mẫu chung nên có phương tiện đăng kiểm được nhưng lại không đăng ký được.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 1 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) nhận định, qua công tác khảo sát thực tế cho thấy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang còn nhiều phương tiện thủy chở hàng hết đăng kiểm hoặc không có đăng kiểm. Nhiều phương tiện tự đóng theo truyền thống nhưng vẫn tham gia chở hàng. Người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn hoặc có nhưng hết hạn…
Nói về các giải pháp trong thời gian tới, ông Long cho rằng: Các chủ phương tiện thủy đều rất mong muốn được đăng kiểm lại phương tiện nhưng trên địa bàn không có đủ điều kiện để kiểm tra.
Do vậy, Sở GTVT cần báo cáo UBND tỉnh kiến nghị và Bộ GTVT có quy định đặc thù để tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tại Thanh Hóa được đăng kiểm phương tiện thủy theo hình thức đơn giản.
"Sở GTVT Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh xem xét có cơ chế đặc thù, ưu tiên về cơ chế cấp đất, ưu tiên về vay vốn để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng triền đà sửa chữa phương tiện thủy để các phương tiện thủy được kiểm tra theo định kỳ thuận lợi hơn", ông Long nói.
Mặt khác, địa phương phối hợp cùng các cơ quan chức năng quản lý về giao thông đường thủy nội địa kiến nghị Bộ GTVT xem xét miễn kiểm tra trên triền đà cho các phương tiện thủy loại nhỏ từ 200 tấn trở xuống, các phương tiện thủy hoạt động trên các tuyến sông trong địa bàn nội tỉnh, các phương tiện thủy hoạt động trên các vùng lòng hồ, đập.
Đối với vấn đề giải quyết tình trạng người điều khiển phương tiện thủy không có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, Sở GTVT Thanh Hóa nên có kiến nghị với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan chức năng xem xét hình thức phù hợp để tổ chức các lớp đào tạo tại những địa phương vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Thanh Hóa để người dân vừa được học vừa duy trì việc làm mưu sinh cuộc sống.
Thống kê của Thanh tra sở GTVT Thanh Hóa, trong 9 tháng của năm 2023, đã kiểm tra và lập biên bản đối với 16 trường hợp vi phạm các lỗi như: Không có đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ chuyên môn hành nghề. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa) đã xử lý 168 trường hợp với số tiền 841 triệu đồng, tạm giữ 23 phương tiện. Các lỗi vi phạm như hoán cải không được đăng kiểm, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn...