Bộ Quốc phòng Nga hôm 17/12 thông báo đưa một trung đoàn Avangard trang bị đầu đạn siêu vượt âm vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, trở thành đơn vị thứ hai của Nga vận hành loại tên lửa này.
"Thêm một trung đoàn trang bị hệ thống tên lửa siêu thanh Avangard được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong đội hình đơn vị Yasnensky ở tỉnh Orenburg", Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo hôm 17/12/2022.
"Đây là món quà thực sự cho ngày kỷ niệm thành lập lực lượng tên lửa chiến lược", Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Trước đó quân đội Nga vaoi2 ngày 18/11 đăng tải đoạn video mà họ mô tả là ghi lại quá trình tên lửa siêu vượt âm Avangard của nước này được nạp vào bệ phóng.
Theo phía Nga, đây là một quá trình tương đối phức tạp cần nhiều kỹ năng. Chiếc xe chở tên lửa sẽ nâng vũ khí lên, đặt nó theo phương thẳng vào bệ phóng, rồi từ từ đưa nó vào trục phóng.
Quá trình này mất hơn một giờ và sau khi hoàn tất, tên lửa sẽ vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Tổ hợp này là sản phẩm công nghệ cao và nó khác biệt đáng kể so với khí tài trước đó.
Bản chất Avangard là một thiết bị lướt siêu vượt âm được gắn trên một tên lửa có khả năng đẩy.
Sự góp mặt của Avangard được xem là sẽ khiến "thay đổi cuộc chơi" vì uy lực chưa thể cản phá của vũ khí này.
Đây được coi là thông tin đáng lo ngại với Mỹ và các đồng minh, bởi hệ thống lá chắn của họ chưa có khả năng đánh chặn tên lửa Avangard.
Tờ Nikkei của Nhật Bản hồi đầu tháng cho biết nước này và Mỹ có thể cùng nhau nghiên cứu để tìm ra công nghệ đánh chặn vũ khí siêu vượt âm.
Điều này nhằm giúp các lá chắn tên lửa có thể bắn hạ đầu đạn siêu vượt âm trước khi chúng tiến vào khu vực ngoài khả năng đối phó của những hệ thống phòng không sẵn có.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ bắt đầu thiết kế động cơ tên lửa cỡ lớn và các thành phần cho đạn đánh chặn từ năm 2023.
Loại tên lửa này cần có tầm bắn lớn và tốc độ cao, kèm khả năng cơ động để phản ứng với những thay đổi trong đường bay của phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV).
Ông Alexey Leonkov, chuyên gia quân sự người Nga, cho rằng Mỹ và Nhật Bản gần như không thể đánh chặn được đầu đạn Avangard vì chưa có biện pháp dự đoán đường bay của nó, trong khi hai nước cũng chưa sở hữu tên lửa phòng không có tốc độ gấp hàng chục lần âm thanh.
"Vấn đề là Avangard liên tục cơ động sau khi tách khỏi tên lửa đẩy, khiến đối phương không thể biết nó sẽ xâm nhập không phận từ hướng nào. Nhiệm vụ đánh chặn là bất khả thi", ông Alexey Leonkov nói.
Alexey Leonkov cho rằng giải pháp đơn giản hơn là ứng dụng phương pháp "bắn đuổi", trong đó tên lửa sẽ được khai hỏa để bám theo đường bay của HGV, thay vì tìm cách bắn đón đầu.
"Để làm được điều đó, tên lửa phòng không phải đạt tốc độ gấp 1,5 lần mục tiêu. Đầu đạn Avangard có tốc độ hơn 33.000 km/h, khiến tên lửa đối phó phải đạt tốc độ gần 50.000 km/h. Đây là điều phi thực tế", ông Alexey Leonkov nói.
Chuyên gia Nga cho rằng Mỹ và Nhật cũng phải phát triển mục tiêu với đặc tính kỹ thuật tương tự Avangard để thử nghiệm lá chắn tên lửa, nhưng điều này hiện nằm ngoài khả năng của cả hai nước.
Mỹ từng tiến hành nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm trong suốt nhiều năm, nhưng chương trình sau đó bị đình trệ.
Sau khi Nga và Trung Quốc biên chế vũ khí siêu vượt âm, Mỹ mới gấp rút nghiên cứu vũ khí siêu vượt âm để bắt kịp đối thủ.
Nga đã đưa trung đoàn tên lửa đầu tiên trang bị Avangard vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ năm 2019. Trung Quốc cũng đang bắt đầu vận hành tên lửa đạn đạo DF-17 có khả năng mang HGV.
Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ trên 6.000 km/h, hoạt động theo nguyên lý đánh đổi tốc độ hồi quyển cực lớn của đầu đạn để tăng tầm bắn và khả năng xuyên thủng lớp phòng thủ tên lửa của đối phương.
Chúng thường được triển khai bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cho phép đạt tốc độ lớn và tầm bắn xa.
Sau quá trình tăng tốc, đầu đạn HGV sẽ tách khỏi tên lửa và chuyển sang giai đoạn lướt. Nó có khả năng liên tục thay đổi độ cao và đường bay, thay vì bay theo quỹ đạo parabol cố định như tên lửa đạn đạo thông thường, để gây khó khăn cho nỗ lực đánh chặn của đối phương.
Ở giai đoạn cuối, đầu đạn sẽ lao xuống mục tiêu với góc bổ nhào và tốc độ cực lớn, khiến các hệ thống đánh chặn không kịp thời gian phản ứng.
Việt Hùng